Qua 3 "miền núi"!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Ở Kon Tum có 3 “miền núi” rõ rệt, xếp tiếp liền nhau, tạo thành một “bức trường thành xanh” quanh khu vực thành phố Kon Tum và vùng phụ cận. Ấy là “miền núi Kông” ở vùng đồng bào Ba Na (người Ba Na gọi núi là “kông”), “miền núi Chư” ở vùng đồng bào Gia Rai (người Gia Rai gọi núi là “chư”), và “miền núi Ngọc” ở vùng đồng bào Xơ Đăng (người Xơ Đăng gọi núi là “ngok”, chệch âm là “ngọc”). Lấy thành phố Kon Tum làm trung tâm định vị, thấy rõ ràng 3 “miền núi” ấy.

“Miền núi Kông” ở về hướng Đông Bắc, kéo tới Đông Nam. Có thể kể từ ngọn Kông Mỹ (Cuông Mỹ) nơi làng Kon Piêng (Thôn 8), xã Hiếu, huyện Kon Plông) giáp xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Chúng tôi đã đến nơi này. Suối Rơ-pa dưới chân núi là đầu nguồn sông Ba. Kông Mỹ là cách gọi của đồng bào Ba Na nhánh/nhóm Jơ-lâng ở phía Nam và Tây núi, còn đồng bào Mơ-nâm (một nhánh Xơ Đăng) ở phía Bắc núi gọi là Ngọc Rô. Từ đây đổ về Nam (ghi theo sách “Rừng Người Thượng” - Henri Maitre) là những: Kong Ngoi, Kong Suse, Kong Ngut, Kông Chư Răng, Kông Ka King, Kông Chơrah (725m), Kông Basang (1.200m), Kông Hoai (1.100m), Kông Iang, Kông Prong, Kông Hreng (1.200m)… (kể cả “Kông Hoa”- quê hương Anh hùng Núp đã được tiểu thuyết hóa trong truyện “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc). Đến Kông Hreng là hết “miền núi Kông”. Miền núi này hầu hết nằm bên tả ngạn 2 sông Đăk Pne và Đăk Bla, trên địa phận tỉnh Gia Lai (các huyện Kbang, Mang Giang, Đăk Đoa,…) giáp Kon Tum.  Phía Kon Tum, từ xã Đăk Pne đến xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, cũng là đồng bào Ba Na (Jơ Lâng) nhưng rất ít núi cao.

“Miền núi Chư” bắt đầu từ ngọn Kông Hreng - tức Chư Hreng - kể trên. Vì núi này nằm ngay điểm giáp ranh giữa khu vực cư trú tập trung của các nhóm đồng bào Ba Na và Gia Rai nên người Ba Na ở quanh phía Bắc chân núi gọi là Kông Hreng, còn đồng bào Gia Rai ở phía Nam và Tây núi thì gọi Chư Hreng. Từ Chư Hreng bắt về hướng Tây (vùng cư trú tập trung đồng bào Gia Rai) là một loạt “núi Chư”, mà gần Chư Hreng nhất là Chư Thoi và Chư Pao sừng sững hai bên Quốc lộ 14 tại điểm giáp ranh giữa Kon Tum và Gia Lai. Từ đó tiếp đến (vùng các xã Đoàn Kết, Ia Chim… thuộc địa phận thành phố Kon Tum) thì là Chư Nom, Chư Grết… Sang địa phận huyện Sa Thầy (có Vườn quốc gia Chư Mom Ray và vùng đệm) thì là: Chư Cam Lo, Chư Chác, Chư Bốc Đăk, Chư Đơ Ron (1.332m), Chư Tan Kra (1.122m), Chư Ya Krei (1.080m), Chư Ya Pô (1.034m), Chư Đô (1.000m)… Đến Chư Mom Ray cao 1.658m như cắm một dấu mốc điểm cuối “miền núi Chư”. (số liệu lấy theo Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray). Từ đây tiếp qua “miền núi Ngọc”.


 

Núi Chư Hreng. Ảnh: Nguyễn Ban
Núi Chư Hreng. Ảnh: Nguyễn Ban


 

“Miền núi Ngọc” có thể tính từ liền kề về phía Bắc và Tây ngọn Chư Mom Ray, bởi nơi đây bắt đầu đã là các thôn, làng của các nhóm/nhánh dân tộc Xơ Đăng cư trú (Hà Lăng, Ka Dong, Mơ Nâm,…). Và cũng từ đây, ôm vòng hết mạn Tây, qua mạn Bắc, đến Đông Bắc (bao gồm các huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Kon Plông, Kon Rấy) là cả một “vương quốc” của “miền núi Ngọc”. Không thể nào điểm danh được hết hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ đều mang “họ Ngọc” ở đây, chỉ có thể kể lướt qua: Ngọc Lan Drong (1.571m), Ngọc Tơ Lum (1.302m), Ngọc Vin (1.027m), Ngọc Boum (952m), Ngọc Tô Ba (867m), Ngọc Bờ Biêng, Ngọc Hồi (Ngọc Wang Rơ Hôi), Ngọc Tụ, Ngọc Bay, Ngọc Teng Giang (Đồi 910), Ngọc Teng Bu, Ngọc Teng Oi, Ngọc Linh (2958m), Ngọc Rêu, Ngọc Haye, Ngọc Đõ, Ngọc Săng, Ngọc Yang, Ngọc Yương, Ngọc Nhoong Hu, Ngọc Lây, Ngọc Pằng (nơi năm 1969 du kích Đăk Sao bắn rơi máy bay tiêm kích Mỹ), Ngọc Wăng Puốc (eo núi ranh giới 2 huyện Đăk Glei - Tu Mơ Rông), Ngọc Roàng (nơi có Di tích lịch sử Khu Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum thời đánh Mỹ), Ngọc Kơ Ang (nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ Nhất, ngày 09/3/1960), Ngọc Wương (nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ Hai, tháng 10/1965), Ngọc Chao Chang, Ngọc Kô Chi, Ngọc Krúi, Ngọc Broong, Ngọc Yêu, Ngọc K’đõ, Ngọc Mên (ranh giới tự nhiên giữa xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, Quảng Nam với xã Măng Bút, huyện Kon Plông, Kon Tum), Ngọc Réo, Ngọc Bờ Dềnh, Ngọc Wang (tức “Đồi Anh Trỗi”, nơi đầu năm 1968 diễn ra lễ truy điệu Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi), Ngọc K’rin, Ngọc Chô, Ngọc Tem, Ngọc Lu… Đến Ngọc Rô, tức Kông Mỹ, chấm dứt “miền núi Ngọc”, khép lại vòng núi non trùng điệp Kon Tum. (Ở khu vực Đăk Glei, đồng bào Giẻ gọi núi là “Pêng”, nhưng chỉ cá biệt một vài ngọn, không phổ biến).

Tưởng tượng, ngắm thẳng từ đỉnh Chư Mom Ray ở Tây Nam đến đỉnh Kông Mỹ ở Đông Bắc, sẽ chia Kon Tum thành hai phần Nam, Bắc. Phần Nam Kon Tum nhỏ hơn với “miền núi Kông” (Đông Nam) và “miền núi Chư” (Tây Nam). Còn lại toàn bộ phần Bắc Kon Tum rộng lớn bao la từ Tây Nam vòng sang Đông Bắc đều là “miền núi Ngọc”. Khu vực thành phố Kon Tum (và vùng phụ cận) do ở vào vùng lõm thung lũng sông Đăk Bla nên ít có núi cao được gọi thành tên, ngoài Kông Hreng/Chư Hreng như đã nói.

Mỗi ngọn núi, dòng sông ở đây đều có những câu chuyện kể (cả huyền tích lẫn lịch sử) chưa thể dẫn hết ra đây. Đó chính là điều kỳ thú của miền “Non Nước Kon Tum” vừa hùng vĩ, bí ẩn, vừa hữu tình, hào tráng, đang đợi mọi người khám phá!

Theo Tạ Văn Sỹ (baokontum)

Có thể bạn quan tâm