… Độ giữa đông năm 1977, tại cơ quan Tòa soạn 15 Hồ Xuân Hương, Chi đoàn thanh niên báo Tiền Phong chúng tôi xúm tay tổ chức một đám cưới. Chú rể là phóng viên Ban trường học Nguyễn Ngọc Báu đẹp duyên cùng cô dâu Đào Thị Như Vịnh là giảng viên ĐH Sư phạm. Phòng họp lớn của cơ quan chật ních khách phải tràn cả xuống sân. Khách nhà trai có một vị VIP là ông Xuân Thủy, Bí thư T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội. Ông Xuân Thủy là bác ruột Nguyễn Ngọc Báu.
Nguyễn Ngọc Báu từng 10 năm là phóng viên của Hãng thông tấn Ba Lan (PAP) tại Hà Nội và sau này phụ trách ấn phẩm Tri Thức Trẻ của Tiền Phong.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Báu và những trang nhật kí của Xuân Thủy. |
Mùa hè năm 1973, Bộ trưởng Xuân Thủy danh tiếng như cồn sau cuộc ký kết hòa đàm Ba Lê đã có một tuần làm khách mời đặc biệt của Nhà nước và Bộ Ngoại giao Ba Lan. Nguyễn Ngọc Báu khi đó là sinh viên văn khoa năm thứ 4 Đại học Tổng hợp Vacsava. Cậu cháu khi ấy đang nghỉ hè được ông bác Xuân Thủy đón về nhà khách của Bộ Ngoại giao Ba Lan. Chừng như để thẩm định kết quả học tập cũng như năng khiếu viết lách của cậu cháu, ông bác Xuân Thủy bất ngờ giao việc rằng tất tật những hoạt động suốt cả một tuần của ông ở Ba Lan, cậu cháu phải thực thi việc ghi chép lại!
Cứ như một thư ký riêng tập sự, theo hầu ông bác được ké suất thượng khách nhưng Báu ta lo lắm. Không biết phải ghi chép viết lách ra làm sao để ông bác khỏi phật ý đây? Đúng như Báu đã lường, cầm tập giấy với những dòng ghi chép của cậu cháu, ông bác cười thế này chỉ đạt điểm 2 trên 10 thôi!
Rồi đêm đó ông bác bất ngờ lấy từ va li ra một chồng giấy gáy lò xo các trang kín đặc tuồng chữ màu xanh đen ngay ngắn! Báu ngạc nhiên khi tiếp cận chồng tài liệu. Đó là những tờ khổ A4 được đóng thành từng tập. Hóa ra đây là những dòng nhật ký của Trưởng đoàn đàm phán Ba Lê bắt đầu từ ngày ông được giao trọng trách phụ trách đoàn đàm phán của VNDCCH. Mà ông đã trực tiếp chép, ghi khởi đầu từ 7/5/1968, ngày lên đường sang Paris.
Tiếng là cháu ruột, nhưng mãi đến tận khi ấy, Báu mới mục sở thị kiểu chữ viết tuy là nhật ký nhưng không hề tháu mà chân phương ngay ngắn của ông bác mình. Lại nữa, cách viết rất ngắn gọn nhưng khá sinh động.
Cẩn thận trao lại cho tôi tập tài liệu là những trang nhật ký được photocopy, ông Nguyễn Ngọc Báu giọng bức xúc rằng không hiểu sao cho đến thời điểm này số trang của tập nhật ký cuộc hòa đàm Ba Lê của ông bác chỉ còn mong mỏng
thế này?
Tôi đón lấy tập tài liệu. Nhật ký Hòa đàm Ba Lê của Xuân Thủy bắt đầu được ghi từ 7/5/1968. Và dừng lại ngày 5/7/1969. Nguyễn Ngọc Báu chất giọng chắc khừ rằng thời điểm được tiếp cận với tập nhật ký của ông bác hẵng còn xôm tụ các cuốn mà Xuân Thủy ghi đến tận thời điểm ký kết Hiệp định tháng Giêng năm 1973! Báu khẳng định thêm, với bản tính cẩn trọng, chu tất và thói quen ghi nhật ký, không bao giờ ông bác mình để xổng để phí suốt từ cuối năm 1969 cho đến đầu năm 1973 với hàng loạt sự kiện đáng chú ý như thế?
