Dẫu khó khăn, mẹ vẫn nở nụ cười

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bao mất mát và biến cố cuộc đời có lúc khiến mẹ Ngô Thị Quýt se thắt cõi lòng trong những tháng năm dài thời chiến tranh. 

Ở tuổi 97, Mẹ VN anh hùng Ngô Thị Quýt thanh thản sống với niềm vui may vá mỗi ngày ẢNH: BÍCH NGÂN
Ở tuổi 97, Mẹ VN anh hùng Ngô Thị Quýt thanh thản sống với niềm vui may vá mỗi ngày ẢNH: BÍCH NGÂN

Nhưng vượt qua tất cả, mẹ vẫn mỗi ngày nở nụ cười hiền hòa, sống thương yêu bằng tấm lòng nhân hậu...

Trong số 300 đại biểu Mẹ Việt Nam anh hùng trên cả nước được Bộ LĐ-TB-XH chủ trì mời về Hà Nội từ ngày 23 - 25.7 dự lễ gặp mặt nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2020), có mẹ Ngô Thị Quýt. Ở tuổi 97, mẹ Quýt vẫn tự mình đi lại trong chuyến đi hết sức đặc biệt này.
“Đốn tim” cộng đồng mạng
Hồi tháng 3.2020, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và cả nước có những lúc rơi vào tình cảnh thiếu hụt khẩu trang, trên mạng xã hội (MXH) bất ngờ xuất hiện một hình ảnh “gây bão”: Một bà mẹ già, tóc bạc trắng… ung dung cắt vải và đạp máy may để may những chiếc khẩu trang vải tặng người nghèo. Người đó chính là mẹ Quýt. Hình ảnh ấy lập tức được hàng chục ngàn lượt yêu thích và chia sẻ; với những dòng bình luận như “thật tuyệt quá bà ơi, chúc bà luôn vui khỏe”, hay “kính chúc mẹ luôn có nhiều sức khỏe, một tấm lòng trung thành và yêu thương đất nước không hề nhạt phai, xin khâm phục người”... Sau khi báo chí kiểm chứng và kịp thời thông tin, cơn lốc “thả tim” càng lan rộng hơn nữa khi biết rõ mẹ Quýt tỉ mẩn may từng chiếc khẩu trang là “chuyện thường ngày” của mẹ trong cơn đại dịch.

Thời chiến tranh và hồi trước khó khăn lắm mà nhiều người đâu có nghĩ sống cho riêng mình. Toàn nghĩ cho người khác không à! Nhà mẹ không giàu nhưng cũng không đói nên giúp được ai thì gắng giúp vậy thôi

Mẹ VN anh hùng Ngô Thị Quýt
Người đưa tấm ảnh đầu tiên “gây bão” về mẹ Quýt là chị Trần Thụy Trúc Sơn, 29 tuổi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ P.5, Q.Gò Vấp (TP.HCM). Khi đó, giữa lúc thiếu hụt khẩu trang, Hội Liên hiệp Phụ nữ P.5 tổ chức vận động, may khẩu trang vải để dành tặng người nghèo. Hay tin, mẹ Quýt tự nguyện xin nhận vải về và tự mình cắt may ở nhà, ngày khỏe mẹ có thể may được 70 cái. Chiếc bàn máy may của mẹ Quýt là loại truyền thống (không có motor điện), phải đạp, thậm chí phần xâu chỉ vào mũi kim máy may, mẹ cũng tự mình làm, không nhờ cậy ai; dẫu mẹ bị mờ hẳn một bên mắt vì những năm tháng tù đày thời chiến tranh.
Nhắc lại chuyện cảm động này, ông Võ Quang Thủy (57 tuổi, con trai mẹ Quýt) nhớ lại: “Hôm ấy có đứa cháu ở bên Nhật gọi về, bảo bà nội mình “nổi” quá! Thoạt đầu tôi cũng khá bất ngờ. Khi mở mạng xem mới hay. Sau đó cả nhà “mệt” luôn vì nhiều báo, đài tìm đến xin ghi hình, có hôm đến dồn dập quá, phường phải tìm cách hoãn binh để giãn bớt vì lúc đó còn dịch Covid-19 và cũng để mẹ có thời gian nghỉ ngơi”.
Theo lời kể của ông Thủy, mẹ Quýt rất thích may vá. Nhiều lúc ông dậy tầm 4 - 5 giờ sáng tập thể dục, đã thấy mẹ cặm cụi bên bàn máy may rồi. “Thấy tuổi mẹ đã cao, con cháu hay năn nỉ mẹ lo nghỉ ngơi, nhưng mẹ nhất quyết không chịu. Mẹ cứ bảo mẹ già rồi, làm được gì thì làm, giúp được ai thì giúp. Thấy niềm vui của mẹ là vậy, con cháu chỉ biết nghe theo”, ông Thủy kể.
Trước hôm đáp chuyến bay ra Hà Nội, mẹ Quýt vẫn còn cặm cụi may vá. Hỏi mẹ sao không dành sức để đi dự lễ kỷ niệm, mẹ bảo: “Có sao đâu con, mẹ may vậy mẹ mới được khỏe!”.
Mẹ sẻ chia không chút đắn đo
Thật ra mẹ Quýt gắn bó với nghề may từ mấy mươi năm trước, dẫu cuộc đời nổi trôi với nhiều sóng gió. Quê nhà ở Thừa Thiên-Huế, mẹ Quýt đã dành cả tuổi thanh xuân sống vì lý tưởng cách mạng. Chồng của mẹ, liệt sĩ Hồ Văn Dư, hy sinh năm 1947. Con trai đầu của mẹ Quýt sinh hạ trong chốn lao tù, là liệt sĩ Hồ Chí Thanh hy sinh năm 1968. Bản thân mẹ nhiều lần bị địch giam cầm, đày ra tận nhà tù Côn Đảo. Mãi đến năm 1954 thực thi Hiệp định Genève, mẹ mới được trả tự do và đi tập kết ra Bắc.

