Lễ công bố giải Sách hay lần thứ 10 - năm 2020 do Viện Giáo dục IRED, dự án Khuyến đọc sách hay và Sáng kiến OpenEdu đồng tổ chức diễn ra hôm qua 27.9 đã đánh dấu hành trình 10 năm khuyến đọc, đưa mọi người đến với sách nhiều hơn, đồng thời gợi mở những xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách và làm sách tiến bộ.
Ảnh: Thiên Anh |
Đây cũng là giải độc lập đầu tiên về sách của Việt Nam có quy mô rộng rãi hiện nay do độc giả đề cử và chuyên gia bình chọn (Hội đồng trao giải gồm: nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc, TS Quách Thu Nguyệt, GS Chu Hảo, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung).
Kết quả giải Sách hay 2020: hạng mục Sách nghiên cứu: tác phẩm Làng mạc ở châu thổ sông Hồng (Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski), dịch phẩm Sự kiến tạo xã hội về thực tại (tác giả: Peter L.Berger và Thomas Luckmann, dịch giả: Trần Hữu Quang và nhóm dịch giả); Sách giáo dục: tác phẩm Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản (Nguyễn Quốc Vương), dịch phẩm Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng (tác giả: Fareed Zakaria, dịch giả: Châu Văn Thuận); Sách kinh tế: tác phẩm Thần kỳ kinh tế Tây Đức (Tôn Thất Thông), dịch phẩm Sự giàu và nghèo của các dân tộc (tác giả: David S.Landes, dịch giả: Sơn Phạm và Vũ Hoàng Linh); Sách quản trị: tác phẩm Lý thuyết trò chơi và ứng dụng trong quản trị - kinh doanh (Lê Hồng Nhật), dịch phẩm Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (tác giả: Klaus Schwab, dịch giả: Nguyễn Vân và Thành Thép); Sách thiếu nhi: tác phẩm Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy (Nguyễn Khang Thịnh), dịch phẩm Hành trình của cá voi (tác giả: Michael Morpurgo, dịch giả: Trần Thị Minh Hiếu); Sách văn học: bộ sách Từ Dụ Thái Hậu gồm Quyển thượng và Quyển hạ (Trần Thùy Mai), dịch phẩm Chết chịu (tác giả: Céline, dịch giả: Dương Tường); Sách phát hiện mới: bộ sách 2 quyển Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn (Nguyễn Quốc Trị), dịch phẩm Vũ Dạ Đàm - Tự truyện Shibusawa Eiichi (tác giả: Shibusawa Eiichi, dịch giả: Nguyễn Lương Hải Khôi), dịch phẩm Những tìm sâu triết học (tác giả: Ludwig Wittgenstein, dịch giả: Trần Đình Thắng, Đào Thị Hồng Hạnh kiểm sửa).
Cũng tại lễ công bố, tác giả nhỏ tuổi nhất - Nguyễn Khang Thịnh (13 tuổi, học sinh Trường Nguyễn Siêu, Hà Nội - ảnh) chia sẻ: “Con viết cuốn sách này để bày tỏ rằng, con muốn được người lớn tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con. Con muốn người lớn đừng đặt giới hạn hay chỉ tiêu cho con mình, vì làm vậy con trẻ không được phát triển theo ý mình; cũng như người lớn hãy tin rằng sức sáng tạo của trẻ em là vô hạn, xin đừng để trẻ em phát triển theo hướng giáo dục rập khuôn”.
Theo THIÊN ANH (thanhnien)