Rủ nhau nhường suất hộ nghèo!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đấy là câu chuyện ở xã Ia R’vê thuộc huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk - vùng đất còn nhiều khó khăn nhất tỉnh Đắk Lắk.
Trời gần đứng bóng, ông Nông Văn Ngãi (64 tuổi, ngụ xã Ia R’vê) hì hục sắp xếp lại đống mầm sắn làm giống cho vụ trồng tới. "Chỉ có cây sắn mới sống được ở vùng đất này nhưng cũng không xanh tốt như những nơi khác" - ông Ngãi nói.
Ông Ngãi là một trong 4 hộ dân ở xã Ia R’vê vừa xung phong làm đơn gửi chính quyền xin được ra khỏi diện hộ nghèo. Hiện nay, gia đình ông Ngãi vẫn sống trong ngôi nhà cấp 4 chừng 30 m2 được xây dựng từ nhiều năm trước. Tường nhà vẫn để gạch thô, chưa có điều kiện tô vữa.
Ông Ngãi tâm sự năm 2004, gia đình ông đã tới Ia R’vê lập nghiệp. Đất đai cằn cỗi, vợ ông đau ốm triền miên rồi mất nên sau nhiều năm, gia đình ông vẫn thuộc diện hộ nghèo. "Con cái nay đã lớn, tự lo cho cuộc sống của mình. Tôi tuy lớn tuổi nhưng vẫn còn đủ sức để làm việc, kiếm sống. Thấy nhiều gia đình ở đây còn nhiều khó khăn, nuôi con ăn học nên tôi làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường lại cho hộ dân khác" - ông Ngãi chia sẻ.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng ông Nông Văn Ngãi vẫn chủ động xin nhường suất hộ nghèo cho người khác
Dù còn nhiều khó khăn nhưng ông Nông Văn Ngãi vẫn chủ động xin nhường suất hộ nghèo cho người khác
Tương tự, bà Mai Thị Thủy (58 tuổi) cũng vừa làm đơn xin thoát nghèo để nhường lại cho người khác. Từ TP HCM, năm 2011, bà Thủy theo một đoàn người lên Đắk Lắk trồng sắn. Sau nhiều năm tích góp, tháng 5-2019, bà Thủy mở quán ăn sáng và lời được khoảng 100.000 đồng/ngày. "Cuộc sống như vậy tạm đủ rồi, còn nương rẫy nữa, từ từ mình phát triển" - bà Thủy nói.
Theo ông Lê Văn Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Ia R’vê, toàn xã có 1.202 hộ nghèo, chiếm gần 60% dân số của xã. Với đặc thù xã biên giới có khí hậu vô cùng khắc nghiệt, mùa mưa thường xuyên xảy ra ngập lụt, mùa khô nắng nóng kéo dài nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu trồng mía, sắn - những loài cây mang lại kinh tế không cao so với các loại cây khác. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 17,2 triệu đồng/người.
Mới đây, UBND xã nhận được 4 lá đơn của 4 hộ dân gồm ông Nông Văn Ngãi (thôn 13), ông Nguyễn Văn Hùng (thôn 2), bà Mai Thị Thủy (thôn 10) và ông Nguyễn Văn Khánh (thôn 6) xin được ra khỏi diện hộ nghèo. Dù điều kiện kinh tế của các hộ dân này còn hết sức khó khăn nhưng người dân vẫn quyết tâm xin thoát nghèo để nhường lại cho người khác. Ví dụ như ông Nông Văn Ngãi là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhà còn nghèo nhưng mạnh dạn xin thoát nghèo chứ không thể trông chờ vào chính sách của nhà nước.
"Họ muốn vươn lên bằng chính nghị lực của mình nên cấp ủy, chính quyền địa phương rất ủng hộ. Chúng tôi cũng mong muốn những hộ gia đình khác lấy đó làm tấm gương, xin thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống, nhường lại cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn khác" - ông Lâm thông tin.
Bài và ảnh: Cao Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.