Quả cà và những bài thuốc chữa bệnh hay từ cà ít người biết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong quả cà có chất nightshade soda, một chất có tác dụng chống ung thư, ức chế sự tăng sinh khối u trong bộ máy tiêu hoá; do đó có thể có tác dụng điều trị phụ trợ đối với người bị các loại u bướu và ung thư.
Cà tím rất có lợi trong việc điều trị các bệnh tim mạch. Ảnh: Từ Ân
Cà tím rất có lợi trong việc điều trị các bệnh tim mạch. Ảnh: Từ Ân
Vitamin P làm vững chắc thành mạch
Quả cà có tên khoa học Solanum melongema L. Thuộc họ Cà - Solanaceae. Cà có gốc ở Ấn Độ, được nhập trồng vào nước ta từ lâu đời. Trong quá trình trồng trọt và chọn lọc, người ta đã tạo ra nhiều giống cà, phổ biến là cà bát, cà pháo, cà xoan, cà tím, cà dái dê…
Theo bác sĩ Lê Thân, Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Nam, tác giả sách "Thuốc ở quanh ta", tất cả các loại cà ta vẫn thường dùng để nấu hoặc muối ăn như cà pháo, cà tím, cà bát… là nhóm rau quả đứng hàng đầu về hàm lượng vitamin P làm vững chắc thành mạch, chống xuất huyết; vitamin E chống lão hoá.
Đặc biệt, trong cà có chất nightshade soda, một chất có tác dụng chống ung thư, ức chế sự tăng sinh khối u trong bộ máy tiêu hoá; do đó có thể có tác dụng điều trị phụ trợ đối với người bị các loại u bướu và ung thư.
Cà tím rất có lợi trong việc điều trị các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, béo phì (làm thức ăn kiêng trong trường hợp chống béo phì), tiểu đường, gút. Có nghiên cứu cho rằng, ăn cà là biện pháp hàng đầu để giảm cholesterol trong máu.
Ngoài ra, cà tím cũng có tác dụng lợi tiểu, chống phù nề, trừ đàm thấp, hỗ trợ trong điều trị bệnh thận. Các thực nghiệm trên súc vật cho thấy, nước ép cà tím giúp ngăn chặn bệnh động kinh; do đó, người dễ bị kích động tâm thần, nên uống 1 ly nhỏ nước ép cà tím mỗi khi thấy thần kinh căng thẳng.
Cà dái dê làm tăng tiết mật và dịch tụy, giúp tiêu hoá thức ăn. Trị ăn không tiêu, đầy bụng.
Muối cà với mắm là món ăn kết hợp động thực vật, ngon, thơm, béo ngậy và bổ hơn. Cà muối ngâm nước có chanh, giữ được trắng không thâm và nén thật chặt để nhăn nheo phía cuống, cho cảm giác “nhìn đã thấy giòn” khi ăn thì “miệng nhai, tai nghe”.
Các bài thuốc hay từ quả cà
- Tỳ vị kém gây ăn uống khó tiêu, đại tiện phân sống: trái cà tươi 250g nấu lên ăn cùng với một số thực phẩm khác theo thói quen như thịt heo, rau tía tô, hành tỏi, ngò tàu… liên tục trong mấy ngày.
- Đại, tiểu tiện ra máu: Cà pháo già sao vàng, tán mịn, mỗi lần dùng 8g, hòa nước pha giấm loãng để uống, ngày 3 lần. Rễ và cây cà khô 40g, sắc uống.
- Mụn nhọt ung độc: Núm trái cà 7 cái, hà thủ ô lượng tương đương; đổ nước nấu kỹ hai thứ rồi uống.
- Chân tay bị nứt nẻ và giá lạnh: Rễ và cây cà khô, nấu nước ngâm rửa.
- Ho dai dẳng: Cà pháo tươi 30 - 60g nấu chín, cho mật ong vừa đủ nấu lại, ngày ăn 2 lần. Như vậy ho không phải kiêng cà.
- Phụ nữ huyết hư, da vàng: Cà pháo già bổ ra phơi trong bóng râm cho khô, tán mịn, mỗi lần uống 8g với rượu hâm nóng, ngày 2 lần.
- Đau răng, viêm lợi: Trái cà pháo muối lâu năm đốt tồn tính, xát than này vào răng lợi; nếu không có cà lâu năm thì dùng cuống trái cà, đốt tồn tính cũng được.
Các lưu ý khi ăn cà
Cà có tính hàn - thậm chí cực hàn - nên kiêng dùng đối với người hư hàn. Thận trọng khi phối hợp với các thức ăn hàn, nên ăn kèm các gia vị có tính ôn như tỏi, ớt, sả... Người mới đau dậy, suy nhược không nên ăn cà. Đặc biệt cà không nên ăn sống.
Cà - cũng như khoai tây - có solanin là chất độc nên để an toàn hơn nên tránh dùng tươi sống quả xanh non - là lúc cà chứa nhiều solanin.
Ngộ độc solamin chủ yếu gây rối tiêu hóa và thần kinh; triệu chứng bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, đau rút ở dạ dày, khô rát cổ họng, đau đầu…
TƯỜNG MINH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm