Sừng sững nhà rông Kon Vi Vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa phong cảnh hữu tình, nhà rông làng Kon Vi Vàng (xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) vươn mình giữa trời xanh. Cũng giống như nhiều dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên, người Xơ Đăng (nhánh Tơ Đrá) ở làng Kon Vi Vàng không chỉ xem nhà rông như là trung tâm tín ngưỡng, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống mà còn là bộ mặt của làng.

Từ Quốc lộ 24 (đoạn qua xã Đăk Ruồng) đi về hướng Tây Bắc theo Tỉnh lộ 677 khoảng 9km, rồi rẽ phải một đoạn ngắn, chúng ta gặp cầu treo bằng sắt bắc qua sông Đăk Kôi - đó là lối vào làng Kon Vi Vàng. Ngôi làng nhỏ bé yên bình được bao bọc bởi dãy núi cao ở phía Đông và dòng sông Đăk Kôi uốn lượn bao bọc ở phía Tây.

Toàn cảnh làng Kon Vi Vàng bên dòng sông Đăk Kôi. Ảnh: NB

Toàn cảnh làng Kon Vi Vàng bên dòng sông Đăk Kôi. Ảnh: NB

Giữa tiếng trống vang dồn và tiếng cồng chiêng ngân vang mừng nhà rông mới, già làng A Chia (69 tuổi) cho biết, làng Kon Vi Vàng có 63 hộ với 212 nhân khẩu và 100% là người Tơ Đrá. Người dân trong làng sinh sống bằng nghề nông với các loại cây trồng chủ yếu như cao su, cà phê, bời lời, lúa, mì, bắp, và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cũng như nhiều làng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng có nhà rông, người Xơ Đăng ở làng Kon Vi Vàng xem nhà rông là nơi sinh hoạt quan trọng của cộng đồng. Từ ngày hội, ngày lễ lớn, họp dân, dân làng đều tập trung tổ chức ở nhà rông. Vì là nơi sinh hoạt của cộng đồng nên nhà rông được mọi người trong làng cùng nhau xây dựng, phân công nhau mỗi người mỗi công việc như làm mặt bằng, chọn gỗ, cắt lá lợp mái, dây buộc đến việc chăm lo nước uống, xăng nhớt và chuẩn bị cho lễ mừng nhà rông mới.

Nhà rông mới ở làng Kon Vi Vàng có chiều cao 15m, chiều dài 19 m, chiều rộng 9 m, tổng diện tích mặt sàn trên 170 m2, được xây dựng trên nền của nhà rông cũ, nơi có địa thế thoáng mát, rộng rãi, nằm ngay trước làng và gần bờ sông Đăk Kôi. Cũng như nhiều nhà rông ở các làng đồng bào DTTS khác, nhà rông làng Kon Vi Vàng cao sừng sững, có mái nhọn xuôi xuống hai bên giống như chiếc rìu để ngửa lên bầu trời.

Trong việc làm nhà rông, dân làng Kon Vi Vàng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định từ xưa của ông cha để lại, chứa đựng nhiều yếu tố tâm linh.

Theo phong tục, sau khi khấn cầu xin Giàng, già làng sẽ thông báo quyết định làm nhà rông cho tất cả thành viên trong làng trước một năm để chuẩn bị vật liệu làm nhà. Sau khi chuẩn bị vật liệu đầy đủ, dân làng làm lễ cúng để xin Giàng cho dân làng dựng nhà. Già làng và thôn trưởng là những người phân công trách nhiệm cho từng hộ dân đóng góp công sức, tiền của và tìm vật liệu; trực tiếp giám sát, chỉ huy dân làng xây dựng để đảm bảo hiệu quả thẩm mỹ theo kiến trúc truyền thống.

Dân làng ăn mừng lễ về nhà rông mới. Ảnh: NB

Dân làng ăn mừng lễ về nhà rông mới. Ảnh: NB

Mặc dù mới được dân làng khởi công xây dựng từ ngày 4/3, nhưng với sự đoàn kết thống nhất cao, nhà rông làng Kon Vi Vàng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 3. Đây là nhà rông được xây dựng hoàn toàn theo kiểu nhà rông truyền thống của dân tộc Xơ Đăng với 6 trụ chính, 18 trụ đỡ phụ, toàn bộ phần khung nhà rông được tận dụng nguồn gỗ từ nhà rông cũ. Trong quá trình làm nhà rông, dân làng chỉ dùng dây mây để buộc chứ không dùng đinh.

