Tết Pleiku xưa...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày tôi còn bé, Pleiku lúc ấy vẫn còn là nơi khá hoang sơ, phố xá tập trung quanh trục đường chính Hoàng Diệu (Hùng Vương bây giờ). Không cần biết người lớn phải nhọc nhằn lo liệu chuẩn bị cho gia đình đón Tết ra sao nhưng bọn trẻ chúng tôi thì chỉ mong sớm đến Tết để được nhận tiền mừng tuổi và được diện bộ đồ mới!
 

 

Tết những năm 60 của thế kỷ trước tại Pleiku tuy đơn sơ nhưng ấm áp tình người và có không khí Tết từ khá sớm. Ngày ấy hàng hóa chưa đa dạng và không như hiện nay mọi thứ đều có thể mua tại siêu thị hoặc có tiệm làm sẵn để bán từ lọ dưa món, hũ tôm chua đến bánh chưng, bánh tét và bánh mứt các loại, chỉ bỏ tiền ra mua là xong. Đa số người dân lúc ấy tuy bận bịu kiếm sống nhưng vẫn tự tay làm những thứ thiết yếu của ngày Tết cổ truyền.

Nhà cửa được quét vôi hoặc sơn phết mới, nếu không toàn bộ thì chí ít cũng phải làm mới mặt tiền và phòng khách, những người ít tiền thì dán lại tường bằng báo ảnh… Tiếng pháo Từ Châu hoặc Điện Quang đì đẹt nổ kể từ khoảng giữa tháng Chạp trở đi và rộ lên vào ngày 23 tháng Chạp, lúc cúng tiễn ông Táo về trời. Bọn trẻ chỉ chờ những dịp các gia đình đốt pháo sau khi cúng xong để xông vào nhặt pháo văng không kịp nổ hoặc nổ không trọn bánh pháo đem về đốt lẻ, có đứa còn tinh nghịch úp lên viên pháo một cái lon sữa bò để nó sẽ tung lên trời khi viên pháo nổ! Rải rác trong xóm bình dân đã tự phát hình thành những điểm xóc bầu cua tôm cá, hoặc có năm hội chợ được tổ chức tại bãi đất trống của sân vận động thị xã thì không khí rộn ràng, náo nhiệt hơn với những trò chơi: lô tô, tài sửu, ném vòng, phóng phi tiêu… Tiếng hô lô tô vang vọng như lời mời gọi mọi người ghé vào tham gia.

Người dân lúc đó tuy phải bươn chải làm ăn nhưng cũng có nhiều nhà chuẩn bị Tết khá chu đáo: từ những thứ bánh mứt dễ làm như mứt dừa, mứt gừng, bánh in, bánh thuẫn… cho đến dưa món, dưa kiệu, dưa cải chua đều được chuẩn bị sẵn nguyên liệu và mỗi người trong gia đình đều tham gia một tay để làm. Các gia đình hồi đó thường đông con lắm cháu chứ không phải chỉ 1 đến 2 con như bây giờ, mà quán ăn thường đóng cửa các ngày Tết nên chuyện nhà nhà đều chuẩn bị gói bánh chưng (người miền Bắc), bánh tét (người miền Nam) là điều khá bình thường. Khoảng 27 tháng Chạp, cả nhà xúm xít chuẩn bị lá dong, lá chuối, tre lạt, đậu xanh, thịt mỡ…, người lau lá gói bánh, người giã đậu xanh đã được đồ chín, người chẻ lạt để buộc, người vo gạo nếp xóc thêm ít muối theo kinh nghiệm và người khéo tay thì gói bánh, cốt sao được cái bánh chưng vuông vức chặt tay hoặc đòn bánh tét tròn đều chắc nịch! Không khí đoàn tụ gia đình lộ rõ trong buổi tối thức canh bánh chưng, xung quanh tiếng pháo vẫn râm ran vọng về. Thuở ấy Pleiku chỉ mới có đài phát thanh và dân chúng cũng chỉ sắm được những chiếc radio nhỏ để nghe tin tức, nên các chương trình phát thanh lúc bấy giờ bắt đầu chuyển sang phát những bài nhạc Xuân rộn rã.

Thời điểm cách đây trên dưới 50 năm, ở Pleiku chưa mấy ai chơi mai cảnh, mai thế trong chậu như bây giờ, rừng lại không xa nên đa phần người dân vào rừng kiếm mai hoặc mua mai cành về đốt gốc và cắm vào ghè nước; các loại hoa đặt trên bàn thờ cũng không cầu kỳ đắt tiền, chỉ là hoa vạn thọ, hoa huệ hoặc sang lắm là lay-ơn. Còn chưng trước cửa nhà cũng chỉ đơn giản 2 chậu mãn đình hồng đỏ tươi hoặc 2 chậu hoa hướng dương vàng rực. Vì là xứ sở gồm chủ yếu là những người từ phương xa đến lập nghiệp nên người dân bày mâm ngũ quả cũng theo nhiều cách khác nhau, có người bày biện đủ 5 loại theo màu sắc ngũ hành, nhưng cũng có người sắp đặt mâm quả chỉ với mấy loại mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài với ý mong muốn “cầu vừa đủ xài” chứ không nhất thiết phải đủ 5 loại!

Trong các ngày Tết người lớn thường chuẩn bị các bao lì xì đỏ tươi, nhỏ đẹp để mừng tuổi các cháu nhỏ, không mấy ai đưa tiền không có phong bao, nhất là mừng thọ bậc trên trước. Thời bấy giờ Pleiku còn là nơi đất rộng người thưa và chưa có chuyện hạn chế sinh đẻ nên đâu đâu cũng rộn lên tiếng chúc tụng: “Thăng quan tiến chức/Buôn bán phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái/Đầu năm sinh trai, cuối năm sinh gái, mẹ tròn con vuông”.

