(GLO)- Năm 2012, khủng hoảng kinh tế thế giới kéo theo những khó khăn không nhỏ cho nền kinh tế cả nước. Không nằm ngoài vòng xoáy đó, tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Chư Pưh nói riêng cũng gặp vô vàn khó khăn trên con đường phát triển.
Là huyện mới được thành lập tháng 8-2009, chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 1-2010, trên bản đồ hành chính, huyện Chư Pưh là cái tên còn khá mới lạ. Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo sáng tạo của Huyện ủy, sự điều hành năng động của Ủy ban Nhân dân huyện, cùng sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, Chư Pưh đã vươn mình hướng đến những thành công…
Năm 2012, Chư Pưh đã đứng vững trước muôn mặt khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh tế-xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 13,26%, tổng giá trị sản xuất đạt gần 2.000 tỷ đồng; thu ngân sách đạt hơn 70 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 17,3 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo từ 31% giảm xuống chỉ còn hơn 19%...
Một diện mạo mới được hình thành, Chư Pưh đang dần khoác lên mình một màu xanh của hy vọng, với tâm thế là một trong những địa phương có tốc độ phát triển nằm trong tốp đầu của tỉnh Gia Lai.
Từ trước đến nay, Chư Pưh là vùng đất thuần nông, lấy nông nghiệp làm điểm tựa. 3 năm qua, với tư tưởng và tầm nhìn mới của các cấp lãnh đạo, lại nắm trong tay thế mạnh sẵn có, cộng thêm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, huyện Chư Pưh đã linh hoạt trong định hướng phát triển kinh tế, gắn với phát huy tối đa sức mạnh nội lực của địa phương…
Nói đến Chư Pưh là nói đến cây hồ tiêu. Bàn tay cần cù, sáng tạo của người dân đến từ mọi miền đất nước, trải qua những tháng ngày gian khó với bao thăng trầm của thời cuộc đã biến vùng đất được thiên nhiên ưu đãi thành một xứ sở hồ tiêu bạt ngàn. Với sản lượng hàng năm gần 10.000 tấn hồ tiêu, Ủy ban Nhân dân huyện đã tăng cường chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa ngành sản xuất hồ tiêu đi vào chiều sâu.
Tháng 10-2012, Hiệp hội Hồ tiêu-Nông sản Chư Pưh đã được thành lập với mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho hơn 8.000 hội viên, sản xuất và chế biến hồ tiêu theo tiêu chuẩn ViệtGAP và tiêu chuẩn GAP của IPC… Cùng với đó, giữa vùng đất bazan trù phú này, Chư Pưh đã vẽ ra một màu xanh hy vọng mới với các loại cây cao su, cà phê… Các mô hình chăn nuôi mới cũng được tăng cường thử nghiệm và phát huy hiệu quả, giúp đời sống người dân, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. |
Việc chuyển dịch về cơ cấu cây trồng, phá thế độc canh, đã tạo cho nền kinh tế của huyện phát triển đa dạng và hình thành các khu vực chuyên canh. Hiện tại, Chư Pưh đã có 254 trang trại, đứng đầu tỉnh về số lượng và quy mô. Thành tựu của sản xuất nông nghiệp đã nâng mức thu nhập của người dân tăng 10% so với năm 2011. Sự thăng hoa của nền nông nghiệp đã hình thành nên một huyện trẻ có thành tích nằm trong tốp đầu cả nước về số lượng tỷ phú nông dân…
Cùng với đó, Chư Pưh đã bắt đầu quan tâm thu hút đầu tư từ bên ngoài, linh hoạt trong việc thay đổi cơ chế, “trải thảm đỏ” thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 31 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, năm 2012 đã xuất hiện những doanh nghiệp đóng góp hơn 10 tỷ đồng vào ngân sách.
Khi nền kinh tế đã bắt đầu có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả và bền vững giữa các lĩnh vực, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt làm cho bộ mặt của huyện ngày càng khang trang.
Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình trọng điểm có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện được quan tâm đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả cao. Hệ thống giao thông và kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư đồng bộ. Trở lại huyện Chư Pưh trong những ngày này, có thể thấy nơi đây đang hình thành một nhịp sống đích thực của một đô thị.
Chư Pưh bắt đầu tạo ra những dấu ấn mới trong việc phát triển văn hóa-xã hội để tạo bước đi cân bằng trong chiến lược phát triển chung. Sự nghiệp giáo dục, y tế phát triển đồng bộ, đúng hướng. Nếu trước khi chia tách, địa bàn Chư Pưh chưa có cơ sở giáo dục, y tế nào đạt chuẩn thì nay đã có 2 trường và 2 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia…
Với thành công đó, dù còn bao bộn bề khó khăn nhưng huyện Chư Pưh đã mạnh dạn đặt mục tiêu xa hơn trong năm 2013. Theo đó, huyện phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 13%, thu nhập bình quân đầu người 19,6 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 16,1% theo tiêu chí mới… Để đạt được những mục tiêu đó đòi hỏi sự phấn đấu rất lớn của Huyện ủy, UBND huyện, Mặt trận và đoàn thể các cấp…
Đặc biệt với những chuyển biến sâu sắc về tư tưởng và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên sau đợt triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), tin tưởng năm 2013 huyện Chư Pưh sẽ vươn lên tầm cao mới…
Nguyễn Tư Sơn
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện