Tết Quý Tỵ tại miền Trung: Nườm nượp khách Tây xông đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ trải nghiệm giá trị Di sản văn hóa xen cài hoa mai vàng khoe sắc đón chúa xuân, khách quốc tế đến với các điểm du lịch ở miền Trung dịp này còn để khám phá tầng sâu văn hóa thông qua phong tục đón Tết Nguyên đán cổ truyền của người dân bản địa.

Hồn Việt bừng sáng

Sáng sớm tinh mơ, nhiều vị khách quốc tế đã thức giấc hòa cùng dòng người bản địa đến chùa Từ Hiếu-một địa chỉ lễ chùa đầu năm của người dân cố đô Huế. Ngoài cây nêu dựng giữa sân chùa, năm nay chùa Từ Hiếu còn bố trí thêm một cây trĩu đầy “lộc xuân” để du khách hái lộc. Đặc biệt, một vị sư tăng ngôi chùa này vào vai Phật Di lặc trao quà và tiền mừng tuổi cho người đi lễ. Dù mang tính tượng trưng, nhưng ai cũng cảm thấy vui khi được mừng tuổi kèm theo những câu chúc vui tươi ngày đầu xuân.
 

1
Sư tăng chùa Từ Hiếu vào vai Phật Di lặc trao quà và tiền mừng tuổi đầu năm người dân và du khách. Ảnh: Bùi Oanh

Oliver Chambard (quốc tịch Pháp), lần đầu đặt chân đến Việt Nam trong một kỳ nghỉ đã chọn Huế làm điểm lưu trú dịp Tết cổ truyền, chia sẻ: Tết Nguyên đán không phải là phong tục riêng của người Huế. Tuy nhiên, từng là kinh đô cuối cùng ở Việt Nam nên Huế vẫn còn giữ được nhiều nét riêng thú vị trong việc đón và ăn Tết… Ở đất nước chúng tôi, kỳ nghỉ Tết cũng là dịp tụ họp gia đình, bạn bè. Nhưng khác với ngày tết của các bạn. Trước tết, ai cũng bận rộn dọn dẹp nhà cửa, thức trắng đêm gói bánh tét, thăm hỏi động viên nhau trong bữa tiệc cúng Tất niên xóm, ngõ… Ngày đầu xuân, mọi người sau khi cùng gia đình xum vầy bên mâm cỗ cúng giao thừa đã tỏa đến nhà chùa để cầu chúc cho nhau bình an, sức khỏe. Đặc biệt ở chùa Từ Hiếu, các vị sư tăng còn tặng người dân và du khách mỗi người một viên kẹo tượng trưng cho sự ngọt ngào đầu năm. Đây quả thật là nét đẹp văn hóa mang những điều may mắn, hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà.
 

1
Du khách quốc tế ghi lại khoảnh khắc đón giao thừa tại cố đô Huế. Ảnh: Bùi Oanh

Tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, sau khi Adam Lee là vị du khách quốc tế đầu tiên xông đất vào chiều mồng 1 Tết Quý Tỵ, 150 vị khách cùng anh trên chuyến phi cơ bay thẳng trực tiếp từ Kuala Lumpur (Malaysia) đã được các hãng lữ hành du lịch đưa đi tham quan, đón Tết cùng người dân bản địa tại phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, các di tích và danh lam thắng cảnh tại Huế. Adam Lee tâm sự: Đã đến Đà Nẵng và các thành phố lớn ở Việt Nam nhiều lần vì công việc. Và một trong những lần đến Việt Nam, mình được đón Tết Nguyên đán cổ truyền Canh Dần 2010 tại Hội An nên năm nay, mình gác lại công việc để cùng gia đình trở lại Việt Nam ăn cái Tết thứ hai… Thật thú vị khi cùng tham gia và tìm hiểu những hoạt động đón Tết truyền thống của người Việt, như: lễ cúng tiễn ông Táo về trời, đón Giao thừa, đi lễ chùa xin lộc đầu năm, gói bánh chưng, làm các món bánh mứt truyền thống… Phong tục mà tôi thích nhất trong ngày Tết cổ truyền của đất nước các bạn chính là tục lì xì và xông nhà.

