(GLO)- Làng Bạc I- xã Ia Phìn- Chư Prông (Gia Lai) đã từ lâu không còn rộn lên tiếng khung cửi. Thổ cẩm của làng dường như đã “ngủ quên” sau ngọn nương, con rẫy. Thế nhưng, có một bàn tay đang ngày ngày âm thầm đánh thức khung cửi truyền thống của dân tộc mình.
Đôi bàn tay tài hoa ấy là của thợ dệt Siu Klat, người đã có cả cuộc đời đam mê và gắn bó với khung cửi. Đôi tay khéo léo kết hợp với sự chỉ dạy từ người mẹ đã giúp Klat trở thành một trong những người thợ dệt nổi tiếng nhất làng. Ngày giặc Mỹ tới, Klat phải rời xa khung cửi, đôi tay ấy biết cầm súng giết giặc, biết nấu cơm cho cán bộ Cách mạng ăn để có sức đánh giặc Mỹ. “Hồi đó, không được dệt, mình buồn và nhớ cái khung cửi lắm! Nhưng phải đánh hết thằng Mỹ thì dệt thổ cẩm mới đẹp được”- bà tâm sự. Rồi giặc hết, Klat lại trở về bên khung cửi và nuôi bốn người con khôn lớn bằng nghề dệt thổ cẩm của mình. Giờ đây, khi các con đã có gia đình riêng thì cũng là khi bà bước sang tuổi 60. Hai vợ chồng bà vẫn sống chủ yếu vào nghề dệt thổ cẩm.
Gặp bà vào buổi chiều trong căn nhà chất đầy hàng thổ cẩm, tôi được chiêm ngưỡng những bộ quần áo, những chiếc khăn, chiếc mền… đậm màu sắc dân tộc. Bà đang xếp vào gùi những tấm chăn thổ cẩm để đem qua các làng bên Ia Puch bán. Chồng bà cho biết: “Giàng cho nó cái chân khỏe, cái tay khéo và cái bụng tốt nên nó dệt đẹp và đưa thổ cẩm làng mình đi khắp nơi, cái bụng nó lúc nào cũng chỉ có thổ cẩm thôi”. Từ ngày làng không còn mấy ai theo được nghề truyền thống, bà vẫn kiên quyết không bỏ khung cửi. Vì thổ cẩm là mặt hàng rất khó để tiêu thụ nên bà phải dùng đôi chân của mình đưa thổ cẩm tới từng bản làng để bán. Ban ngày mọi người đi làm nên phải đi bán vào buổi tối, trời sáng bà mới trở về nhà. Bà vui mừng kể: “Mặc dù cái chân phải đi nhiều nhưng mình vui vì nhiều đồng bào còn yêu thổ cẩm. Họ còn thích mặc đồ truyền thống của dân tộc. Mỗi cái mền cũng bán được 500.000 đồng nên mình mua được nhiều bò và nhiều heo nhờ thổ cẩm đấy. Nay mình hết đói, hết nghèo rồi”.
Ngoài vườn, con bò, con heo của vợ chồng bà ngày một nhiều hơn. Bà không làm kinh tế từ nương rẫy vì sức khỏe của vợ chồng bà đã yếu, không thể làm bạn với cái cuốc, con dao. Dệt thổ cẩm trở thành nghề chính của gia đình bà. Dẫn tôi ra vườn, bà tự hào khoe những con bò to khỏe và những con heo mập mạp mà bà có được từ công việc dệt thổ cẩm.
Từ công việc dệt thổ cẩm, kinh tế gia đình bà Klat đã khá hơn. Ảnh: Trần Dung |
Ngày ngày, khi mọi người lên nương, lên rẫy thì bà lại cần mẫn, say mê với khung cửi. Bà đã từng dạy nghề cho các xã viên của Hợp tác xã Thảo Nguyên. Những ngày ở hợp tác xã, thấy thổ cẩm “sống dậy”, lòng bà nhẹ nhõm hẳn. Bà rất mong thế hệ sau giữ được nghề truyền thống của dân tộc mình. Chủ nhiệm hợp tác xã- ông Trịnh Quang Hải cho biết: “Bà Klat là thợ dệt giỏi của hợp tác xã, là người có tâm huyết với nghề. Bà biết làm kinh tế, tăng thu nhập từ thổ cẩm, và cũng là người giữ được giá trị văn hóa truyền thống cho thổ cẩm”.
Từ ngày mô hình “Làng nghề Thổ cẩm” không có hiệu quả vì khó khăn cho đầu ra, mọi người không còn học dệt nữa, rồi lâu dần, họ quên luôn khung cửi. Vậy là chỉ còn mình bà vui buồn với thổ cẩm. Bà tâm sự: “Dệt một mình buồn lắm, phải cho cả đồng bào mình biết dệt thì thổ cẩm mới tồn tại lâu dài được. Bọn trẻ bây giờ không thích ngồi vào khung cửi. Ngày xưa, mình vẫn thắp đèn ngồi dệt cả đêm không biết mệt. Bây giờ có bóng điện thì mắt mờ, tay yếu. Không biết còn dệt được bao lâu nữa”. Nỗi niềm của bà với thổ cẩm khiến đồng bào làng Bạc rất khâm phục và nể trọng. Chị Kpă Kleph- người làng Bạc cho biết: “Jrai mình ít người dệt được vì không có đôi tay khéo và đôi chân khỏe như Klat. Chỉ có Klat giỏi và yêu thổ cẩm thì mới theo được nó thôi. Ở làng Bạc này năm xưa Klat là người cầm súng giỏi mà giờ đây dệt thổ cẩm cũng giỏi”.
Thổ cẩm của bà Siu Klat vẫn âm thầm đến với từng bà con dân bản. Và ước mơ về một làng nghề thổ cẩm với thật nhiều khung cửi mới, thế hệ mới, vẫn đang nặng trĩu trong lòng bà.
Trần Dung