(GLO)- Trong lúc tu sửa căn nhà ở số 191 Trần Hưng Đạo, thành phố Huế vốn là hiệu buôn của ông Hồ Diễn (tức Thái Lợi) nay do ông Mai Văn Huế trông giữ đã phát lộ căn hầm trú ẩn xây kiên cố nằm sâu trong lòng đất mà một số nhân chứng cho là nơi hoạt động bí mật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Ủy ban Kháng chiến Việt Minh Trung bộ thời kỳ chống thực dân Pháp 1945-1946. Tuy nhiên, cơ quan chức năng lại cho rằng, chưa có cơ sở khoa học khẳng định căn hầm này liên quan đến hoạt động bí mật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Cửa vào căn hầm nằm trong khuôn viên ngôi nhà 191 Trần Hưng Đạo, TP. Huế hình chữ nhật vừa một người chui lọi. Ảnh: Bùi Oanh |
Quan sát tại hiện trường cho thấy, căn hầm vừa được phát lộ nằm trong khuôn viên ngôi nhà 95A cũ, nay là số 191 Trần Hưng Đạo, thành phố Huế. Hầm dài 5 mét, rộng 1,5 mét và cao 1,2 mét, nối với mặt đất bằng 4 bậc thang được xây dựng bằng gạch và xi măng. Phần miệng hầm hình chữ nhật vừa một người chui lọt. Diện tích căn hầm đủ che chở cho khoảng 10 người một cách an toàn. Ông Mai Ngân (phường Phú Cát, thành phố Huế)-nguyên là điệp viên tình báo Ban II thuộc Ty Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, nhằm trách sự truy bắt của thực dân Pháp nên cuối năm 1945, ông Thái Lợi vốn là một đại tư sản yêu nước tại Huế đã cho đào và xây dựng căn hầm bí mật này làm nơi che giấu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và các chiến sĩ cách mạng. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn chọn ngôi nhà 191 Trần Hưng Đạo làm nơi hội họp, địa điểm huấn luyện đội ngũ cán bộ, nơi liên lạc của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế lúc bấy giờ. Đây cũng là cơ sở cách mạng đầu tiên ở thành phố Huế từ trước cách mạng tháng 8-1945 đến năm 1954... Còn ông Mai Văn Huế khẳng định, vị trí căn hầm vốn là vườn hoa. Nắp hầm ngụy trang bằng một bình hoa, hai bên căn hầm có hai cây hồng đào. Phía trước hầm, bên dưới cầu thang ngôi nhà là kho cất giấu vũ khí như: súng, đạn; còn phía sau cách đó khoảng 10 mét là kho cất giấu vũ khí thô sơ như giáo, mác...
Căn hầm đủ để che chở cho 10 người an toàn. Ảnh: Bùi Oanh |
Trong khi đó, ông Cao Huy Hùng-Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh Thừa Thiên-Huế lại cho hay, sau khi người dân phát hiện ra căn hầm trú ẩn được cho là hầm bí mật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong thời kỳ chống Pháp, đơn vị đã lập đoàn kiểm tra và tìm hiểu các tài liệu, sử sách lưu trữ ở tỉnh Thừa Thiên-Huế. Song vẫn chưa thấy tài liệu hay nhân chứng lịch sử nào đề cập đến căn hầm bí mật che giấu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và kho vũ khí bí mật cũng như căn nhà 191 Trần Hưng Đạo, thành phố Huế vốn là hiệu buôn Thái Lợi ngày trước từng là nơi hội họp của Ủy ban Kháng chiến Việt Minh Trung bộ và Ban Tình báo Liên khu 5 như ông Mai Văn Huế và ông Mai Ngân cung cấp. Bảo tàng đã trực tiếp làm việc với Đại tá Mai Trạch Vân-nguyên điệp báo Ty Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế giai đoạn 1945-1950, hiện sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh thì được Đại tá Vân cho biết, ông chưa từng nghe nói đến căn hầm bí mật che giấu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại căn nhà 95A tức hiệu buôn Thái Lợi.
Căn hầm trú ẩn nằm trong khuôn viên ngôi nhà 191 Trần Hưng Đạo, thành phố Huế. Ảnh: Bùi Oanh |
Những thông tin do ông Mai Ngân và ông Mai Văn Huế cung cấp là một chiều, không có cơ sở khoa học, không có nguồn tài liệu trích dẫn rõ ràng, không có bằng chứng và nhân chứng lịch sử đáng tin cậy, nhất là những người đã từng gần gũi, gắn bó với hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đảng bộ nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế. Việc ông Thái Lợi ủng hộ tiền bạc cho cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp không đồng nghĩa với việc đào hầm bí mật che giấu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Trước mắt, Bảo tàng đã đề xuất cho lấy mẫu vật liệu xây dựng và các mẫu vật trong căn hầm đưa đi kiểm định nhằm xác định niên đại thời gian xây dựng; tiếp tục nghiên cứu sưu tầm tài liệu lưu trữ, tài liệu các nhân chứng đã từng tham gia hoạt động cách mạng trong giai đoạn 1945-1946 với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Thừa Thiên-Huế. Tiếp đó, căn cứ vào kết quả và nội dung tư liệu, bảo tàng sẽ tham mưu để tổ chức buổi tọa đàm khoa học xác minh cụ thể những vấn đề có liên quan đến căn hầm này.
Bùi Oanh