Các nhà khoa học tại Viện Vật lý thiên văn Quần đảo Canary (IAC), Tây Ban Nha, phát hiện một siêu Trái Đất mới có thể tồn tại sự sống quay quanh ngôi sao lùn đỏ GJ 625. Ngôi sao này cách chúng ta 21 năm ánh sáng, có kích cỡ và khối lượng bằng khoảng 1/3 Mặt Trời.
Mô phỏng siêu Trái Đất GJ 625 b đang quanh ngôi sao lùn GJ 625. |
Siêu Trái Đất là một ngoại hành tinh có khối lượng lớn hơn Trái Đất và không vượt quá khối lượng của các hành tinh băng giá khổng lồ như sao Hải Vương hay sao Thiên Vương. Mặc dù thuật ngữ "siêu Trái Đất" thường dùng để ám chỉ khối lượng của hành tinh, nhưng các nhà khoa học cũng sử dụng thuật ngữ này để mô tả hành tinh có kích thước lớn hơn Trái Đất.
GJ 625 b có khối lượng gấp khoảng 2,8 lần so với Trái Đất. Đây là ngoại hành tinh nhẹ nhất từng được tìm thấy quay xung quanh một ngôi sao lùn loại M.
Alejandro Suarez Mascareño và cộng sự phát hiện siêu Trái Đất GJ 625 b khi nghiên cứu ngôi sao lùn GJ 625 trong thời gian ba năm. Hành tinh này quay theo quỹ đạo xung quanh vùng sinh sống được của GJ 625 theo chu kỳ 14,6 ngày ở khoảng cách tương đối gần.
"Do GJ625 là ngôi sao tương đối nguội, siêu Trái Đất lại nằm ở rìa của khu vực phù hợp với sự sống, nên ở đó có thể chứa nước dạng lỏng trên bề mặt. Hành tinh này có thể là nơi chứa đựng sự sống, phụ thuộc vào lớp mây che phủ bầu khí quyển và tốc độ quay", Mascareño cho biết.
Ngôi sao lùn thường là nơi để các nhà khoa học tìm kiếm hành tinh đá có khối lượng tương đương Trái Đất, nhưng việc khám phá ra chúng gặp nhiều khó khăn do tín hiệu phát ra từ các ngôi sao lùn thường giống với các hành tinh.
Theo VnExpress