Tận tâm với học sinh dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với đội ngũ cán bộ, giáo viên nhiệt tình, tâm huyết, Trường Mầm non Ia Ka (huyện Chư Pah) đã và đang làm tốt công tác nuôi dưỡng, giáo dục nền tảng cho hơn 450 trẻ em dân tộc thiểu số Jrai nơi vùng đất khó.

Xây dựng lòng tin của phụ huynh

Trong vài năm trở lại đây, Trường Mầm non Ia Ka luôn đạt tỷ lệ 100% trẻ 5 tuổi ra lớp, 100% trẻ 4 tuổi đi học và 70% trẻ 3 tuổi đến trường. Đây thực sự là một kết quả đáng khích lệ cho những nỗ lực của tập thể sư phạm nhà trường. Ia Ka là xã vùng III của huyện Chư Pah, công tác giáo dục còn gặp nhiều khó khăn khi đời sống của một bộ phận người dân còn bữa no, bữa đói.

 

Học sinh Trường Mầm non Ia Ka rất hào hứng với góc thư viện ngoài trời. Ảnh: N.G
Học sinh Trường Mầm non Ia Ka rất hào hứng với góc thư viện ngoài trời. Ảnh: N.G

Nhớ lại những ngày đỏ mắt tìm học trò của nhiều năm về trước, cô Nguyễn Thị Hồng Biên-Hiệu trưởng Trường Mầm non Ia Ka nói: “Ngày đó chúng tôi không dám nghĩ tới việc 100% trẻ 5 tuổi sẽ đến trường, càng không dám mơ phụ huynh sẽ cho trẻ 3-4 tuổi ra lớp vì khó khăn chồng chất. Cơ sở vật chất của bậc học Mầm non thiếu thốn, phải mượn phòng của các điểm trường Tiểu học. Phụ huynh, học trò nhìn thấy cô giáo đến nhà vận động là trốn biệt tăm”.

Theo lời kể của cô Biên, ngày ấy các cô giáo phải gạt nước mắt động viên nhau cố gắng bởi có người đã nản chí muốn bỏ nghề. Giờ đây, khi nhìn thấy sự đổi thay tích cực từng ngày trong nhận thức của phụ huynh về sự học của con em, các cô thực sự mừng vui vì trong đó có một phần đóng góp của mình. Hơn 20 gắn bó với sự nghiệp giáo dục, cô giáo Nguyễn Thị Kim Hương cảm thấy hài lòng với bản thân khi đã luôn nỗ lực làm tốt trách nhiệm của mình. “Dù cho ai nói gì, dù cho phụ huynh có khó đến mấy thì chúng tôi cũng không bỏ cuộc trong việc vận động, tuyên truyền để họ cho con em đến trường. Đi một lần chưa được thì chúng tôi quay lại lần 2, lần 3. Cùng với sự đồng hành của chính quyền địa phương, chúng tôi kiên trì bám làng, vận động để người dân hiểu lợi ích của việc học mà thay đổi nhận thức, đưa con em đến trường”-cô Hương nhớ lại.

“Mưa dầm thấm lâu”-giờ đây, phụ huynh Ia Ka không chỉ đưa đón con cháu đi học đều đặn mà còn sẵn sàng giúp đỡ các cô giáo khi nhà trường cần tới sức lao động như làm vườn hoa, vườn rau, làm đồ chơi hay thư viện ngoài trời cho trẻ. Nhìn những ngôi nhà rông mô hình đẹp mắt, tinh tế do chính tay các phụ huynh làm ra đủ thấy sự hết lòng của họ khi cùng nhà trường giáo dục văn hóa dân tộc mình cho con em. Chị Rơ Châm Dưk (làng Jố 1, xã Ia Ka) nói: “Con mình đã học ở đây từ năm 3 tuổi, giờ cháu đang học lớp 5 tuổi rồi. Cháu rất thích đi học nên mình cũng yên tâm, mà ở trường cô giáo nào cũng nhiệt tình, thương cháu. Làng mình giờ ai có con 3 tuổi cũng đều đưa đến trường rồi mà”.

Giáo dục nền tảng cho trẻ

Trong việc gây dựng lòng tin của phụ huynh, Trường Mầm non Ia Ka luôn nỗ lực để “nói đi đôi với làm”. Bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền, nhà trường cố gắng xây dựng một môi trường sư phạm chuẩn mực. “Trong nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường rất hiếm có ngày nghỉ vì phải dành thời gian cuối tuần để làm vườn rau, vườn hoa, thường xuyên làm đồ chơi mới để trẻ có một môi trường học tập phong phú, đa dạng ở cả điểm trường chính lẫn 5 điểm trường làng”-cô Biên cho biết.

Đặc biệt, hiện 100% trẻ của Trường Mầm non Ia Ka đều được ăn bán trú tại trường, được học 2 buổi/ngày. Đây chính là những yếu tố quan trọng giúp nhà trường duy trì sĩ số đạt 100% trẻ đến lớp và thực hiện tốt nhiệm vụ tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số. Trước thực trạng trẻ không giao tiếp được bằng tiếng Việt, nhà trường đã thực hiện đồng thời nhiều giải pháp để dạy tiếng Việt mọi lúc mọi nơi. Cùng với việc xây dựng góc thư viện ngoài trời gần gũi, thân thiện, cho trẻ làm quen với tiếng Việt thông qua các hoạt động âm nhạc, mỹ thuật, thơ...; nhà trường còn tuyên truyền, khuyến khích phụ huynh thường xuyên giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt khi trẻ về nhà; hướng dẫn trẻ phổ biến lại các từ đã học cho ông bà để củng cố lại vốn từ, giúp trẻ nhớ lâu.

Bà Nguyễn Thị Phương Huệ-Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo) đánh giá: “Tuy đứng chân trên địa bàn xã vùng khó nhưng Trường Mầm non Ia Ka đã nỗ lực hết mình để được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I vào năm 2016, được ngành Giáo dục-Đào tạo đánh giá cao trong công tác nuôi dưỡng, giáo dục trẻ”.

Đến Trường Mầm non Ia Ka hôm nay, nhìn thấy hàng trăm trẻ em Jrai sạch sẽ, ngoan ngoãn, lễ phép và vui chơi có nền nếp trong một khuôn viên xanh-sạch-đẹp-an toàn, ít ai nghĩ rằng ngôi trường này đã từng có một thời gian khó.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.