Tây Nguyên: Nhiều dự án nằm trên giấy, chậm tiến độ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các tỉnh Tây Nguyên được đầu tư hàng trăm dự án để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng hiện nhiều dự án chỉ nằm trên giấy. Ngoài ra, còn có hàng trăm dự án triển khai dang dở, khiến đời sống người dân gặp nhiều khốn khổ.

Nỗi lo sông “nuốt” làng

Kè chống sạt lở bờ sông Đắk Pne (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) được UBND tỉnh cho chủ trương lập dự án đầu tư vào năm 2008, sau đó được phê duyệt và đến năm 2010 thì điều chỉnh một số hạng mục. Dự án có chiều dài 3,7km, tổng vốn đầu tư khoảng 134 tỷ đồng. Thế nhưng, sau 12 năm kể từ lúc phê duyệt và điều chỉnh, dự án vẫn không thể triển khai.

Ghi nhận tại làng Kon Skôi (xã Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy), đoạn sông Đắk Pne chảy qua rộng hàng chục mét, ăn sâu vào đất sản xuất của dân khiến 2 bên bờ bị sạt lở, nhiều nhà dân cũng chỉ còn mấp mé sông chừng 5m, thay vì hàng chục mét như trước.

Ông A Kiên, Trưởng thôn Kon Skôi than thở, khoảng 5 năm qua, sông Đắk Pne đã lấn vào làng đến 10m, dân sống trong thấp thỏm lo âu. Nếu không sớm xây kè bảo vệ thì trong tương lai, ngôi làng sẽ bị sông “nuốt chửng”.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, cho biết, dự án kè chống sạt lở bờ sông Đắk Pne có vai trò rất quan trọng, cấp bách bởi cần đảm bảo an toàn, ổn định chỗ ở và sản xuất cho gần 350 hộ dân với trên 1.300 nhân khẩu, cũng như bảo vệ công trình, tài sản của Nhà nước thuộc khu trung tâm huyện lỵ Kon Rẫy. Tuy nhiên, nhiều năm nay không thể triển khai dự án do không có vốn đầu tư. “Tình trạng xói lở hai bên bờ sông ngày càng nghiêm trọng, xâm thực ngày càng mạnh. Địa phương mong muốn dự án được sớm đầu tư để dân an cư”, ông Thủy nói.

Ì ạch tiến độ

Tỉnh Đắk Lắk đang đầu tư triển khai hàng trăm dự án để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, có nhiều dự án triển khai ì ạch, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Đơn cử, dự án đường Hùng Vương (TP Buôn Ma Thuột) được phê duyệt cuối tháng 10-2019, thời gian thực hiện từ năm 2020-2024. Công trình có chiều dài 1,7km, tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng TP Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau gần 2 năm, các nhà thầu mới triển khai được một khối lượng nhỏ công việc rồi rút lui, để lại công trình ngổn ngang.

Ông Nguyễn Văn H. (phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột) bức xúc, đầu năm 2021, nhà thầu thi công hạ mặt đường khiến lối ra vào gia đình ông bị hạ xuống gần 1m, đi lại rất khó khăn. Sau đó thì nhà thầu ngừng thi công khiến hàng trăm hộ dân trong khu vực điêu đứng. “Các nhà thầu đào đường khiến mưa thì ngập nước, nắng thì bụi mù mịt. Chúng tôi mong mỏi đường sớm được thi công để người dân an cư”, ông H. nói…

Theo UBND TP Buôn Ma Thuột, đến nay khối lượng thực hiện dự án đường Hùng Vương ước khoảng 12% (khoảng 3,8 tỷ đồng) và phải tạm dừng thi công. Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho biết, dự án cũng đang vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng. “Chủ trương của thành phố là vận động người dân hiến đất để làm đường Hùng Vương. Hiện đa số người dân đã đồng ý hiến đất, chỉ còn một số chưa đồng ý và chúng tôi đang tiếp tục vận động”, ông Hưng cho biết thêm.

 

Dự án hồ chứa nước Yên Ngựa đang thi công dở dang ở xã Cư Êwi
Dự án hồ chứa nước Yên Ngựa đang thi công dở dang ở xã Cư Êwi


Tương tự, dự án hồ chứa nước Yên Ngựa, thuộc xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, có tổng mức đầu tư hơn 305 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018-2022. Đến nay tổng mức đầu tư đã tăng đến hơn 468 tỷ đồng nhưng vẫn đứng trước nguy cơ chậm tiến độ. Ghi nhận tại dự án này, công trình thi công dở dang, lòng hồ vẫn là bãi đất trống… Đáng nói, chủ đầu tư đã thu hồi đất của hàng chục hộ dân ở xã Cư Êwi, tuy nhiên đến nay người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù.  

Ông Nguyễn Đình Thìn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk (chủ đầu tư dự án), cho biết: “Công trình chậm tiến độ là do vướng giải phóng mặt bằng, bị đội vốn nên chậm chi trả cho người dân. Hiện đơn vị đang đề xuất UBND tỉnh bố trí vốn để thực hiện chi trả bồi thường cho người dân”, ông Thìn nói.  

Theo Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Lắk, năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư công toàn tỉnh là hơn 5.100 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt hơn 10% kế hoạch. Ngoài ra, địa phương này còn tới 181 công trình sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách cũng chậm tiến độ, chậm triển khai.

Theo HỮU PHÚC - MAI CƯỜNG (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm