(GLO)- Hơn 1 tuần qua, lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) toàn tỉnh Gia Lai đã đồng loạt ra quân xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Hàng loạt trường hợp vi phạm đã bị xử lý nghiêm. Mức phạt rất cao, cộng với sự kiên quyết của lực lượng CSGT trong thực thi công vụ đã bước đầu làm chuyển biến ý thức của người dân trong việc chấp hành quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Đây cũng là tín hiệu tích cực để tỉnh ta thực hiện Năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề: “Đã uống rượu, bia không lái xe”.
Đo nồng độ cồn lưu động
Thông thường, để kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông, lực lượng CSGT sẽ thành lập các chốt chặn trên đường. Tuy nhiên, trong thực tế, hình thức này không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả, nhất là khi gặp những tài xế liều lĩnh tăng ga “thông chốt”, gây nguy hiểm cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ và người đi đường. Bên cạnh đó, nhiều tài xế khi biết có chốt đo nồng độ cồn ở phía trước đã né tránh bằng cách điều khiển phương tiện đi đường khác. Ngoài ra, việc bố trí chốt chặn buộc phải huy động một lực lượng lớn cán bộ, chiến sĩ nhưng chỉ thực hiện kiểm tra cục bộ ở một khu vực nhất định cũng phần nào “bỏ lọt” nhiều người vi phạm, giảm sức răn đe cần thiết.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông kiểm tra nồng độ cồn 1 người điều khiển xe máy. Ảnh: L.V.N |
Tại huyện Phú Thiện, trong năm 2019 đã xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông, làm 12 người chết, 17 người bị thương. Đa phần các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đều xảy ra trong khoảng thời gian sau 21 giờ và liên quan đến người điều khiển phương tiện giao thông là thanh-thiếu niên có sử dụng rượu, bia. Việc lập chốt cố định để kiểm tra nồng độ cồn với số thanh-thiếu niên điều khiển xe máy ở địa phương gặp nhiều khó khăn khi các đối tượng này thường tăng ga bỏ chạy nếu gặp CSGT. Bởi vậy, những ngày vừa qua, lực lượng CSGT Công an huyện Phú Thiện lần đầu tiên triển khai phương án hóa trang, tuần tra lưu động nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Theo đó, từ 21 giờ đến 23 giờ hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT Công an huyện đều mặc thường phục rồi tiến hành tuần tra lưu động trên các tuyến đường. Khi phát hiện thanh niên điều khiển xe máy có hành vi lạng lách, đánh võng, tổ tuần tra sẽ dùng camera ghi hình, đồng thời bí mật tiếp cận để khống chế rồi tiến hành đo nồng độ cồn để xác định mức độ vi phạm. Với hình thức hóa trang, tuần tra lưu động này, lực lượng CSGT Công an huyện đã xử lý hiệu quả số thanh niên uống rượu, bia rồi điều khiển xe máy quậy phá. Trong ngày 2-1, khi lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực thị trấn Phú Thiện, lực lượng CSGT Công an huyện chỉ phát hiện 3 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, đến tối 3-1, khi tiến hành hóa trang, tuần tra lưu động, đơn vị đã phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm, trong đó nhiều thanh niên có nồng độ cồn ở mức cao.
Ông Nguyễn Việt Dũng (thôn Thanh Bình, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) cho biết: “Người dân chúng tôi rất sợ mỗi khi ra đường vào buổi tối vì nhiều thanh niên uống rượu, bia rồi chạy xe rất ẩu, dễ xảy ra tai nạn giao thông. Nếu CSGT phát hiện thì đám thanh niên cũng bỏ chạy bạt mạng, không dễ gì xử lý được. Vì vậy, tôi rất mừng vì lực lượng CSGT Công an huyện Phú Thiện quyết liệt triển khai xử lý số thanh niên vi phạm nồng độ cồn. Tôi hy vọng lực lượng CSGT sẽ tiếp tục ra quân xử lý hành vi này để góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn”.
Trao đổi về vấn đề này, Thượng úy Trần Văn Tiến-Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Phú Thiện-cho hay: “Kế hoạch hóa trang, tuần tra lưu động sẽ được đơn vị thực hiện thường xuyên để xử lý triệt để tình trạng thanh-thiếu niên điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. Với mức phạt theo Nghị định 100, chúng tôi hy vọng sẽ tạo sức răn đe cao trong cộng đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra với nhiều hình thức, đồng thời tổ chức các buổi tuyên truyền cá biệt với các thanh niên từng bị xử lý nhằm kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn”.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Theo ghi nhận của P.V, trong những ngày đầu ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã thể hiện sự kiên quyết trong thực thi công vụ. Điển hình như tại buổi ra quân kiểm tra nồng độ cồn tối 5-1 của Đội CSGT Công an TP. Pleiku ở khu vực cầu số 3, nhiều trường hợp sau khi bị phát hiện có nồng độ cồn đã liên tục gọi điện “cầu cứu” người quen nhưng vẫn bị lập biên bản xử phạt.
