Quan điểm cơ quan tố tụng vẫn 'vênh' nhau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
TAND TP Bảo Lộc đã nhiều lần trả hồ sơ và mới nhất là trong bản án sơ thẩm đều yêu cầu khởi tố, truy tố bị cáo Thạch Anh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng kết luận điều tra thể hiện, sau khi dự án không xin được, Thạch Anh có ý thức lừa dối nạn nhân và do Thạch Anh cho rằng số tiền 10 triệu đồng và nhiều kg trà là không đáng kể, sau này sẽ trả lại nên CQĐT không kết luận về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 
Bị cáo Thạch Anh trong một lần gặp bà Linh (Hình do bạn đọc cung cấp)
Nhận tiền tỉ chạy “xin dự án”
Theo dự kiến, ngày 14/5, TAND tỉnh Lâm Đồng sẽ xét xử phúc thẩm vụ án “cò chạy dự án” Trần Thạch Anh (SN 1961, ngụ TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) bị quy kết tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Đây là lần thứ ba vụ án được đưa ra xét xử. Trước đó, ngày 19/4, phiên xét xử bị hoãn do bị cáo Thạch Anh có đơn xin với lý do sức khỏe.
Trong phiên xét xử sơ thẩm trước đó, TAND TP Bảo Lộc đã tuyên phạt bị cáo Thạch Anh 2 năm tù, có trách nhiệm trả 945 triệu đồng cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đồng thời, HĐXX kiến nghị CQĐT tiếp tục điều tra, xử lý bị cáo Thạch Anh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ, năm 2014, bà Nguyễn Thị Trúc Linh (SN 1993) là đại diện Công ty TNHH Phụng Trà Linh (chuyên sản xuất các loại trà, trụ sở Thôn 5, xã B’Lá, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) muốn lập hồ sơ dự án trồng chè nguyên liệu tại huyện Bảo Lâm. Qua giới thiệu, bà Linh nhờ Thạch Anh thực hiện.
Từ năm 2014 đến năm 18/2/2017, Thạch Anh nhận tiền và quà là trà khô của Phụng Trà Linh để “chạy” dự án là hơn 1,6 tỉ đồng. Thạch Anh khai rằng, số tiền trên đưa tiền cho nhiều người như ông Vương Khả Kim – thời điểm đó là Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm 200 triệu đồng, bà Trần Thị Phi Yến (đã chết, thời điểm đó là Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng) 350 triệu đồng, ông Toàn (không rõ lai lịch, bị cáo Thạch Anh khai là bạn xã hội của bà Yến) 470 triệu đồng, để liên hệ xin dự án. Tuy nhiên, ông Kim không thừa nhận, bà Yến chết trước khi vụ án bị điều tra, ông Toàn đến nay không rõ lai lịch.
Trong quá trình nhận tiền và trà làm quà “xin” dự án, Thạch Anh đưa cho Phụng Trà Linh các công văn, giấy mời họp, thông báo bản photocopy với nội dung “đồng ý chủ trương trồng chè nguyên liệu của Phụng Trà Linh” trong đó có chữ ký của Phó Chủ tịch UBND tỉnh (ông Phạm S). Thạch Anh cũng đưa Giấy mời họp số 54/UBND-GM ngày 15/06/2016, nội dung để thông qua chủ trương trồng chè có chữ ký của bà Trần Thị Phi Yến, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng.
Do việc xin dự án kéo dài nhiều năm nhưng không thành, bà Linh yêu cầu Thạch Anh trả lại tiền. Thạch Anh chuyển trả cho bà Linh 680 triệu đồng, số còn lại 945 triệu đồng thì Thạch Anh không trả.
Ngày 19/06/2017, bà Linh làm đơn gửi UBND tỉnh xác minh những giấy tờ có chữ ký của ông Phạm S và bà Yến mà bị cáo Thạch Anh đưa cho bà. Phát hiện giấy tờ trên làm giả, UBND tỉnh chuyển đơn của bà Linh đến Công an tỉnh Lâm Đồng.
Ngày 13/10/2017, Thạch Anh bị khởi tố, truy tố về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, CQĐT cho rằng có dấu hiệu nhưng không đủ chứng cứ.
 
Sau khi biết dự án không thực hiện được, bị cáo Thạch Anh vẫn tiếp tục yêu cầu bà Linh đưa tiền
Không có tội do “nghĩ số tiền không đáng kể” 
Tại sao TAND TP Bảo Lộc lại nhiều lần trả hồ sơ và mới nhất là trong bản án sơ thẩm đều yêu cầu khởi tố, truy tố bị cáo Thạch Anh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản? Liệu rằng, có sự bỏ lọt tội phạm của CQĐT hay không?
Trong những lần điều tra bổ sung thì ngày 18/7/2018, CQĐT ra kết luận bổ sung, cho rằng: Sau khi biết dự án không thực hiện được, bị can khai vẫn nhận tiền và trà của bà Linh. Cụ thể nhận tiền 1 lần là 10 triệu đồng và nhiều lần nhận trà khô. Mục đích bị can nhận tiền và trà là để bà Linh tin tưởng rằng dự án vẫn đang trong quá trình xin để bị can kéo dài thời gian trả tiền như đã thoả thuận ban đầu.
CQĐT kết luận, về ý thức: Bị can khai có ý thức lừa dối bà Linh. Tuy nhiên, bị can cho rằng số tiền nhận sau này là không đáng kể và bị can vẫn có trách nhiệm trả lại cho bà Linh.
CQĐT cho rằng thời gian trả hồ sơ chỉ 1 tháng nên chưa đủ chứng minh bị can Thạch Anh phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Linh) nói: “Thực tế, sau khi biết dự án không thực hiện được, bị cáo Thạch Anh còn lấy nhiều tiền và trà khô của bà Linh với lý do “chi xin dự án”. Lời khai của bị cáo Thạch Anh thể hiện, vào ngày 23/6/2016, ông biết dự án không thực hiện được. Nhưng từ 23/6/2016 đến ngày 22/1/2017, ông Thạch Anh yêu cầu bà Linh đưa thêm 27 triệu đồng và hơn 70 kg trà khô. Tất cả những lần lấy tiền sau này, ông Thạch Anh đều khai rằng nhằm lừa dối bà Linh, làm cho bà Linh tin rằng việc xin dự án vẫn đang thực hiện”.
“Những hành vi đó đã đủ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tôi không hiểu tại sao CQĐT lại cho rằng “bị can nghĩ số tiền đó không đáng kể” nên không truy cứu. Theo quy định của pháp luật, bị cáo có ý thức lừa dối và chỉ cần chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng trở lên là đủ khởi tố. Trong vụ này, CQĐT kết luận rất rõ là bị cáo Thạch Anh khai nhận có ý thức lừa bà Linh và đã nhận 10 triệu đồng nhưng lại không xử lý bị cáo Thạch Anh là bỏ lọt tội phạm”, Luật sư Hiệp bày tỏ.
Quan điểm của Luật sư Hiệp ở phiên phúc thẩm lần này là phải huỷ án và đề nghị xử lý Thạch Anh thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bùi Yên (PLVN) 

Có thể bạn quan tâm