Tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với khả năng hấp thụ vốn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo kế hoạch định hướng từ đầu năm, tăng trưởng tín dụng của năm nay vào khoảng 18%. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển kinh tế, Chính phủ đã yêu cầu ngành Ngân hàng phải nâng mức tăng trưởng tín dụng lên 21-22%. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc  trao đổi với ông NGUYỄN VĂN CƯ-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh.
 

 

- P.V: Xin ông cho biết sơ bộ tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông NGUYỄN VĂN CƯ: Tính đến hết tháng 9-2017, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh ước đạt 32.230 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2016. Tổng dư nợ cho vay đạt 73.500 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,2% so với cuối năm 2016. Các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), hộ sản xuất kinh doanh, người vay; tăng trưởng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế, tích cực hỗ trợ vốn cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện chính sách ưu đãi đối với DN vừa và nhỏ.

Trong bối cảnh giá hồ tiêu liên tục giảm mạnh, xuất hiện tình trạng dịch bệnh trên cây trồng thì ngành Ngân hàng đã có động thái tích cực như xem xét tình hình thực tế, cơ cấu thời gian trả nợ hoặc tạo điều kiện tiếp tục cho nông hộ vay tái đầu tư sản xuất. Lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn hiện đang ở mức 10-11%/năm, đối với các lĩnh vực ưu tiên thì áp dụng mức lãi suất 5-6%/năm. Điều này cho thấy, nguồn vốn huy động đang được tập trung đầu tư ngay trên địa bàn, trong đó, tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn hiện chiếm khoảng 45% tổng dư nợ.

- P.V: Liên quan đến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng  đối với các NHTM, việc kiểm soát chất lượng tín dụng được thực hiện như thế nào, thưa ông?

 

Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đều có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao (ảnh minh họa)
Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đều có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao (ảnh minh họa)

Ông NGUYỄN VĂN CƯ: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 chi nhánh NHTM, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội đang hoạt động ổn định, phù hợp với môi trường kinh doanh. Gia Lai được xem là một địa bàn hấp thụ vốn tốt, có sự cạnh tranh quyết liệt với hơn 100 điểm giao dịch của các NHTM. Do vậy, từ đầu năm đến nay, các chi nhánh ngân hàng đều có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao so với đầu năm. Đơn cử như Agribank Đông Gia Lai, BIDV Phố Núi, Sacombank Gia Lai, An Bình Bank, SHB Gia Lai, Liên Việt Post Bank với tỷ lệ tăng trưởng từ 14% đến 34%. Các ngân hàng này đã tập trung đầu tư vốn cho sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, tỷ lệ đầu tư đạt khoảng 90% nguồn vốn.

Theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, đồng vốn phải thực chất phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh,  tăng trưởng phải gắn với chất lượng tín dụng. Trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc tăng chỉ tiêu tín dụng như giá cao su đang ở mức cao, nhu cầu vốn đầu tư cuối năm tăng mạnh... Hiện chất lượng tín dụng đang được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm khoảng 0,49%/tổng dư nợ. Trong thời gian tới, chúng tôi đặc biệt quan tâm triển khai xử lý các khoản nợ đọng, nợ xấu theo Nghị quyết số 42 của Quốc hội; phối hợp với các sở, ngành thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.  

- P.V: Để đảm bảo đầu tư tín dụng đúng trọng tâm, trọng điểm, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã có những giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm 2017, thưa ông?

Ông NGUYỄN VĂN CƯ: Nhằm thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, tỉnh ta đề ra kế hoạch phấn đấu đến cuối năm đạt chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm 7,81%, GRDP bình quân đầu người đạt 41,6 triệu đồng, kim ngạch xuất-nhập khẩu 450 triệu USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 18.880 tỷ đồng... Ở lĩnh vực ngân hàng, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20%. Điều này là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế khi 3 quý đầu năm 2017, tỷ lệ tăng trưởng đã đạt 10,2%.

Trong thời gian từ nay đến cuối năm, ngành Ngân hàng xác định tiếp tục sát cánh với DN, người vay vốn. Chú trọng đúng mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Theo đó, tập trung vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên; tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho  người dân, DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình cho vay tái canh cà phê, cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp, đồng thời tập trung đầu tư vốn cho các dự án chế biến trong nông nghiệp, công nghiệp, hàng nông sản xuất khẩu. Để đạt kế hoạch tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các NHTM công khai các thủ tục, điều kiện vay vốn cho khách hàng biết. Đặc biệt, đối với các dự án có hiệu quả thì không được để thiếu vốn hoạt động.

Theo quy luật, nhu cầu vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, người dân thời điểm những tháng cuối năm tăng cao, khả năng hấp thụ vốn rất lớn. Do vậy, ngành Ngân hàng sẽ tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục có mức lãi suất hợp lý, hấp dẫn. Căn cứ vào công bố của tỉnh về quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, từ đó sẽ ưu tiên bố trí vốn cho lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn, tập trung đầu tư vốn cho khâu chế biến. Việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng thì phải được kiểm soát chặt chẽ. Để hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các NHTM, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để có phương án cung ứng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng hợp lý.

- P.V: Xin cảm ơn ông!

Sơn Ca (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.