Đơn cử như trường hợp ông Vũ Xuân T. (trú tại xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Khi điều khiển xe ô tô đến vị trí cách chốt kiểm tra nồng độ cồn của Đội CSGT Công an TP. Pleiku khoảng 200 m, ông T. đã cho xe đi chậm lại rồi dừng hẳn và xuống xe hòng tránh sự kiểm tra. Phát hiện phương tiện có biểu hiện bất thường, lực lượng CSGT đã tiếp cận yêu cầu ông T. tiến hành kiểm tra nồng độ cồn nhưng ông này không chấp hành. Cùng lúc đó, 1 người đàn ông ngồi trên xe của ông T. liên tục gọi điện cho ai đó nhờ vả và đề nghị CSGT nghe điện thoại để nói chuyện với người quen của mình. Tuy nhiên, các cán bộ CSGT vẫn kiên quyết đo nồng độ cồn đối với ông T. Kết quả kiểm tra xác định, ông T. có nồng độ cồn là 0,107 mg/lít khí thở. Vì vậy, tổ công tác đã yêu cầu ông lái xe về khu vực xử lý để lập biên bản. Tại đây, người đàn ông đi cùng ông T. tiếp tục gọi điện cho nhiều người để “cầu cứu” nhưng tổ công tác đã lập biên bản xử phạt ông T. mức 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng, đồng thời tạm giữ phương tiện.
Lực lượng CSGT lập biên bản 1 trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: L.V.N |
Hay như trường hợp của ông Phan Bảo Tr. (trú tại phường Thống Nhất, TP. Pleiku). Tại thời điểm kiểm tra, ông Tr. có nồng độ cồn lên tới 0,912 mg/lít khí thở. Khi lực lượng CSGT dừng xe để kiểm tra, ông Tr. không xuất trình giấy tờ mà liên tục gọi điện cho ai đó. Ông Tr. nói rằng mình là cán bộ ngân hàng, đã uống mấy ly và xin lực lượng CSGT bỏ qua vì chỉ còn cách nhà gần 10 m. Sau khi bị lập biên bản, ông Tr. không ký vào biên bản mà tiếp tục năn nỉ lực lượng chức năng. Tuy nhiên, tổ công tác vẫn tạm giữ phương tiện cũng như giấy tờ của ông này.
Trung tá Nguyễn Ngọc Hiền-cán bộ Đội CSGT Công an TP. Pleiku-chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng CSGT gặp nhiều khó khăn khi xuất hiện những trường hợp cản trở, gây rối, xin xỏ… Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo Công an TP. Pleiku, lực lượng CSGT vẫn kiên quyết xử nghiêm các trường hợp vi phạm theo Nghị định 100 nhằm nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật của người dân, hạn chế tối đa tai nạn giao thông”.
Tác động mạnh mẽ
Theo thống kê của Công an tỉnh, trong 5 ngày đầu tiên triển khai thực hiện Nghị định 100, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện 96 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Tai nạn giao thông theo đó cũng được kiềm chế. Từ ngày 1 đến ngày 5-1, trên toàn tỉnh xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông, làm 2 người chết, 4 người bị thương (giảm 2 vụ, giảm 1 người chết, giảm 4 người bị thương so với cùng kỳ năm 2019). |
Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực cùng với sự quyết liệt của lực lượng CSGT trong việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đã tác động mạnh đến ý thức của người dân. Minh chứng là tại các quán nhậu, lượng khách những ngày đầu năm đã giảm hẳn so với trước. Ông N.V.S.-chủ một quán nhậu trên đường Tạ Quang Bửu (TP. Pleiku) giãi bày: “Thường mỗi buổi chiều tối, quán có 50-70 khách nhưng nay chỉ có khoảng chưa đầy 30 khách. Hầu hết khách đến đây nhậu đều đi taxi vì lo sợ bị phạt. Điều này ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của quán rất nhiều nhưng quy định của pháp luật như vậy, mình phải tuân thủ thôi, cũng vì sự an toàn cho mỗi người”.
Tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), lượng bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay cũng có chiều hướng giảm so với trước. Cụ thể, trước đây, trung bình mỗi ngày, Khoa tiếp nhận 10-20 ca nhập viện vì tai nạn giao thông. Nhưng từ ngày 1-1 đến nay, không ngày nào có quá 10 ca nhập viện dạng này. Bác sĩ Dương Thái Thuấn-Trưởng khoa Cấp cứu-cho biết: “Số ca nhập viện do tai nạn giao thông đã giảm trông thấy, đặc biệt là ở khu vực TP. Pleiku. Có lẽ người dân đã dần nâng cao ý thức về việc không uống rượu, bia khi lái xe”.
Với việc lực lượng CSGT đồng loạt ra quân xử lý vi phạm, hầu hết người tham gia giao thông trên các tuyến đường đã tự giác tuân thủ nghiêm quy định về nồng độ cồn. Có mặt tại buổi kiểm tra nồng độ cồn của Phòng CSGT Công an tỉnh tối 3-1 trên quốc lộ 19 (đoạn qua xã Ia Kênh, TP. Pleiku), P.V ghi nhận lực lượng CSGT kiểm tra hơn 200 trường hợp người điều khiển ô tô và xe máy nhưng không có trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn. Trung tá Lê Công Ngọc-cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh-cho hay: “Vì mức phạt cao, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế nên nhiều người đã biết sợ, không dám điều khiển xe khi đã sử dụng rượu, bia. Điều này cho thấy, Nghị định 100 đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc ngăn chặn người điều khiển phương tiện uống rượu, bia”.
LÊ VĂN NGỌC