Ngày Tết, có người thử vận may bằng cách tham gia một vài trò chơi đen đỏ ăn tiền, có người đi lễ chùa Tỉnh hội ở đường Sư Vạn Hạnh hoặc tịnh xá ở đường Phan Đình Phùng để xin lộc, xin xăm đầu năm. Nhưng nơi có nhiều người đến nhất có lẽ vẫn là thắng cảnh Biển Hồ. Thời đó, Bến xe lam Diệp Kính chuyên chạy tuyến Diệp Kính-Biển Hồ có vẻ như luôn đông đúc, náo nhiệt hơn ngày thường. Ngày ấy mực nước Biển Hồ còn thấp chứ chưa được bổ sung nước từ hồ B thủy lợi sang như bây giờ nên người đi chơi Tết thăm cảnh có thể đi xe vòng từ bờ bên này (mỏm đất có lầu vọng cảnh hiện nay) để sang đồi đầu rùa phía đối diện. Vui vẻ tấp nập nhất, theo nhiều người, là mấy năm còn cái cầu phao Kỳ Ngộ nối 2 bờ ở chỗ eo hẹp nhất của Biển Hồ.   

Ba ngày Tết qua nhanh, chiều mùng 3 các gia đình soạn mâm cúng ông bà và đốt pháo tiễn. Một năm mới làm ăn tất bật, với bao lo toan lại bắt đầu. Vòng xoay của tạo hóa lại tiếp diễn không ngừng. Tết đến Xuân về, sau bao nhiêu cái Tết được nếm trải tại Pleiku, lòng chợt chạnh nhớ Tết hồi còn nhỏ dại mà tiếc nuối thời gian trôi qua quá nhanh!     

Lê Hoàng Thụy Vũ

Có thể bạn quan tâm

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng kiều bào thả cá chép tiễn ông Táo

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng kiều bào thả cá chép tiễn ông Táo

Chiều 26/1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng đông đảo kiều bào về dự chương trình Xuân quê hương 2019, đã thực hiện nghi thức thả cá chép tại Hồ Gươm, theo truyền thống của dân tộc Việt Nam, nhân dịp Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp hàng năm), cầu cho quốc thái dân an, đất nước thái bình, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Hoài niệm Tết

Hoài niệm Tết

(GLO)- Thế là tôi đã có gần 40 cái Tết với Pleiku rồi. Không biết như thế là dài hay ngắn nhỉ? Dài ngắn chả biết nhưng đã có đến 3 thế hệ nhà tôi ăn Tết ở đây. Thế hệ đầu tiên là tôi, tất nhiên. Ăn 3 cái Tết cô đơn ở Pleiku thì… lấy vợ.
Món ăn ba miền đậm nét văn hóa ngày Tết cổ truyền

Món ăn ba miền đậm nét văn hóa ngày Tết cổ truyền

Đối với người Việt, Tết cổ truyền không chỉ là thời khắc được quay quần bên gia đình, người thân, bạn bè mà còn là nét văn hóa truyền thống đã có từ hàng ngàn năm nay. Dù cuộc sống có bộn bề, thiếu thốn thì mỗi gia đình người Việt Nam đều cố gắng chuẩn bị một cái Tết thật vui vẻ, tươm tất nhất có thể.
Rộn ràng chuẩn bị đón năm mới

Rộn ràng chuẩn bị đón năm mới

(GLO)- Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2018. Năm nay, dù kinh tế còn khó khăn nhưng người dân trên địa bàn tỉnh vẫn cố gắng chuẩn bị cho gia đình một cái Tết đủ đầy, ấm áp.
Áo dài xuống phố

Áo dài xuống phố

Vài năm gần đây, xu hướng người trẻ mặc áo dài tại các sự kiện như lễ, tết, sinh nhật… trở nên phổ biến.
Tết gần kề, ký ức ùa về

Tết gần kề, ký ức ùa về

Fountain Valley, nơi tôi định cư trong những năm qua, mỗi khi Tết đến là những ký ức lại hiện về.Ba cái Tết rồi xa nhà, nhịp sống những ngày đầu năm mới âm lịch dường như
Phong vị Tết cổ truyền

Phong vị Tết cổ truyền

(GLO)- Tết cổ truyền là lúc sum vầy, đoàn tụ, cũng là dịp để người dân có cơ hội thưởng thức phong vị, phong tục độc đáo trong đời sống văn hóa của các dân tộc, đặc biệt là ở xã Tơ Tung (huyện Kbang)-nơi tụ cư của 13 dân tộc anh em.
Tết sum vầy!

Tết sum vầy!

(GLO)- Năm nay, thời gian nghỉ tết Đinh Dậu 2017 kéo dài 7 ngày. Nhờ làm tốt tác chăm lo Tết cho nhân dân và trực sẵn sàng chiến đấu một cách chu đáo của các ngành, các cấp nên không khí vui Tết đón xuân thật đầm ấm; tình hình an ninh ở các địa phương cơ bản được giữ vững.
Chữ nghĩa ngày xuân biểu tượng tâm hồn Việt

Chữ nghĩa ngày xuân biểu tượng tâm hồn Việt

Dân tộc ta vốn nền văn hiến đã lâu, yêu cái chữ, trọng nhân nghĩa, học hành. Trong nhà nhiều khi không có của cải đáng kể, song ở phòng khách hay nơi làm việc lại luôn thấy những bức tranh chữ, câu đối, thơ phú với vô vàn lời hay - ý đẹp.