Đoạn cuối ông Xuân Thủy ghi lại lần về Hà Nội rồi trở lại Pháp. 5/7/69. Tới Paris. Sân bay Le Bourger. Buổi trưa. Nắng. Các anh Bộ, Lâu, chị Bình đã có mặt. Những cái hôn thân thiết. Trong phòng khách sân bay có đủ anh chị em hai Đoàn. Các cơ quan, Việt kiều. Đại sứ Liên Xô. ĐSQ Trung Quốc. Nhà báo, quay phim chờ sẵn…
Không thấy triệu chứng gì của việc kết thúc nhật ký? Biết chia sẻ với ông bạn Báu thế nào đây? Có thể nhiều cuốn của tập nhật ký ấy đã bị thất lạc ở khâu nào đó hoặc còn lưu giữ đâu đó?
Nhà ngoại giao Xuân Thủy mất đột ngột khi ông đang viết dở đoạn hồi ký về các thời Báo Cứu Quốc do ông từng làm chủ nhiệm. Có cuộc bàn giao tài liệu giữa ông với các cơ quan có trách nhiệm nào không? Ông cháu Nguyễn Ngọc Báu chỉ may mắn thừa hưởng phần nhật ký này từ tay người con trai cả của ông Xuân Thủy là Nguyễn Trọng Uyên (đã mất) và GS.TS Nguyễn Trọng Yêm. Và tại thời điểm đó tập nhật ký cũng đã trong tình trạng mỏng, thiếu như vậy?
Của tin còn một chút này
Chưa có cái cần thì tạm bằng lòng với cái đang có vậy? Tôi bồi hồi dừng lại ở những con chữ từ nửa thế kỷ trước. Tưởng cũng nên trích đoạn không khí phiên họp đầu tiên của cuộc Hội đàm Ba Lê.
13/5/68
Mười giờ trong đoàn ai nấy đã âu phục chỉnh tề (âu phục màu đen theo thời trang Paris. Áo ve nhỏ ba khuy. Quần ống không rộng, giầy da đen mũi nhọn) Xuân Thủy đi đầu với Phương phiên dịch, Bắc bảo vệ. Các nhà báo đã chờ sẵn ở chân thang máy và cửa ra vào
Xin ngài cho biết cảm tưởng phiên họp đầu tiên? Ý nghĩ của ngài bây giờ là gì? Ngài định nói gì tại phiên khai mạc này?
Xuân Thủy chỉ cười cảm ơn, chưa có gì để nói. Ngoài đường hai bên hè quần chúng xúm đông vẫy tay. Xe Xuân Thủy (kiểu mới nhất của Pháp) cắm cờ đỏ sao vàng. Xe thứ hai Cố vấn Bộ trưởng đại sứ Hà Văn Lâu. Cố vấn Bộ trưởng, nghị sĩ Nguyễn Minh Vỹ. Xe thứ ba cố vấn người phát ngôn Nguyễn Thành Lê cố vấn Đại sứ Phan Hiền. Tiếp theo là những xe nhân viên. Hộ tống đoàn có 4 xe mô tô hai xe hơi của cảnh sát Pháp. Còi hú vang.
Nơi họp ở cạnh Khải Hoàn Môn là ngôi nhà nhiều tầng cổ kính mang tên Trung tâm Hội nghị quốc tế. Người hai bên đường đông nghịt. Tất cả phải đứng phía sau hàng rào sắt trước lối đi vào nhà Hội nghị. Cảnh sát xếp thành hàng đứng hai bên. Hai người gác cửa mang găng tay trắng, mặc áo đuôi tôm đen, một lễ tân cũng áo đuôi tôm đen và hai nhân viên Lễ tân Bộ Ngoại giao dẫn đoàn vào phòng hội nghị.