“Tình thương đem về muôn nơi”

Theo giấy tờ tùy thân được làm lại sau này, mẹ Ngô Thị Quýt 95 tuổi nhưng ông Thủy cho hay tuổi thật của mẹ đã 97. Bây giờ mẹ vẫn tự đạp máy may, tự xâu chỉ may nhưng mỗi ngày chủ yếu chỉ ăn được cháo và uống sữa. Vượt qua được bao lần sinh tử, tù đày khốc liệt thời chiến tranh, nhưng vào những năm thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, mẹ Quýt “không biết “đi” lúc nào” vì hay đau ốm, đặc biệt là hay bị đau đầu. Cơ duyên là lúc đó mẹ Quýt tình cờ kết nối lại được một người bạn tù Côn Đảo. Người bạn thân thiết này có con làm bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 175, đã khám và điều trị cho mẹ khỏe lại để “sống” với nghề may vá đến tận bây giờ, vui vầy cùng 14 người cháu và hơn 10 người chắt, trong đó đã có nhiều người trưởng thành.

“Tình thương đem về muôn nơi”. Tôi lại nhớ đến câu hát trong bài Việt Nam! Việt Nam! của cố nhạc sĩ Phạm Duy, khi nghe kể về Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt...

Ở Nông trường Lam Sơn (Thanh Hóa) trong suốt những năm chiến tranh, mẹ Quýt với khả năng may vá đã trở thành “ngôi sao”. Thời đó, điều kiện thiếu thốn nhiều bề nên khả năng may vá của mẹ Quýt được phát huy, giúp ích cho nhiều gia đình ở nông trường ngày ngày phải lo canh tác nông nghiệp… Cuộc sống mới trong thời gian tập kết trên đất Bắc, gia đình mẹ Quýt có thêm 3 người con trai và 1 người con gái. Riêng người con gái duy nhất khi mới lên 7 tuổi đã không may qua đời vì bom đạn chiến tranh. Mãi đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất vào năm 1975, gia đình mẹ Quýt cùng 5 người con trai mới trở lại miền Nam, đến Q.Gò Vấp ở. Khi ấy, nơi mẹ mới đến ở đa phần là đồi đất hoang vắng, nay xung quanh đều đã đông đúc nhà cửa. Giờ đi vô nhà mẹ Quýt thuộc khu phố 6, P.5 (Q.Gò Vấp) phải qua đến 3 - 4 con hẻm nhỏ.
Ngôi nhà mẹ Quýt đang ở có phần không gian cạnh phòng khách để đặt bàn máy may. Đó là nơi mẹ “sống” với nghề may vá mỗi ngày. Bàn máy may ấy, theo lời kể của ông Thủy “là cái thứ mấy con cháu cũng không nhớ nữa”. Mấy năm trước, cứ nghĩ mẹ đã già không đủ sức may vá, người con trai của mẹ ở Đà Nẵng vào xin mang ra để làm kỷ niệm. “Tưởng rằng mẹ sẽ “quên nghề”, không ngờ mẹ vẫn cứ nhớ. Vậy là lại trang bị máy may cho mẹ. Cũng có những lần mẹ cho hàng xóm lấy máy may về, nhưng rồi vài bữa sau ở không lại thấy buồn, lại bảo con cháu đi lấy về may”, ông Thủy chia sẻ.
Khi ở Gò Vấp, nghề may cũng “vận” vào cuộc sống hằng ngày của mẹ Quýt. Mẹ sống với nghề cũng rất đặc biệt: đi xin vải về may chăn màn để dành tặng người nghèo, đến nay thấm thoát đã khoảng 30 năm. Hồi còn sức khỏe, may xong mẹ Quýt tự mang đi tặng. Nay sức không có nhiều, khi may có thành phẩm, mẹ gọi điện cho hội phụ nữ phường xuống nhận để trao tặng trong các đợt công tác từ thiện - xã hội.
Khi tiếp xúc với những bậc cao niên trong khu phố nơi mẹ Quýt ở, nhiều người vui vẻ bảo rằng, mẹ Quýt cả đời nhân hậu, bao dung, hiền hòa với mọi người nên nhiều năng lượng tích cực để sống thọ. Mẹ đã để lại những nụ cười bằng tình tương thân tương ái với thân thuộc, xóm làng. Cuộc sống trước đây lắm khó khăn nhưng mẹ có chút gì cũng hào phóng với mọi người. Nhà có gì chia sẻ được, mẹ đều chia sẻ không chút đắn đo. Ai cho đùm trái cây, mẹ cũng mang cho mỗi nhà một ít…
Đặc biệt hơn, mấy chục năm trước khi còn đất đai, thấy có gia đình người hàng xóm đi kinh tế mới về, khó khăn về nơi ở, mẹ Quýt cho đất làm nhà, cũng không chút đắn đo. Khoảnh đất sau đó được người này bán lại cho 4 người khác làm nhà ở. Nhắc lại những tình cảm xóm làng với mẹ Quýt, mẹ lại móm mém cười hiền từ: “Thời chiến tranh và hồi trước khó khăn lắm mà nhiều người đâu có nghĩ sống cho riêng mình. Toàn nghĩ cho người khác không à! Nhà mẹ không giàu nhưng cũng không đói nên giúp được ai thì gắng giúp vậy thôi”.
Theo Đình Phú (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.