(GLO)- Ở tuổi 33, anh Vũ Văn Tuyền-Chủ nông trại Núi Lu (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã gặt hái nhiều thành công trên hành trình khởi nghiệp. Anh còn dành thời gian, tâm sức tham gia một số hoạt động ý nghĩa như: giải cứu động vật hoang dã, xây dựng trạm đọc miễn phí...
Từ bỏ giảng đường đại học để về quê nuôi ong
Vừa hoàn thành việc di chuyển đàn ong xuống huyện Krông Pa trở về, không kịp nghỉ ngơi, anh Vũ Văn Tuyền vội ghé cửa hàng 5S Coffee & Milk Tea (79A Tôn Đức Thắng, phường Yên Thế, TP. Pleiku) trao đổi công việc với nhân viên, rồi tự mình thử nghiệm một vài thức uống mới được pha chế trước khi đưa vào thực đơn.
Bên ly cà phê ấm nóng, anh kể cho tôi nghe chuyện đời mình. Năm 2007, anh Tuyền là niềm tự hào của gia đình khi thi đậu chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển-tự động hóa, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Nhưng 4 năm sau, chính anh lại đem về cú sốc lớn cho gia đình, thậm chí bị bố... từ mặt, khi quyết định rời giảng đường đại học. Cũng bởi, trong thời gian học đại học, anh làm thêm khá nhiều việc và hùn vốn với bạn bè mở văn phòng bán vé máy bay. Kinh doanh thuận lợi, chuẩn bị mở văn phòng thứ 2 thì bị... lừa. Trắng tay, lửa nhiệt huyết suy giảm, lại nhận ra bản thân không phù hợp với ngành nghề đang theo học khiến anh quyết định chuyển hướng.
|
Anh Vũ Văn Tuyền giới thiệu sản phẩm mật ong vít nắp. Ảnh: Phương Dung |
Anh trải lòng: “Tôi từng làm thêm ở vài văn phòng công ty nước ngoài và thấy họ rất ưa chuộng mật ong. Hầu hết căng tin văn phòng đều có mật ong do người nước ngoài mang tới. Qua quan sát và nếm thử, tôi thấy vị mật không khác là bao so với loại mật ong vít nắp. Loại mật này ở Gia Lai rất nhiều, giá lại rẻ. Nhận thấy đây chính là thị trường tiềm năng, tôi quyết định về quê nuôi ong, quay mật”. Để có vốn khởi nghiệp, anh Tuyền cùng vài người bạn nhận di chuyển trại ong theo hình thức trọn gói, không cần chủ trại theo cùng. Hơn 1 tháng sau, anh tích góp đủ tiền mua lại 16 thùng ong. Đầu năm 2012, giá mật ong giảm mạnh, nhiều hộ nuôi ong bỏ đàn, riêng anh vẫn quyết tâm theo nghề. Anh mua lại 150 đàn ong với giá 60 triệu đồng và được cho nợ đến khi quay mật. Cùng với đó, anh Tuyền ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, chăn nuôi trại ong, đồng thời nắm bắt thêm thị trường, tâm lý, nhu cầu khách hàng để cho ra sản phẩm phù hợp.
Anh Tuyền gửi những chai mật đầu tiên vào TP. Hồ Chí Minh để chào bán. Kết quả, sức tiêu thụ vượt mong đợi với 50 kg. “Làm việc với người nước ngoài thật sự áp lực, vì họ rất nguyên tắc. Dù có thân quen thì tất cả lô hàng, họ đều cho kỹ thuật kiểm tra kỹ từng chỉ số theo cam kết và không bỏ sót dù chỉ là 1 sản phẩm. Sản phẩm đảm bảo chất lượng, yêu cầu, họ nhập hàng và trả tiền ngay, nhưng chỉ cần để xảy ra một lỗi nhỏ, mình sẽ phải chịu phạt với số tiền 90 triệu đồng”-anh Tuyền tâm sự. Hiện nay, sản phẩm mật ong của Nông trại Núi Lu có mặt ở hơn 100 căng tin văn phòng các công ty nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2014, anh đưa sản phẩm mật ong vào các siêu thị lớn ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với chi phí vận chuyển, chiết khấu cao trong khi sức tiêu thụ có hạn nên... lỗ vốn. Cũng trong khoảng thời gian này, anh thiệt hại 200 đàn ong giống do dịch bệnh. Song bằng đam mê và sự kiên trì, hiện nông trại của anh duy trì 400 đàn ong, cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn mật mỗi năm. Mặt khác, anh còn bán khoảng 100-200 đàn ong giống mỗi năm cho các chủ trang trại chăn nuôi ở tỉnh Bắc Giang.