Sàn nhà rông được lót từ thân những cây nứa già. Thân nứa được chặt bằng chiều ngang của ngôi nhà, sau đó đập dập và trải ra thành sàn nhà. Vách nhà rông cũng được làm bằng những thanh nứa đan với nhau khéo léo, tạo thành những tấm lớn với hoa văn nổi bật xung quanh nhà rông.

Mái nhà rông làng Kon Vi Vàng được lợp bằng lá mây chứ không phải cỏ tranh như thường thấy ở nhiều nhà rông khác. Những lá mây được bó nhỏ đặt sát vào nhau theo từng hàng, xếp dần lên trên đỉnh.

Để giữ mái lá được lâu, dân làng còn phủ lên trên một tấm thảm lớn được đan từ cây nứa, áp sát vào mái tranh và có những hoa văn đặc trưng của người Xơ Đăng. Có điều lạ là nhà rông làng Kon Vi Vàng có 2 cửa ở hai đầu, khác với nhà rông của các DTTS khác là có 1 cửa ở giữa (phía mặt trước nhà) và thường có một cửa nhỏ bên hông. Hai cửa nhà rông làng Kon Vi Vàng đều rộng rãi và có kích thước bằng nhau, tuy nhiên, trong đó lại có một cửa chính và một cửa phụ. Cầu thang được làm từ những tấm ván, ghép lại với nhau chứ không phải làm từ một thân cây to được cắt ra như nhiều nhà rông khác.

Trao đổi với chúng tôi, anh A Ngõa - Trưởng thôn Kon Vi Vàng, người luôn sát cánh với già làng đứng ra tổ chức, đôn đốc, giám sát quá trình làm nhà rông từ đầu đến cuối- cho biết: Khó khăn nhất trong quá trình làm nhà rông của làng đó là tìm kiếm vật liệu. Ngày nay, không được cắt gỗ từ rừng nên người dân phải tận dụng lại gỗ cũ hoặc những cây gỗ trong vườn nhà; lá mây và dây cũng được dân làng cắt từ những khu rừng xa xôi, cách làng hàng chục km chứ rừng gần không còn nữa. Vì vậy, việc chuẩn bị vật liệu làm nhà phải được họp bàn kỹ lưỡng và thu gom trước hàng tháng trời.

Anh A Ngõa - Trưởng thôn Kon Vi Vàng vui mừng giới thiệu nhà rông mới. Ảnh: NB

Anh A Ngõa - Trưởng thôn Kon Vi Vàng vui mừng giới thiệu nhà rông mới. Ảnh: NB

Anh A Ngõa chia sẻ, để làm được nhà rông, mỗi người dân đóng góp đợt đầu 200 nghìn đồng, những người trong độ tuổi lao động thì đóng góp công lao động. Anh tính, người dân trong làng đóng góp 2.500 ngày công lao động, với mức 150 nghìn đồng/công/ngày, nếu quy ra tiền và cùng với 40 triệu tiền mặt nhân dân đóng góp thì tổng kinh phí xây dựng gần 415 triệu đồng. “Biết rằng, số tiền đóng góp là không nhỏ với nhiều người dân trong làng, đặc biệt là những gia đình đông con, nhưng ai nấy đều vui vẻ”- anh A Ngõa chia sẻ và tươi cười trong niềm hạnh phúc.

Chiêm ngưỡng nhà rông làng Kon Vi Vàng đúng vào ngày dân làng tổ chức Lễ mừng nhà rông mới, chúng tôi còn cảm nhận niềm hạnh phúc vô bờ của dân làng giữa nhịp chiêng ngân.

Việc khánh thành và đưa nhà rông vào sử dụng là sự kiện lớn đối với người dân làng Kon Vi Vàng. Giờ đây, dân làng có được nơi sinh hoạt cộng đồng khang trang, bề thế để tổ chức các lễ hội truyền thống, thực hành tín ngưỡng, qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc ở địa phương.

Có thể bạn quan tâm