Diện tích bê-tông hóa quá cao so với cây xanh. Ngày xưa, Đà Lạt có cây xanh, không gian xanh rất nhiều, chiếm khoảng 40%-50%, có bao giờ ngập đâu?
Việc phát triển nhà kính cũng là một dạng bê-tông hóa khác, do diện tích nhà kính hiện rất lớn, đâu có thẩm thấu nước. Hệ thống cống không được thiết kế để đáp ứng đủ diện tích bê-tông hóa như vậy. Khi mưa, cộng thêm địa thế nước chảy từ cao xuống thấp rất nhanh, hệ thống cống không kham nổi.
Đà Lạt bê-tông hóa cao nên không còn diện tích chứa nước. Quy hoạch hiện thiếu không gian dành cho nước, tức là lượng nước đổ vào quá cao phải có không gian để chứa lượng nước đó.
Việc tính toán lượng nước đâu khó khăn gì - mưa rơi xuống bao nhiêu đều tính được, trên mỗi mét vuông là bao nhiêu, cộng với độ dốc lớn, nếu có không gian chứa thì nước sẽ không đổ dồn về chỗ thấp gây ngập như vậy.
Việc cấp phép xây dựng không phải là nguyên nhân chính, vì cấp phép phải dựa trên quy hoạch. Cái gốc vấn đề là quy hoạch sai lầm. Chuyện xây dựng không phép, trái phép cũng chỉ ở mức nào đó thôi, chủ yếu là quy hoạch thiếu không gian xanh nên gây ngập.
Chúng ta có thể thấy khu Hòa Bình đã như bê-tông hóa gần hết, chỉ còn Dinh Tỉnh trưởng nằm trên cao là còn mảng xanh, nhưng sắp tới thành phố cũng dự kiến làm dự án thương mại - dịch vụ gì đó, sẽ "bít" luôn. Quảng trường Lâm Viên gọi là không gian xanh nhưng có xanh đâu, cũng lát gạch, bê-tông hết rồi. Khu Hòa Bình trong tương lai chắc chắn cũng sẽ ngập, nếu cứ phát triển theo dạng như vậy.
Cần xác định rõ nguyên nhân ngập thật sự không nằm ở điểm ngập mà ở chỗ lân cận. Ví dụ, vùng ngập thì nước (gây ngập) đổ về từ vùng cao hơn. Vùng cao hơn thiếu không gian xanh, thiếu hồ chứa nên nước đổ xuống vùng thấp, gây ngập. Thành ra, nhìn vào chỗ ngập nhưng nguyên nhân chính lại ở chỗ khác. Do vậy, nếu cứ chăm chăm nhìn vào khu ngập để giải quyết thì chắc chắn không được, đó là khoa học.
Những sự cố như sạt lở vừa qua xuất phát từ vấn đề quy hoạch. Bây giờ cần rà soát, trả lại diện tích không gian xanh. Chỗ nào bê-tông hóa nhiều quá thì xây hầm chứa nước. Như khu Hòa Bình hiện có hồ Xuân Hương chứa nước nhưng khi bê-tông hóa rồi thì nước sẽ không thoát xuống được, cũng sẽ ngập thôi.
Tình trạng ngập này cũng là một lời cảnh báo cho chúng ta lưu tâm đến vấn đề quy hoạch, vì sắp tới ngập úng sẽ lan rộng. Đà Lạt không phải ngập mới đây, cũng đã 5-10 năm nay, đi đôi với việc phát triển đô thị không bền vững. Chuyện sạt lở đất cũng đi đôi với ngập úng.
Đà Lạt bây giờ muốn "chữa" được thì cần đánh giá lại toàn diện tác động môi trường của quy hoạch. Chỗ nào còn làm không gian xanh được thì đừng xâm phạm nữa, chỗ nào bê-tông hóa thì tính toán làm hầm điều tiết để tạo được không gian dành cho nước.
TS khoa học - kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN