Tây Nguyên cất cánh trong thập niên mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI đang được mở ra với nhiều kỳ vọng vùng đất Tây Nguyên sẽ được cất cánh
Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa ban hành nghị quyết về việc thành lập TP Gia Nghĩa (từ thị xã Gia Nghĩa) thuộc tỉnh Đắk Nông kể từ ngày 1-1-2020. Đây là động lực để tỉnh Đắk Nông phát triển kinh tế - xã hội trong thập kỷ mới.
Đô thị thông minh, sinh thái và bản sắc
Việc thành lập TP Gia Nghĩa với 8 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 phường thuộc tỉnh Đắk Nông trên cơ sở hơn 284 km2 diện tích tự nhiên và dân số hơn 85.000 người của thị xã Gia Nghĩa. Ông Trần Đình Ninh, Chủ tịch UBND TP Gia Nghĩa, cho biết: "Việc thành lập TP Gia Nghĩa sẽ tạo cơ hội cho địa phương tiếp cận, thu hút nguồn vốn đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh, sạch và công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội".
 
Gia Nghĩa lên thành phố là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển Đắk Nông. Ảnh: CAO NGUYÊN
Tỉnh Đắk Lắk cũng được kỳ vọng sẽ có những bước phát triển đột phá khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành Kết luận số 67-KL/TW ngày 16-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.
Ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết tỉnh này đang tập trung xây dựng hệ thống chính trị của TP Buôn Ma Thuột thực sự trong sạch, vững mạnh, coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ TP Buôn Ma Thuột giỏi về mặt chuyên môn, trong sáng về đạo đức công vụ.
"Cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng, lợi thế của Buôn Ma Thuột như năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu xây dựng trung tâm phần mềm. Tháo gỡ các điểm nghẽn giao thông, thúc đẩy kêu gọi đầu tư, lưu thông hàng hóa, du lịch để TP Buôn Ma Thuột thành một TP thông minh, sinh thái và bản sắc trong tương lai gần" - ông Bùi Văn Cường cho biết thêm.
Bắc Tây Nguyên phát triển năng lượng sạch
Bước vào ngưỡng cửa thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI này, 20/21 chỉ tiêu chủ yếu được tỉnh Gia Lai đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Trước tình hình cao su, cà phê, hồ tiêu đang gặp khó, tỉnh Gia Lai chuyển hướng phát triển năng lượng sạch từ điện gió và điện mặt trời.
Hiện một số nhà máy điện mặt trời có quy mô lớn đã đi vào hoạt động như Nhà máy Điện năng lượng mặt trời Thành Thành Công Krông Pa, công suất 49 MW. Dự án trang trại Phong điện Chư Prông giai đoạn 1 là dự án điện gió đầu tiên đã được động thổ với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng, công suất giai đoạn 1 là 50MW, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý I/2021. Ông Hồ Tá Tín, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phong điện HBRE Gia Lai (chủ đầu tư), cho biết Gia Lai là một trong những tỉnh có tiềm năng gió lớn nhất Tây Nguyên, cùng với giao thông thuận lợi, nguồn gió ổn định, môi trường đầu tư thuận lợi. "Dự án điện gió sẽ mang lại lợi ích cho xã hội, đó là năng lượng tái tạo, không gây ô nhiễm môi trường và đóng góp nguồn ngân sách cho địa phương khá lớn. Đây là dự án điện gió đầu tiên, là minh chứng cho việc chào mời, kêu gọi nhà đầu tư của tỉnh" - ông Tín nói.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, tỉnh đã cấp phép cho các nhà đầu tư nghiên cứu 112 dự án điện gió và 68 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 25.000 MW. Nếu đi vào hoạt động thì sẽ làm thay đổi nền kinh tế địa phương, tăng thu ngân sách cho nhà nước. Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết UBND tỉnh này đưa ra phương châm "siết chặt kỷ cương hành chính, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao chất lượng tham mưu, phối hợp với các cấp, ngành" để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, góp phần phát triển Gia Lai.
Một tỉnh miền núi khó khăn nhưng năm 2019, Kon Tum cũng đã thu hút 57 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 5.000 tỉ đồng, trong đó một số nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đã đặt chân đến Kon Tum, tạo điều kiện để tỉnh này cất cánh trong thập niên mới. 
Lâm Đồng xây dựng TP di sản, sinh thái
Theo tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh này đang hướng TP Đà Lạt thành TP di sản và TP Bảo Lộc thành TP sinh thái đến năm 2030. Hiện tỉnh này đã thu hút 214 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng. Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho biết đô thị Đà Lạt có nét đặc trưng riêng mà không có đô thị nào của Việt Nam có là "rừng trong thành phố và thành phố trong rừng", "thành phố sương mù", "thành phố Festival Hoa"; sự hội tụ của nhiều nền văn hóa, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng và các di sản kiến trúc đặc trưng. "Chúng tôi đang xây dựng mô hình "Làng đô thị xanh" tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu thành công sẽ là một dấu ấn mới góp phần bổ sung vào các di sản của TP Đà Lạt trong tương lai" - ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, nói. Đ.Thi
Cao Nguyên-Hoàng Thanh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm