(GLO)- Hơn một tuần qua, hàng loạt vụ bạo hành, thậm chí giết hại trẻ em đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành từ Nam chí Bắc khiến dư luận bàng hoàng, sục sôi phẫn nộ.
Đầu tiên là vụ một bé gái mới hơn 1 tháng tuổi ở TP. Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) bị người giúp việc của gia đình bạo hành. Theo đoạn clip mà mẹ cháu bé đưa lên tài khoản facebook cá nhân tối 22-11, người giúp việc của gia đình là Nguyễn Thị Hàn (58 tuổi, trú tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã dùng tay bóp miệng, tát vào mặt, đầu cháu bé. Người này sau đó còn liên tục tung cháu bé lên cao rồi dùng tay đỡ, mặc cho cháu khóc thét.
Ảnh minh họa |
2 ngày sau, đến lượt một bé gái 7 tuổi ở huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) bị cha ruột dùng thanh sắt nóng dí vào mặt và tay gây tổn hại 12% sức khỏe. Vụ việc được các thầy-cô giáo của cháu phát hiện khi bé gái này đến trường với nhiều vết bỏng trên cơ thể.
Khi những vụ việc này chưa kịp lắng xuống thì chiều 26-11, một tờ báo mạng đăng tải clip dài hơn 6 phút ghi lại cảnh các bảo mẫu ở cơ sở Mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12, TP. Hồ Chí Minh) dùng khăn vải, chai nhựa, dép, tay, chân và cả… dao đánh đập dã man các cháu bé tại đây. Làm việc với cơ quan Công an sau đó, Phạm Thị Mỹ Linh-chủ cơ sở mầm non này-cho rằng, hành động của mình và 2 bảo mẫu khác là để “dằn mặt” các cháu hiếu động, để các cháu sợ và chịu ăn ngủ!
Đỉnh điểm của sự bàng hoàng, phẫn nộ trong những ngày qua là vụ sát hại cháu bé mới 20 ngày tuổi xảy ra tối 25-11 tại thị xã Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Không ai có thể tin rằng, nghi can ra tay tước đoạt mạng sống của cháu bé này lại chính là bà nội cháu. Theo một số tờ báo đưa tin, sau khi bị Cơ quan Điều tra tạm giữ, người phụ nữ này khai, lý do bà ra tay sát hại cháu là bởi tin lời thầy bói, rằng cháu bé là nghiệp chướng của gia đình, nếu cháu sống thì bà phải chết.
Nhắc lại những thông tin mà báo chí và mạng xã hội đã đưa tràn lan trong những ngày qua, tôi không biết có tiếp tục khiến ai đó phẫn nộ hay không? Nếu có, tôi nghĩ, đấy cũng là điều bình thường. Mỗi chúng ta đều có quyền bày tỏ sự phẫn nộ trước cái xấu, cái ác trong xã hội. Và sự phẫn nộ đó, xét cho cùng, cũng là một cách để bảo vệ cái đẹp, cái thiện trong cuộc sống.
Riêng cá nhân tôi, sau cơn phẫn nộ, những vụ việc nói trên chỉ khiến tôi thêm xót xa. Tôi nghĩ về những người như bà Hàn, bà Linh và tự hỏi, khi bắt đầu công việc của mình, có bao giờ họ ý thức về lương tâm, đạo đức nghề nghiệp mà nỡ đối xử tàn tệ với con trẻ như vậy? Và tại sao là phụ nữ, là những người ắt hẳn từng mang nặng đẻ đau, ắt hẳn rất yêu quý con cái của mình mà họ lại đang tâm ngược đãi con cái người khác đến thế? Tôi nghĩ về cha của cháu bé ở Tiền Giang, về bà nội cháu bé ở Thanh Hóa, điều gì đã khiến họ nhẫn tâm, đoạn tình với cả máu mủ ruột rà của mình? Phải chăng là bởi đạo đức của con người càng ngày càng tha hóa, xuống cấp?
Ngay sau khi những vụ bạo hành, sát hại trẻ em nói trên xảy ra, một tờ báo dẫn thống kê cho biết, trung bình mỗi năm, cả nước có 3.000-4.000 vụ bạo hành trẻ em được phát hiện, trong đó có khoảng 1.000 vụ trẻ em bị hiếp dâm, khoảng 100 vụ trẻ em bị giết hại. Dù có thể số vụ bạo hành trong thực tế còn cao hơn rất nhiều song chỉ con số trên thôi cũng đã thật khủng khiếp. Nó cho thấy trẻ em đang phải sống trong một môi trường tiềm ẩn nhiều yếu tố bất an. Điều khó hiểu, như chính tờ báo nọ viết, là theo Luật Trẻ em 2016, nước ta đang có tới 17 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có chức năng bảo vệ và chăm sóc, hỗ trợ trẻ em ở các cấp độ khác nhau. Nhìn vào những vụ bạo lực trẻ em xảy ra thời gian qua, chúng ta có quyền đặt câu hỏi: Vậy thì những cơ quan, tổ chức này đã làm gì để thực thi trách nhiệm của mình?
Chỉ một thời gian nữa thôi, những đối tượng bạo hành, giết hại trẻ em kia sẽ bị đưa ra tòa xét xử. Những bản án được tuyên có thể sẽ khiến dư luận vừa lòng bởi công lý đã được thực thi, cái ác đã bị trừng trị. Nhưng làm thế nào để chữa lành những vết thương trong tâm hồn biết bao trẻ em đã bị bạo hành, làm thế nào để mọi trẻ em trong xã hội đều được sống trong môi trường an toàn thì vẫn còn là câu hỏi day dứt. Và nếu tình trạng bạo hành trẻ em không thể ngăn chặn thì nói như một câu thơ của nhà thơ Nga Simonov: “Nỗi đau này không của riêng ai”.
Lê Hà