Tập đoàn lớn rời Trung Quốc, DN nước ngoài nói gì về cơ hội đón sóng FDI của Việt Nam?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với một làn sóng tẩy chay Trung Quốc được đánh giá là cao nhất 30 năm qua sau thảm họa Covid-19, nhiều khả năng, dòng vốn FDI trong các năm tới sẽ thay đổi mạnh mẽ. Đây là cơ hội rất tốt cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Ấn Độ, Việt Nam, Mexico… trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Đại dịch Covid-19 phơi bày nhiều vấn đề liên quan đến sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Các công ty Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đã tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc do chi phí tăng và tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
 
Các công ty Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đã tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc sau dịch Covid-19.
Rời bỏ Trung Quốc
Thực tế sự chuyển dịch này đã bắt đầu trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài khiến nhiều công ty đầu tư lâu dài ở Trung Quốc phải suy nghĩ kế hoạch để tránh bị áp thuế quá cao khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ.
Bên cạnh đó, chi phí nhân công tại Trung Quốc cũng ngày càng tăng cao, trong khi đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy nguồn cung hàng hóa tại Trung Quốc có thể bị tắc nghẽn bất kỳ lúc nào đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, khi quốc gia này phong tỏa để chống dịch.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang "tư duy lại" chiến lược gia công và toàn bộ chuỗi cung ứng. Theo đó, sẽ đa dạng hóa nguồn cung để giảm thiểu rủi ro, thay vì dựa hoàn toàn vào Trung Quốc, sau đại dịch Covid-19.
Mới đây, chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói 2,2 tỷ USD để hỗ trợ các DN nước này chuyển dời những ngành sản xuất quan trọng ra khỏi Trung Quốc.
Nhiều thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng có kế hoạch cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ muốn hợp tác với nhiều đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành lập "Mạng lưới thịnh vượng kinh tế", thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu thời hậu Covid-19.
Ngày 29/4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này đang trao đổi với Úc, Ấn Độ, Nhật, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để "đưa kinh tế toàn cầu tiến lên". Cùng với đó là kêu gọi cả khu vực Mỹ Latin tham gia liên minh này.
Với một làn sóng tẩy chay Trung Quốc được đánh giá là cao nhất 30 năm qua sau thảm họa Covid-19, nhiều khả năng, dòng vốn FDI trong các năm tới sẽ thay đổi mạnh mẽ. Các chuỗi cung ứng trên thế giới cũng có thể sẽ thay đổi nhanh chóng theo. Nhưng đây là cơ hội rất tốt cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Ấn Độ, Việt Nam, Mexico…
"Cơ hội vàng" đón sóng FDI dịch chuyển
Có thể nói, đây là cơ hội để Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư mới gia tăng, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực với các lĩnh vực sản xuất quan trọng.
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… tại Việt Nam đều đã khẳng định mối quan tâm của họ tới điểm đến đầu tư Việt Nam.
 
Đại diện các doanh nghiệp nước ngoài khẳng định mối quan tâm của họ tới điểm đến đầu tư Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier đánh giá, Việt Nam hiện đang có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội đầu tư kinh doanh mới và đẩy mạnh phát triển kinh tế ổn định nhờ cách tiếp cận chủ động song hành, vừa chống dịch Covid-19 vừa kích thích kinh tế. Các biện pháp mạnh mẽ chống dịch Covid-19, đã giúp Việt Nam duy trì thành tích kinh tế (trong quý I/2020), tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
"Những hành động này cũng giúp duy trì niềm tin của cộng đồng DN châu Âu rằng Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, cạnh tranh về kinh doanh" Chủ tịch EuroCham nhận định.
Tương tự, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho biết, với môi trường kinh doanh ổn định, giải pháp chống dịch hiệu quả của Chính phủ Việt Nam, Korcham sẽ tiếp tục giới thiệu các DN có chất lượng vào đầu tư tại Việt Nam, đảm bảo chủ trương thu hút FDI có chọn lọc theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về đầu tư nước ngoài.
Phó Chủ tịch Kocham Hong Sun cũng đề nghị, nhằm hỗ trợ các DN FDI trở lại sản xuất kinh doanh sau dịch, Chính phủ Việt Nam cần nối lại đường bay với những nước đã cơ bản đã khống chế được đại dịch như Hàn Quốc để các nhà đầu tư, chuyên gia, người lao động... có thể sang Việt Nam làm việc và trở lại trạng thái bình thường mới. 
Ông Funayama Tetsu, Trưởng ban VBF HH DN Nhật bản tại Việt Nam hy vọng Chính phủ Việt Nam xem xét, cho phép nhập cảnh và cấp giấy phép lao động cho các trường hợp lao động đặc biệt.
Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng nhận định, ngoài những khó khăn chung phải gánh chịu như doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI đang phải chịu những tác động mang tính chất đặc thù như thiếu hụt chuyên gia nước ngoài, khó khăn về nguyên liệu nhập khẩu, hay cơ sở sản xuất ở nước khác bị đình trệ ảnh hưởng đến sản xuất tại Việt Nam… nên khu vực doanh nghiệp này đang rất cần Chính phủ có những giải pháp riêng để phục hồi và kích thích phát triển.
Để có thể thu hút nhanh và nhiều hơn các doanh nghiệp FDI chuyển từ Trung Quốc và một số nước sang Việt Nam các khu kinh tế, khu công nghiệp chuẩn bị sẵn đất đai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thông tin về giá thuê đất, điều kiện giao thông, thông tin, cung ứng điện nước , nguồn nhân lực cho nhà đầu tư dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam.
Các xí nghiệp chuyển sang Việt Nam là doanh nghiệp đang hoạt động do vậy không nên coi là “nhập khẩu trang thiết bị cũ”. Khi doanh nghiệp bắt đầu vận hành, cần kiểm tra để đảm bảo các yêu cầu về công nghệ, môi trường, an toàn lao động.
Đặc biệt, cần tiếp tục công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục cấp phép để đảm bảo rút ngắn thời gian thẩm định và cấp giấy chứng nhận đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư để triển khai nhanh dự án bằng cơ chế một cửa khi làm thủ tục xây dựng, môi trường, phòng cháy nổ.
Trong bối cảnh mới, VAFIE cũng kiến nghị Chính phủ cần coi trọng hình thức đầu tư xí nghiệp chế xuất vì khi lựa chọn xây dựng nhà máy ở Việt Nam, khả năng cao các nhà đầu tư nước ngoài sẽ lựa chọn mô hình doanh nghiệp chế xuất, tại các địa phương có thuận lợi về giao thông, cơ sở vật chất và nguồn nhân công.
Do vậy, cần khẩn trương tháo gỡ vướng mắc liên quan đến chính sách, luật pháp về doanh nghiệp chế xuất để tạo thuận lợi tiếp nhận làn sóng đầu tư mới của các tập đoàn kinh tế lớn từ Trung Quốc.
Q.D (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.