Tây Nguyên: Nâng tầm giá trị sản phẩm cà phê Việt chất lượng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để có được sản phẩm càphê đạt tiêu chuẩn, chất lượng, các hợp tác xã phải tập trung tuyên truyền sâu rộng đến nông dân cải tiến lại quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến theo hướng hiện đại.
Nói đến các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng đất Tây Nguyên và của tỉnh Gia Lai nói riêng, chắc hẳn không thể không nhắc đến sản phẩm càphê. Càphê của vùng đất này có hương vị rất đặc trưng gắn với vùng đất đỏ bazan màu mỡ, điều kiện khí hậu lý tưởng, khó nơi nào có thể sánh được.
Tuy nhiên, những năm qua, càphê Gia Lai vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng đưa thương hiệu xứng tầm với giá trị vốn có.
Để nâng tầm giá trị càphê Gia Lai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động “Đề án phát triển càphê chất lượng cao giai đoạn 2021-2030.”
Theo đó, đề ra mục tiêu là đáp ứng nhu cầu càphê đặc sản ngày càng tăng ở các thị trường xuất khẩu và nội địa; đồng thời nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm càphê Việt Nam trên thị trường thế giới, góp phần phát triển bền vững ngành càphê Việt Nam.
Thông qua đề án này, Gia Lai là 1 trong 2 địa phương của khu vực Tây Nguyên được thụ hưởng, giúp mở ra cơ hội để sản phẩm càphê Gia Lai nâng tầm giá trị. Hợp phần đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu càphê là 1 trong 4 hợp phần được triển khai tại 4 địa phương gồm: Đăk Đoa, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Pah gắn với 6 hợp tác xã cùng tham gia.
Dự án sẽ đầu tư nâng cấp và cải tạo gần 12km đường giao thông phục vụ sản xuất, kết nối vùng nguyên liệu với khu chế biến và liên kết vùng. Cùng với đó, hợp phần này cũng sẽ đầu tư xây dựng 3 vùng nguyên liệu để thu mua, bảo quản càphê chất lượng cao với quy mô 1.300 tấn, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Ia Tiêm, huyện Chư Sê chia sẻ, tham gia vào dự án càphê chất lượng cao, bà con nông dân được hưởng lợi rất nhiều.
Cụ thể là giá trị càphê xuất khẩu được nâng cao; người nông dân làm chủ được sản phẩm càphê làm ra và giá thành sản phẩm cũng cao hơn. Do đó, đề án này đang được nông dân rất đồng tình, phấn khởi và vai trò của hợp tác xã cũng được nâng lên.
Cũng theo ông Hưng, để có được sản phẩm càphê đạt tiêu chuẩn, chất lượng, các hợp tác xã phải tập trung tuyên truyền sâu rộng đến nông dân cải tiến lại quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến theo hướng hiện đại và hội nhập.
Việc triển khai hợp phần đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu gắn với các hợp tác xã, doanh nghiệp có kinh nghiệm trong sản xuất càphê sẽ tạo được sự đột phá trong liên kết sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Điển hình như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp tiên phong sản xuất càphê chất lượng cao của Gia Lai với sản lượng xuất khẩu hàng năm đạt từ 50.000-70.000 tấn.
Hiện doanh nghiệp đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất hơn 20.000 ha càphê và sản phẩm của đơn vị cũng đã xuất đi hơn 40 quốc gia; trong đó, thị trường chính là châu Âu với kim ngạch chiếm khoảng 60%.

Nông dân thu hoạch càphê. Ảnh: TTXVN
Nông dân thu hoạch càphê. Ảnh: TTXVN
Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp, cho biết doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động liên kết vùng, liên kết tỉnh, liên kết với nhau để cùng phát triển và tạo dựng ra một sản phẩm chất lượng được đảm bảo theo các quy trình đồng nhất. Có được những sản phẩm tốt nhất sẽ giúp những doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng hội nhập nhanh.
Ngược lại nếu không tạo ra được vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý hoặc không liên kết các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân với nhau để trở thành chuỗi khép kín thì khó có thể xây dựng được vùng nguyên tốt, sản phẩm càphê đạt chất lượng cạnh tranh vào thị trường khó tính.
Ngoài việc đánh giá cao sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong thời gian qua đã luôn đồng hành cùng các hợp tác xã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng để thực hiện thành công mục tiêu của dự  án, các hợp tác xã phải thay đổi cơ cấu tổ chức, phương thức sản xuất, cách tiếp cận; đặc biệt, chú trọng thực hiện các tiêu chí của doanh nghiệp liên kết đưa ra để đảm bảo các sản phẩm đạt tiêu chuẩn giúp nâng  cao giá trị gia tăng ít nhất là 20%.
Với tổng diện tích gần 100.000 ha, Gia Lai là địa phương có diện tích càphê lớn thứ 4 của cả nước. Đặc biệt, sản phẩm càphê Robusta của Gia Lai được các chuyên gia đánh giá cao vì có hương vị đặc trưng riêng và được nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng.
Việc khởi động “Đề án phát triển càphê chất lượng cao giai đoạn 2021-2030” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá đưa càphê Gia Lai nâng tầm giá trị và ổn định xuất khẩu thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Nguyễn Hoài Nam (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.