Phòng họp rộng hình chữ nhật. Bàn họp cũng kê hình chữ nhật. Mặt bàn trải thảm dạ xanh. Bốn bên có lối đi rộng. Hai đầu chăng dây ngăn. Một bên cho nhà báo quay phim nhiếp ảnh. Đoàn Mỹ đến sau 2 phút. Đại sứ lưu động Hariman Đại diện Tổng thống Mỹ, đại sứ Vance đại diện thứ hai của Tổng thống Mỹ và một số nhân vật khác. Đại diện của Bộ Ngoại giao Pháp giới thiệu Hariman với Xuân Thủy. Hariman 75 tuổi (Xuân Thủy sinh 1912-XB) tóc đen còn khỏe, gương mặt càu cạu. Vừa bắt tay Xuân Thủy vừa nói “Rất mừng được gặp ngài” Vance cũng niềm nở bắt tay Xuân Thủy.
Chừng 15 phút các nhà báo, quay phim nhiếp ảnh ra ngoài. Vì phòng họp quá rộng nên hai đoàn chuyển sang một phòng nhỏ hơn. Bàn kê hình vuông. Hai đoàn ngồi đối diện.
Hariman: Thưa ngài đại diện Chính phủ VNDCCH hình như ngài muốn nói trước?
Xuân Thủy: Vâng tôi xin nói trước.
Xuân Thủy đọc bài phát biểu đã chuẩn bị hơn 10 trang đánh máy.
…
Hariman cũng đọc một bài chuẩn bị sẵn.
Vào họp lúc 10h30 mà gần 3 giờ chiều mới kết thúc.
Hariman ra trước chờ ở ngoài cửa để bắt tay.
Phát ngôn Mỹ họp báo. Ta cũng họp báo. Nhưng ở chỗ khác.
Tôi bất giác nghĩ đến Hội nghị Ba Lê lê thê suốt năm năm với 501 cuộc họp công khai, hơn 40 cuộc tiếp xúc bí mật, hơn 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn (riêng Bộ trưởng Xuân Thủy đã chiếm non nửa số cuộc phỏng vấn)
17/1/69. Chia tay Hariman. Chia tay có lẽ không bao giờ gặp lại? Xuân Thủy tặng Hariman tập sách văn học Việt Nam và giáo dục Việt Nam.
Sau đó Xuân Thủy, Thọ (Cố vấn Lê Đức Thọ sang Paris ngày 13/8/68-XB) Lâu mời Hariaman sâm banh chả rán, giò nạc, phồng tôm và tôm rán.
(Trước đó, nhà ngoại giao Mỹ sừng sỏ đã tặng nhà thơ Xuân Thủy tập thơ từ thời Périclès – thế kỷ V tr.CN với lời ghi đầu sách “Kính tặng Bộ trưởng Xuân Thủy. Nhà thơ. Paris 31/10/1968” Sự kiện này không thấy Xuân Thủy ghi trong nhật ký? XB)
…13/12/1968 Lâu, Vỹ gặp Vance. Vẫn chuyện cái bàn (cho cuộc họp 4 bên-XB) Lần thứ 7, Vance đưa ra hai kiểu bàn. Hình bầu dục cắt dọc đôi và hình tròn cắt đôi. Ta bác bỏ và đưa ra kiểu bàn tròn kín không cắt. Bốn đoàn ai muốn ngồi đâu thì ngồi. Vance nói sẽ nghiên cứu.
15/12/68 Mai Văn Bộ gặp Manach (Phụ trách lễ tân BNG Pháp) về cái bàn cho Hội nghị 4 bên. Manach nói Pháp chỉ là thợ đóng bàn mà khách không nhất trí thì đóng thế nào? Manach đề nghị bàn hình quả trám. Hai đầu hở, hai đầu liền.
Ngày 25/1/68 Hội nghị 4 bên. Phiên họp đầu tiên.
9 giờ 10 sáng Đoàn VNDCCH tới. Xuân Thủy tuyên bố với các nhà báo “Chúng tôi đến Hội nghị với thái độ nghiêm chỉnh và thiện chí…”. 9 giờ 15 Đoàn MTDTGPMNVN tới. Mọi người xuống xe tươi cười vẫy chào. Không nói gì.
Một lát sau thì Đoàn Mỹ rồi ngụy Saigon có mặt.
Mỹ và Ngụy đều mặc Âu màu đen. Chỉ riêng có một nữ áo rét khoác ngoài.
Mỗi đoàn có một buồng riêng. Đoàn VNDCCH có lợi thế nhìn qua cửa kính thẳng ra cổng Hội nghị. Cảnh sát đông hơn những lần họp VNDCCH và Mỹ. Khắp các ngả cảnh sát sắc phục màu đen mang vũ khí.
Hai đoàn Mỹ, ngụy vào phòng họp trước. Tất cả ngồi quanh cái bàn hình tròn (Phương án của VNDCCH đã được chấp thuận-XB) Trên bàn trải thảm xanh và đặt các micro.
Không đoàn nào cười nói gì với nhau.
Có 15 phút quay phim chụp ảnh. Trần Bửu Kiếm (sau này 4/11/1968, bà Nguyễn Thị Bình mới sang thay- XB) thay mặt đoàn MTDTGPMNVN phát biểu đầu tiên.
Rồi Xuân Thủy…Kế đó là Phạm Đăng Lâm đại diện đoàn Saigon. Cuối cùng là Cabot Logde (thay Hariman) đoàn Mỹ.
Lâm phát biểu 2g30. Kiếm 1g30. Xuân Thủy 1 g. Cabot Logde ngắn nhất. Cuộc họp căng thẳng kéo dài tới 6 giờ chiều. Chỉ nghỉ giữa chừng 15 phút. Trong khu họp chỉ có một nhà xí. Nếu muốn tránh gặp mặt nhau thì chỉ có cách nhịn đừng vào.
Mềm hóa, hòa dịu những thô cứng
Lướt qua những dòng nhật ký. Một chút bâng khuâng... Có lẽ đó là những năm tháng đắc ý nhất trong đời làm ngoại giao của Bộ trưởng Xuân Thủy và nói rộng cả nền ngoại giao nước mình? Rằng quanh Xuân Thủy và Đoàn Đại biểu VNDCCH cũng như MTDTGPMNVN luôn quây tụ những yếu nhân thế giới lẫn tinh hoa thành Ba Lê. Vị thế Việt Nam thời điểm ấy dường như đã chắp thêm cho các sứ thần Việt Nam như Xuân Thủy những sải bước ngoại giao khoát hoạt, tự tin? May nữa mẫn cảm của một thi sĩ như Xuân Thủy đã biết thay đổi cảm hóa những trạng huống trớ trêu bất ngờ, hóa giải thứ chính trị thô cứng thành hòa dịu.
Mới đến Paris ít ngày, ông ngồi với đủ loại. Ngày 15/7/68 Arthur Miller nhà soạn kịch nổi tiếng tìm gặp Xuân Thủy với đề nghị hài hước Xuân Thủy và Hariman nên tuyên bố cho đàn bà trẻ con hai miền Nam Bắc đổi chỗ cho nhau. Như thế Mỹ sẽ không dám ném bom…
Tổng thống Pháp De Gaulle thân ái bắt tay Xuân Thủy và Mai Văn Bộ chiều muộn ngày 21/5/68 tại Phủ Tổng thống Pháp “Ông BT cho tôi gửi lời cảm ơn và kính thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngài đồng tuế với tôi năm nay 78 tuổi” Chiều ngày 6/7/68 trời râm mát Tiếp Tổng thư ký LHQ U Than lúc 5 giờ chiều. Đi 2 xe ô tô đen. Có thư ký, bảo vệ. U Than gần 60 tóc hơi đốm bạc. Đeo kính trắng mặt tròn đầy da ngăm ngăm răng trắng vóc tầm thước nói tiếng Anh thạo.
Xuân Thủy đã không biến các cuộc họp báo liên miên thành gánh nặng cực hình. Một đoạn đối thoại trong lúc rảnh rỗi giữa Trưởng đoàn Xuân Thủy và các nhà báo trong đó có cô phóng viên tờ New York Times.
Ngài có quan tâm đến thời trang Paris? Ngài có thích váy ngắn không. Xuân Thủy: Cũng tùy từng lúc. Cô nhà báo: Váy ngắn cũng sắp hết thời rồi. Xuân Thủy: nghĩa là không ngắn hơn được nữa hả?
Ngồi với nhà báo Madeleine Riffaud. Madelein nói chuyện dịch thơ. Cô chê một số nhà thơ Việt dịch dở. Dịch theo vần nên sai nghĩa. Cô thí dụ bài Không giam được trí óc của Xuân Thủy. Cô nói đã phải chữa lại nhiều không thì các nhà thơ Pháp sẽ cười Xuân Thủy làm thơ dở ẹc!
Nhật ký có những dòng rất gợi.
12/5/68. Ăn cơm với cảnh sát trưởng Paris là người Việt học Albert Sarraut cùng lớp với ông Hoàng Minh Giám. Ngoài 20 tuổi mới về Paris.
Tham quan thưởng lãm mọi ngóc ngách của Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame) nghe cô phiên dịch xuýt xoa rằng là người chuyên giới thiệu Nhà thờ Đức Bà nhưng là lần đầu tiên được đi khắp nơi trong nhà thờ. Xuân Thủy cảm khái Khi yêu anh chìa khóa lòng em mở hết/ Rồi đây lên thiên đàng hay vào cõi chết/ Nhớ em chăng anh hỡi, Notre Dame!
Xuân Thủy lên đồi Montmartre của Paris. Bất ngờ cái đoạn ông Lê Đức Thọ hôm sau cũng lên đây. Ông vui miệng kể lại cho anh em trong một bữa cơm rằng leo lên đến đỉnh thì thấy một chú chàng đang đè sấn một cô nàng vào tường đá mà hôn. Ông Thọ và anh em chợt ngó thấy ngượng chín cả người. Xuân Thủy đùa trêu ông Cố vấn bằng mấy câu văn vần ngồ ngộ. Mông mác hay là mông mát đây/ Mông mông mát mát má hây hây/ Đồi cao gió lộng tung tà váy/ Ngõ dốc chiều hôm đôi mắt say
16/5/68. Chiều, nhấm nháp chút ít và lan man chuyện với nhà báo Wilfred Burchett. Tối Ngoại trưởng Pháp chiêu đãi… Tối nghĩ thêm nội dung trả lời truyền hình Mỹ NBC.
Những ý nghĩ ngồ ngộ khi ngồi thuyền dạo sông Seine chợt nghe tin vợ cựu TT Ken nơ đi lấy chồng 19/10/68.
Những gạch đầu dòng cương nhu cho cuộc gặp bí mật với Hariman về sự kiện lớn Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc. 30/10/1968...
Liệu còn cơ may nào để phần còn lại của những trang nhật ký bị thất lạc của Xuân Thủy được phát lộ? Một chút le lói khi nghe người cháu của ông Xuân Thủy bộc bạch rằng, nước mình có 5 Trung tâm (TT) lưu trữ. Của Chính phủ 3 TƯ Đảng 1 và của Quân đội. Lục tung cả năm TT ấy may ra? Quả là gian nan và diệu vợi? Nhưng đâu phải là không thể?
Lẩn thẩn nghĩ thêm, Học viện Ngoại giao xứ mình lâu nay liệu có công trình nào về những dòng nhật ký Ba Lê, một di sản của nhà ngoại giao Xuân Thủy không nhỉ?
Xuân Ba/tienphong