Làm nông nghiệp... lười!
Ngoài nuôi ong, anh Tuyền còn canh tác 4,5 ha cà phê dưới chân núi Lu theo mô hình nông nghiệp... lười, hay còn gọi là nông nghiệp thuận tự nhiên, nói không với phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc cỏ để cây trồng phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường.
Theo đó, toàn bộ diện tích đất trống trong vườn cà phê, anh trồng xen cây đậu đen vừa giảm chi phí nhân công làm cỏ, vừa cải tạo đất lại có thêm nguồn thu 60 triệu đồng mỗi năm từ thu hoạch đậu. Cứ 6 tháng, anh nhập về 150 con dê nuôi vỗ béo, tận dụng phân dê ủ cùng với vỏ trấu, vỏ cà phê và một số phụ phẩm từ nông nghiệp đem bón cho cây trồng. “Cái lợi của loại phân này là có thể bón vào ngày nắng chứ không nhất thiết phải chờ mưa xuống. Cây cà phê vừa được bón phân hữu cơ, vừa được “ăn” đạm từ thân cây đậu đen nên phát triển tốt”-anh Tuyền chia sẻ về cách chăm sóc cây cà phê theo hướng bền vững.
|
Anh Vũ Văn Tuyền bên vườn cà phê của mình dưới chân núi Lu. Ảnh: Phương Dung |
Không chỉ canh tác cà phê vườn nhà, anh còn liên kết với 20 hộ dân trong vùng để sản xuất cà phê hữu cơ. “Vào vụ thu hoạch, tôi thu mua của các hộ liên kết với giá cao hơn giá thị trường nhưng với điều kiện: quả chín đều, quá trình chăm sóc không phun thuốc cỏ, thuốc trừ sâu... Mỗi năm, tôi thu mua khoảng 50 tấn cà phê nhân”-anh Tuyền cho hay. Từ số cà phê thu mua của người dân cộng với cà phê của gia đình, mỗi năm, anh Tuyền cung ứng ra thị trường khoảng 60 tấn cà phê nhân, chủ yếu cho các nhà rang xay ở TP. Pleiku và tỉnh Đak Lak. Anh chỉ giữ lại 5-7 tấn cà phê để rang xay, chế biến và bán tại cửa hàng của gia đình. Doanh thu của nông trại đạt khoảng 4 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 20%.
Để thuận tiện trong công việc, anh cài phần mềm quản lý trên điện thoại thông minh. Thay vì phải đi theo từng đàn ong, hướng dẫn công nhân, thông qua phần mềm này, anh có thể nắm bắt được thời tiết tại nơi đặt ong, lịch sử làm việc của từng người và nhật ký trồng trọt, chăn nuôi.
Bà Nguyễn Thị Hồng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phú-cho biết: Nông trại Núi Lu hàng năm tạo việc làm cho 10-20 lao động địa phương. Anh Tuyền cũng liên kết với nhiều hội viên trên địa bàn xã để sản xuất cà phê hữu cơ, giúp người dân thay đổi thói quen canh tác, hướng đến phát triển sản xuất bền vững.
Hướng về cộng đồng
Với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc, tại cửa hàng 5S Coffee & Milk Tea, anh Tuyền xây dựng trạm đọc miễn phí. Có khoảng 2.000 đầu sách với nhiều thể loại: lịch sử, văn học, kinh doanh, sách tham khảo... được bày biện gọn gàng ở 4 kệ sách lớn, thuận tiện cho người đọc. Lý giải cho việc làm ý nghĩa này, anh Tuyền cười hiền: “Ngày xưa, nhà nghèo nên tôi không có điều kiện để mua sách. Tôi luôn ao ước có một tủ sách lớn, thỏa sức đọc và chia sẻ cùng mọi người. Vì vậy, thông qua trạm đọc miễn phí, tôi muốn mọi người, nhất là các em nhỏ có thêm một nơi đọc sách giúp bổ sung kiến thức và giải trí. Mọi người có thể ghé trạm ngồi đọc và không nhất thiết phải gọi đồ uống. Mỗi năm, tôi dành ra khoảng 10 triệu đồng để bổ sung các đầu sách mới”.
Những lúc cửa hàng vắng khách, bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo-nhân viên pha chế tìm đọc những cuốn sách liên quan đến nghề để nâng cao trình độ, tay nghề. “2 năm làm ở đây, em đọc khá nhiều sách và trang bị thêm cho mình nhiều kỹ năng sống. Ngoài mức lương 4,5 triệu đồng/tháng, nhân viên tụi em còn được hưởng phần trăm chiết khấu nếu bán được sản phẩm và có thêm hỗ trợ khi doanh thu tăng”-Thảo bộc bạch.
|
Tranh thủ lúc cửa hàng vắng khách, bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo-nhân viên pha chế-tìm đọc những cuốn sách liên quan đến nghề pha chế. Ảnh: Phương Dung |
Ngoài sách, chàng trai 33 tuổi còn có tình yêu đặc biệt với động vật. Hơn 10 năm qua, anh Tuyền không nhớ chính xác mình đã giải cứu thành công bao nhiêu động vật hoang dã, thả chúng về với môi trường sống tự nhiên. Di chuyển theo đàn ong và cứ gặp ở đâu có thú rừng bị trúng bẫy, anh đều tìm mua; sau đó nhờ bạn bè tư vấn, chữa trị vết thương, đem về chăm sóc cho đến khi chúng khỏe mạnh mới thả về rừng. Là người tích cực hỗ trợ anh Tuyền suốt nhiều năm qua, bác sĩ thú y Nguyễn Thị Hiếu Thuần (Phòng khám Pet Healthcare, TP. Pleiku) chia sẻ: “Những con bị thương nhẹ, anh Tuyền thường gọi điện nhờ tôi tư vấn, hướng dẫn cách xử lý tại nhà. Những con bị thương nặng mà thường là khỉ bị gãy chân, tay, vết thương hoại tử cần phải phẫu thuật thì mình hỗ trợ xử lý. Thường thì tôi chỉ lấy tiền thuốc, đôi khi cũng hỗ trợ một phần vì biết việc anh Tuyền làm là vì cộng đồng”.
Không chỉ mua lại những động vật hoang dã bị trúng bẫy, anh Tuyền còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân thả thú rừng về môi trường tự nhiên. Theo anh, chỉ khi người dân hiểu rõ hậu quả của việc bẫy thú rừng thì tình trạng đánh bẫy, đặt bẫy mới được cải thiện; còn nếu vẫn bán-mua, sử dụng thịt động vật hoang dã thì người ta vẫn nhìn thấy cái lợi mà ham. Nhiều người đã đồng cảm, sẻ chia và ủng hộ việc làm này của anh. “Nhiều người đã chủ động liên hệ với tôi nhờ tiếp nhận động vật hoang dã, bàn giao cho lực lượng Kiểm lâm địa phương. Mới đây, tôi nhận được điện thoại nhờ tiếp nhận 1 con khỉ đuôi lợn ở gần khu vực núi Lu và liên hệ với lực lượng hỗ trợ tiếp nhận”-anh Tuyền cho biết thêm.
PHƯƠNG DUNG