Cơ hội mới

Tính đến sáng mồng 2 Tết, thống kê chưa đầy đủ từ Sở VHTT-DL các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế, lượng khách du lịch lưu trú, tham quan dịp Tết Quý Tỵ tăng từ 15-20% so với Tết Nhâm Thìn. Trong đó, khách quốc tế tăng từ 30-40% so với cùng kỳ. Các khách sạn đều tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, phục vụ ẩm thực, các tour du lịch tham quan di tích trong các ngày Tết. Nhiều khách sạn còn tổ chức tiệc đón Giao thừa, dịch vụ ẩm thực mang đậm hương vị Việt Nam với các món đặc trưng Tết như bánh tét, bánh chưng, dưa món, mứt gừng trong thực đơn các bữa ăn của khách… Đây thực sự là cơ hội mới để người dân bản địa và các hãng du lịch quảng bá, giới thiệu hồn quê đất Việt thông qua các phong tục, tập quán đón Tết để níu chân du khách.
 

Du khách tham quan và tập se hương tại làng nghề Dương Xuân Thượng, TP Huế dịp Tết Quý Tỵ.
Du khách tham quan và tập se hương tại làng nghề Dương Xuân Thượng, TP. Huế dịp Tết Quý Tỵ. Ảnh: Bùi Oanh

Là Di sản văn hóa thế giới, thành phố Hội An (Quảng Nam) đang phô muôn sắc màu vào ngày đầu tiên của năm Quý Tỵ. Trong đó, đèn lồng Hội An từ lâu không chỉ đem lại cho phố cổ một nét riêng độc đáo mà còn là một mặt hàng quà lưu niệm hấp dẫn đối với du khách dịp Tết Quý Tỵ. Đèn lồng Hội An đa dạng về màu sắc, chất liệu, kiểu dáng và hình thù, từ hình tròn, bát giác, lục giác đến hình trái bí, củ tỏi giản đơn. Người Hội An rất tự hào về những chiếc đèn lồng do chính tay mình làm nên. Đặc biệt, đèn lồng Hội An khá đẹp, nhẹ và quan trọng là có thể thu gọn lại bằng cách xếp khung theo nếp để mang đi. Không ít du khách sau khi tham quan, chụp hình dưới ánh đèn lồng bên những ngôi nhà cổ đầy chất thơ đã đặt mua vài chiếc đèn lồng như là sự lưu giữ kỷ niệm về một phố cổ nên thơ, đồng thời làm quà tặng thật ý nghĩa cho người thân.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Gia Lai điện tử, với lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là khách phương Tây tăng đột biến trong dịp Tết Quý Tỵ, UBND các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu các cơ quan như Cảng vụ đường thủy nội địa, Sở Giao thông Vận tải; Cảnh sát giao thông-Công an tỉnh; thanh tra du lịch, cùng một số địa phương tăng cường kiểm tra, yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch chấp hành không nâng giá ép giá, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, chỉ đạo các Sở, phòng VHTT-DL tổ chức các lễ hội, trò trơi dân gian để du khách có thêm cơ hội được trải nghiệm và khám phá tầng sâu văn hóa bản địa như: Lễ hội Đền Huyền Trân, Tết Nguyên tiêu, Lễ hội đu tiên; Lễ hội cầu ngư, vật làng Sinh và làng Thủ Lệ… ở Thừa Thiên-Huế; tổ chức tham quan du lịch ra đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân hiệp, TP. Hội An) trước, trong và sau Tết.
 

Đèn lồng Hội An núi chân du khách ngày đầu xuân Quý Tỵ. Ảnh: Bùi Oanh
Đèn lồng Hội An níu chân du khách ngày đầu xuân Quý Tỵ. Ảnh: Bùi Oanh

Đặc biệt, trong 3 ngày Tết, TP. Hội An miễn phí vé tham quan đối với tất cả các di tích trong khu phố cổ. Trong khi đó, TP. Đà Nẵng thu hút du khách gần xa bằng Đường hoa xuân quy mô nhất từ trước đến nay trên đường Bạch Đằng dọc bờ Tây sông Hàn. Đường hoa có 6 phân đoạn gồm các tiêu đề Xuân ký ức, Xuân sung túc, Xuân non nước, Trăm hoa khoe sắc, Mùa tình yêu và Mùa tụ hội... với tổng kinh phí đầu tư lên đến 17 tỷ đồng. Đường hoa xuân được thiết kế tổng thể mang hình con rắn hổ mang khổng lồ.

Nhóm Phóng viên

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.