Tàu vũ trụ NASA bay tạm biệt tiểu hành tinh Bennu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tàu vũ trụ OSIRIS-REx của NASA có chuyến bay tạm biệt tiểu hành tinh Bennu. Đây là tàu vũ trụ đã quan sát, nghiên cứu tiểu hành tinh này trong vài năm qua.
 
Hình minh họa đường bay của tàu vũ trụ OSIRIS-REx của NASA trong chuyến bay cuối cùng ở tiểu hành tinh Bennu. Ảnh: Đại học Arizona.
Hình minh họa đường bay của tàu vũ trụ OSIRIS-REx của NASA trong chuyến bay cuối cùng ở tiểu hành tinh Bennu. Ảnh: Đại học Arizona.
Tàu vũ trụ OSIRIS-REx thực hiện chuyến bay cuối cùng quanh tiểu hành tinh Bennu vào thứ Tư (7.4), CNN đưa tin.
Tàu vũ trụ của NASA thực hiện cú hạ cánh lịch sử xuống tiểu hành tinh Bennu vào ngày 20.10.2020 và thu thập mẫu vật từ bề mặt tiểu hành tinh này. Mẫu vật từ tiểu hành tinh Bennu được giữ bên trong tàu vũ trụ của NASA và sẽ trở về trái đất năm 2023.
Sứ mệnh OSIRIS-REx đến tiểu hành tinh Bennu tháng 12.2018 và quay quanh tiểu hành tinh này kể từ thời điểm đó.
Trong chuyến bay tạm biệt hôm 7.4, tàu vũ trụ của NASA có đợt tiếp cận gần cuối cùng tới Bennu, chụp ảnh bề mặt của tiểu hành tinh này từ khoảng cách 4km.
 
Hình minh họa tàu vũ trụ OSIRIS-REx của NASA khởi hành từ tiểu hành tinh Bennu để trở lại trái đất. Ảnh: Đại học Arizona.
Hình minh họa tàu vũ trụ OSIRIS-REx của NASA khởi hành từ tiểu hành tinh Bennu để trở lại trái đất. Ảnh: Đại học Arizona.
Những hình ảnh này sẽ tiết lộ những tác động sau cú hạ cánh của tàu vũ trụ NASA xuống tiểu hành tinh này để lấy mẫu vật hồi tháng 10 năm ngoái. Lực hấp dẫn trên tiểu hành tinh yếu, vì vậy đá và bụi phóng ra, phân tán trong suốt quá trình lấy mẫu.
Những bức ảnh do tàu vũ trụ của NASA chụp ngày 7.4 sẽ cho các nhà khoa học thấy sự kiện lấy mẫu vật đã thay đổi bề mặt của tiểu hành tinh này như thế nào. Tàu vũ trụ dành gần 6 giờ để chụp ảnh Bennu, nhằm quan sát tiểu hành tinh này hoàn thành trọn vẹn một vòng quay.
Lộ trình chuyến bay tạm biệt của OSIRIS-REx tương tự như khi tàu vũ trụ này tìm địa điểm hạ cánh trong các cuộc khảo sát năm 2019. Những hình ảnh năm 2019 sẽ được sử dụng cũng những hình ảnh mới để so sánh trước và sau cú hạ cánh.
OSIRIS-REx sẽ ở lại khu vực xung quanh tiểu hành tinh Bennu đến 10.5, sau đó bắt đầu hành trình 321 triệu km trong 2 năm để trở lại trái đất.
Mẫu vật từ tiểu hành tinh này có thể làm sáng tỏ hơn sự hình thành của hệ mặt trời và cách các nguyên tố như nước có khả năng được chuyển đến trái đất sơ khai do tác động từ các tiểu hành tinh, theo CNN.
Khi OSIRIS-REx trở về trái đất năm 2023, tàu vũ trụ này sẽ thả khoang chứa mẫu vật xuống sa mạc Utah. Một nhóm của NASA sẽ lấy mẫu và chuyển đến một nhà chứa máy bay được thiết kế như một phòng sạch tạm thời. Sau đó, mẫu từ tiểu hành tinh Bennu sẽ được chuyển đến các phòng thí nghiệm hiện đang được xây dựng tại Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston.
Tiểu hành tinh Bennu có tuổi đời xấp xỉ hệ mặt trời. Tiểu hành tinh này cách trái đất hơn 320 triệu km nhưng có quỹ đạo có thể xoay vòng với khoảng cách gần trái đất nhất là 7,4 triệu km. Do đó, Bennu và các tiểu hành tinh gần trái đất khác được xếp vào nhóm các vật thể không gian nguy hiểm tiềm tàng.
Tiểu hành tinh Bennu đã nhiều lần sượt ngang qua trái đất và được NASA đánh giá là có xác suất va chạm tương đối cao, có thể gây thảm họa cho nhân loại vào thế kỷ 22. Cụ thể, Văn phòng Điều phối Phòng thủ Hành tinh của NASA ước tính có 1 trong 2.700 khả năng Bennu va vào trái đất vào khoảng giữa những năm 2175 và 2199.
HẢI ANH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm