Tập đoàn Trung Nguyên rút khỏi dự án 250 tỉ tại Lâm Đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lâm Đồng- Tập đoàn Trung Nguyên được giao 191 ha đất ở Lâm Đồng để làm dự án trồng rừng, chăn nuôi heo rừng và du lịch nghỉ dưỡng. Sau gần 10 năm triển khai, dự án không thực hiện như cam kết ban đầu; để rừng bị phá. Đến nay, Tập đoàn Trung Nguyên cũng chính thức xin rút dự án.
 
Nhiều diện tích rừng ở Lâm Đồng bị phá hoại.
Nhiều diện tích rừng ở Lâm Đồng bị phá hoại.
Dự án 250 tỉ, đầu tư nhỏ giọt
Năm 2010, Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên (Tập đoàn Trung Nguyên) được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án trồng rừng, chăn nuôi heo rừng và các loại gia súc, gia cầm dưới tán rừng với quy mô 191 ha trong đó, quản lý bảo vệ rừng là 81,31 ha, trồng rừng 106 ha.
Trong mục tiêu dự án, Tập đoàn Trung Nguyên có kế hoạch chăn nuôi heo rừng và các loại gia súc, gia cầm dưới tán rừng, heo rừng nái lai sinh sản khoảng 1.000 con. Ngoài ra, dự án triển khai xây dựng nhà máy chế biến chè cao cấp 600 - 800 tấn nguyên liệu/năm và tổ chức khai thác du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với tổng mức đầu tư 250 tỉ đồng.
Địa điểm thực hiện dự án thuộc một phần tiểu khu 443, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm với thời gian 50 năm. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2010 đến hết năm 2022 hoàn thành các hạng mục đầu tư của dự án.
Mặc dù hứa hẹn nhiều sự thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội huyện Bảo Lâm thế nhưng thực tế, dự án của Tập đoàn Trung Nguyên để rừng bị phá và buộc phải bồi thường thiệt hại cho nhà nước.
Cụ thể tháng 3.2019, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng có báo cáo về việc tình hình thực hiện nộp tiền bồi thường giá trị thiệt hại tài nguyên rừng do để rừng bị phá, khai thác trái phép của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong báo cáo nêu rõ, Tập đoàn Trung Nguyên còn nợ tiền thiệt hại tài nguyên rừng là 3,7 tỉ đồng (đã đóng thiệt bồi thường).
 
Dự án của Tập đoàn Trung Nguyên chỉ là một trong số nhiều dự án ở Lâm Đồng được giao quản lý nhưng để mất rừng.
Dự án của Tập đoàn Trung Nguyên chỉ là một trong số nhiều dự án ở Lâm Đồng được giao quản lý nhưng để mất rừng.
Chủ đầu tư rút lui sau khi để mất rừng
Dự án của Tập đoàn Trung Nguyên đến nay không thể về đích đúng với cam kết ban đầu. Vào tháng 8.2019, Sở KHĐT tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị chấm dứt hoạt động dự án.
Theo báo cáo của Sở KHĐT tỉnh Lâm Đồng, đến cuối năm 2019, dự án của Tập đoàn Trung Nguyên mới xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất trên diện tích 1,21 ha; nhà văn phòng diện tích 60 m2; khu trang trại nuôi heo rừng 300 m2; đập nước làm ao hồ 1,87 ha và trồng rừng 26ha. Ngoài ra, dự án còn tổ chức trồng cà phê xen dâu, xen muồng, xen mắc ca, xen tiêu diện tích 77,81 ha (dưới tán rừng 19,48 ha).
Vào tháng 3.2021, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định thu hồi đất đã cho Tập đoàn Trung Nguyên thuê và giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý tại xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm.
Từ năm 2006 đến tháng 6.2020, tập đoàn này để thiệt hại tới hơn 100ha rừng. Nhiều diện tích rừng bị người dân lấn chiếm, trồng cà phê, cây ăn quả nhưng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời…
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng xác nhận đến nay, tỉnh đã thu hồi toàn bộ diện tích 65,13 ha rừng (đã trừ đi phần diện tích mất rừng yêu cầu doanh nghiệp phải bồi thường) đã cho Tập đoàn Trung Nguyên thuê, để giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý.
Liên quan đến việc chủ đầu tư được giao quản lý nhưng lại để mất rừng, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng tỉnh đã yêu cầu nhà đầu tư bồi thường đối với phần diện tích rừng đã bị mất.
Trước quan điểm cho rằng cần chuyển hồ sơ cho cơ quan công an xử lý hình sự đối với việc để mất hàng trăm ha rừng của Tập đoàn Trung Nguyên, ông Nguyễn Văn Sơn nói: “Luật hiện chưa quy định cụ thể về việc doanh nghiệp, hay chủ rừng để mất rừng sẽ bị khởi tố. Hiện tại, các quy định chỉ mới yêu cầu về việc chủ rừng phải bồi thường đối với phần diện tích rừng bị mất.
Hơn nữa, phía chủ rừng cũng không phải là đối tượng trực tiếp để mất rừng. Phần lớn khi khởi tố điều tra các vụ phá rừng đều chỉ xử lý đối với các đối tượng có hành vi phá rừng thôi”.
Theo Hữu Long (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.