Tâm sự về ngày nhà giáo của những thầy cô ở lớp học đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
“Có lần cả lớp đang say sưa học bài thì một em hét ầm lên rồi bỏ chạy ra sân, mấy cô giáo phải “đánh vật” mới đưa được em này trở lại lớp. Đối với chúng tôi, các em được sống, được phát triển như những đứa trẻ bình thường đã là món quà quý giá nhất trong Ngày Nhà giáo Việt Nam rồi !”, cô H’Dôn, giáo viên Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục và hòa nhập tỉnh Đắk Nông tâm sự.
Lớp học hát của những trẻ khuyết tật do cô H'Dôn đứng lớp
Lớp học hát của những trẻ khuyết tật do cô H'Dôn đứng lớp
Đầu giờ sáng, tiếng hát của học sinh vang lên từ một phòng học, nằm ở trên một đỉnh đồi. Điều đặc biệt, tiếng hát ấy không mềm mại mà có phần ngọng nghịu, khô cứng - tiếng hát của 5 học sinh mắc bệnh tự kỷ, tăng động và down của lớp Chậm 2A. Người trực tiếp dạy hát cho những học sinh này là cô H’Dôn, nữ giáo viên người dân tộc M’Nông.
Cô H’Dôn là 1 trong 18 cán bộ, giáo viên của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục và hòa nhập tỉnh Đắk Nông. Nữ giáo viên sinh năm 1994 hàng ngày tỉ mỉ và kiên nhẫn hướng dẫn từng học trò một phát âm rồi hát từng đoạn nhạc. Thế nhưng, để học sinh của trung tâm có thể hát được thành thạo cả bài, nhiều khi cô H’Dôn phải “lạc cả giọng!”.
Tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm mầm non, năm 2017 cô H’Dôn xin về trung tâm công tác. Ngày trường đi vào hoạt động cũng là ngày đầu tiên cô đứng lớp. Những bỡ ngỡ của một cô giáo với ra trường, cộng với những học sinh đặc biệt, nên dù chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng sau buổi dạy đầu tiên, nữ giáo viên này đã có ý định bỏ nghề.
"Các em được sống, được phát triển đã là món quà quý giá nhất ngày nhà giáo Việt Nam"
"Các em được sống, được phát triển đã là món quà quý giá nhất ngày nhà giáo Việt Nam"
“Đến bây giờ, tôi cũng không thể nào quên được hình ảnh những đứa trẻ tội nghiệp, ngờ nghệch, chỉ biết ngồi một chỗ. Có em lần đầu được đến lớp nên vệ sinh ngay ra quần; có những em liên tục gào thét hoặc đập phá đồ đạc, hành hạ bản thân. Nhưng cũng chính vì những số phận tội nghiệp, đáng thương ấy đã khiến tôi tiếp tục công việc. Đến hôm nay, tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, mình may mắn được sinh ra lành lặn, đủ đầy thì nên chia sẻ với những số phận bất hạnh. Nhưng đứa trẻ ấy như con, như em của mình, lẽ ra sẽ có được cuộc sống tốt đẹp nếu như không mắc bệnh”, nữ giáo viên tâm sự.
Chia sẻ về Ngày Nhà giáo Việt Nam sau hai năm công tác, cô H’Dôn thật thà: “Hàng năm, chúng em đều nhận được quà từ phụ huynh học sinh. Ngoài món quà vật chất, thì còn có lời cảm ơn, sự tin tưởng, gửi gắm con em của phụ huynh đến mình. Đối với chúng em, các em được sống, được phát triển như những đứa trẻ bình thường đã là món quà quý giá nhất trong Ngày Nhà giáo Việt Nam, như vậy là chúng em hoàn thành nhiệm vụ rồi!”.
Những đứa trẻ phải chịu thiệt thòi từ ngay khi mới lọt lòng
Những đứa trẻ phải chịu thiệt thòi từ ngay khi mới lọt lòng
Năm học này, cô Trương Thị Phương Trinh được phân công giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu cho 7 học sinh bị câm, điếc bẩm sinh. Đây là lớp dành cho trẻ lần đầu tiên được đi học. Có những em nhà nghèo nên bố mẹ phải gửi vào đây, có những em hơn 10 tuổi mà vẫn chưa biết nói, lại có những em vì mang trong mình khiếm khuyết mà bị bố mẹ bỏ rơi… mỗi em một hoàn cảnh, nhưng đều là những đứa trẻ phải chịu thiệt thòi từ ngay khi mới lọt lòng.
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, cô Trinh tâm sự: “Trước đây, khi tham gia một chương trình tình nguyện dành cho trẻ khuyết tật, mình tình cờ chứng kiến cảnh hai đứa trẻ ra dấu nói chuyện với nhau. Ngay thời điểm đó, trong đầu mình bắt đầu có suy nghĩ mình phải làm điều gì đó giúp các em nên sau này mình đã đi theo ngành Sư phạm Giáo dục đặc biệt. Sau khi tốt nghiệp, mình xin về trung tâm này dạy”.
Thành quả bước đầu là học sinh đã biết sử dụng ngôn ngữ kí hiệu để giao tiếp, học tập
Thành quả bước đầu là học sinh đã biết sử dụng ngôn ngữ kí hiệu để giao tiếp, học tập
Thành quả bước đầu của cô Trinh là những học sinh của lớp Khiếm thính 1 đã biết sử dụng ngôn ngữ kí hiệu để giao tiếp và học tập. Nhưng điều mà cô Trinh cùng rất nhiều thầy cô giáo khác mong mỏi là nghe được giọng nói của chính các em. Nữ giáo viên chia sẻ: “Dạy các em rất vất vả bởi sau khi dạy ngôn ngữ ký hiệu, cả cô và trò cùng ngồi lại để tập phát âm. Từ trước đến nay các em chưa được ai dạy tập nói nên một số em nhận thức còn hạn chế, không hiểu “khẩu lệnh” của giáo viên và rất chậm trong việc tiếp thu bài học…”.
Hai năm gắn bó với trẻ khuyết tật, cũng là hai năm là giáo viên, nhưng cô Trinh cho biết, chưa bao giờ mình nhận được quà từ học sinh. Nhưng đối với nữ giáo viên này, được nhìn thấy học trò của mình tự tin, biết giao tiếp, nghe lời mọi người đã là món quà tinh thần, động viên cô cố gắng và gắn bó với công việc này.
Hai năm, đủ để cô Khang hiểu được tâm tư của những đúa trẻ không may bị khiếm khiết
Hai năm, đủ để cô Khang hiểu được tâm tư của những đúa trẻ không may bị khiếm khiết
Khác với cô H’Dôn và cô Trinh, cô Nguyễn Thị Khang, được giao chủ nhiệm lớp Chậm 2. Hai năm gắn bó, gần gũi, nữ giáo viên dường như nắm bắt được tâm tư và suy nghĩ của những đứa trẻ tội nghiệp này.
Cô Khang cho biết, phần lớn các em được bố mẹ gửi nội trú ở đây, một số thì được đón về dịp cuối tuần, nhưng có em hai, ba tháng nay vẫn chưa được về nhà. Nhiều người lầm tưởng, khi xa gia đình, trẻ khuyết tật trí tuệ sẽ quậy phá đòi bố mẹ, nhưng thực ra những em bị câm điếc (nhận thức hoàn toàn bình thường) mới là đối tượng quậy phá và khó chiều nhất.
Tình cảm của những giáo viên dành cho trẻ khuyết tật
Tình cảm của những giáo viên dành cho trẻ khuyết tật
“Tôi may mắn được dạy các em từ những ngày chập chững vào trường, được cùng ăn, cùng chơi, cùng ngủ với các em nên rất thân thiết và gần gũi. Nhớ dịp 20/11 năm ngoái, sau khi được học môn Mĩ thuật, cả 7 học sinh đã làm thiệp tặng tôi. Có lẽ món quà đó không có giá trị vật chất, nhưng nó là tình cảm chân thành của học trò và là kết quả của những nỗ lực mà thầy cô giáo trung tâm đã bỏ ra. Tôi trân trọng những tấm thiệp đó nên sẽ giữ đến tận sau này”, cô Khang bồi hồi nhớ lại.
Thầy Trần Thanh Ảnh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục và hòa nhập tỉnh Đắk Nông cho biết, hai năm không phải là thời gian dài, nhưng đủ để các thầy cô giáo gắn bó với các em học sinh. Chúng tôi tâm niệm, làm ở đây là không có ngày nghỉ, kể cả ngày lễ vì nếu nghỉ thì ai sẽ chăm sóc các cháu. Điều may mắn nhất với trung tâm là có được các cô, các cô rất tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ. Ngày 20/11, chúng tôi chẳng ước mong gì hơn, chỉ muốn các em trưởng thành, được hòa nhập cộng đồng, được sống như những đứa trẻ bình thường ".
Dương Phong (Dantri)

Có thể bạn quan tâm