Thăng trầm ngành cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

* Kỳ 1: Từ “chiếc nôi” 331

(GLO)- Ở  2 tỉnh Bắc Tây Nguyên (Gia Lai và Kon Tum), gần nửa thế kỷ qua, cà phê đã trở thành “cây xóa đói giảm nghèo”, là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực nuôi sống hàng vạn con người. Tất nhiên không có thành quả nào tự nhiên đến và cũng không thành quả nào chỉ vươn thẳng một chiều. Lịch sử phát triển cây cà phê trên vùng đất này cũng đã trải qua không ít thăng trầm. Và cho đến hôm nay, những dấu hỏi lớn cho ngành sản xuất cà phê nơi đây vẫn đang chờ lời giải.
Những ngày đầu giải phóng, cái tên “Đoàn 331” đã trở nên thân quen với hầu hết người dân trên địa bàn Bắc Tây Nguyên. Hàng vạn người lính quân phục còn vương mùi khói đạn đã lại bắt tay vào cuộc chiến mới. Qua bao khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua của những năm tháng đất nước mới ra khỏi chiến tranh; qua bao sự dịch chuyển đầy trắc trở của cơ chế bao cấp, bàn tay quả cảm của người lính đã biến bao vùng đất chìm trong đạn bom, chất độc hóa học hồi sinh, tạo tiền đề cho vùng đất vô danh trở thành một trong những vùng chuyên canh cà phê trọng điểm trên bản đồ Tổ quốc.
Dọc Đức Cơ đến Plei Kần
Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, thế và lực của ta trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên đã trở nên vững chắc. Tuy nhiên, ở một số nơi, cuộc chiến vẫn trong tình thế giằng co ác liệt. Nhằm “xây dựng một hậu phương chiến lược giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, sẵn sàng đánh lâu dài và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, quyết tâm giải phóng miền Nam khi thời cơ và vận hội đến”, tháng 7-1973, Đoàn 773 được thành lập, trực thuộc sự lãnh đạo của Khu ủy Khu 5. Sau đó một thời gian, trước yêu cầu của tình hình mới, 5 đoàn kinh tế (tương đương cấp trung đoàn) được thành lập gồm 731, 732, 733, 734 và 331. Nhiệm vụ của các đoàn là sản xuất lương thực, thực phẩm, sẵn sàng chi viện cho các đơn vị tiền phương…
Tháng 12-1976, theo quyết định của Bộ Quốc phòng, Đoàn 331 tách khỏi Đoàn 773 với nhiệm vụ: xây dựng vùng chuyên canh cây lương thực, thực phẩm ở Đak Uy-Võ Định (nay thuộc huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum), chuẩn bị cơ sở vật chất để trồng cây công nghiệp dài ngày trên các khu vực Đức Cơ, Lệ Thanh, La Sơn của tỉnh Gia Lai… Quân số lúc mới thành lập của Đoàn 331 lên tới trên 16.000 người với 18 đầu mối trực thuộc. Một vùng đất đai mênh mông trên địa bàn Gia Lai bây giờ là nơi đứng chân của các công ty thuộc Binh đoàn 15, các công ty cà phê thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Công ty chè Biển Hồ…; tại Kon Tum là 4 công ty cà phê Đak Uy và một số nông trường trồng lúa ngày ấy đều là “lãnh địa” của Đoàn 331. Ông Trần Quang Hùng-nguyên chiến sĩ Đoàn 331-nhớ lại: “Nhằm chuẩn bị tiền đề cho việc trồng cây công nghiệp, chúng tôi được giao nhiệm vụ sản xuất lương thực. Để có đất, lính ta được lệnh phá bỏ một số diện tích cao su thời “dinh điền”. Mỗi người được giao khoán đào 3 gốc/ngày. Tiếng là “sản xuất lương thực” nhưng kỳ thực chỉ có củ mì. Mà củ mì cũng đâu có đủ để ăn no. Đói vàng cả mắt…”.
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm cán bộ, chiến sĩ Đoàn 331 năm 1977. Ảnh: TƯ LIỆU
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm cán bộ, chiến sĩ Đoàn 331 năm 1977. Ảnh: TƯ LIỆU
Thực tình trong cơ chế bao cấp, làm ăn kiểu “nước sông công lính”, nếu hạch toán như bây giờ chắc hiệu quả kinh tế không cao. Nhưng dù sao Đoàn 331 cũng đã tạo dựng được một nền tảng cơ sở vật chất rất đáng quý với hàng ngàn héc ta ruộng nước, hàng trăm cây số đường giao thông, hàng chục hồ đập thủy lợi lớn nhỏ. Đặc biệt, Đoàn đã xây dựng thành công đập Đak Uy-công trình thủy lợi lớn nhất Tây Nguyên bấy giờ với sức tưới 2.500 ha, tạo tiền đề cho việc hình thành các vùng trọng điểm cà phê về sau.
Năm 1980, một sự kiện có tính lịch sử đã diễn ra đối với ngành cà phê Tây Nguyên nói chung và Bắc Tây Nguyên nói riêng: Chính phủ chủ trương hợp tác với 4 nước xã hội chủ nghĩa gồm Liên Xô, Tiệp Khắc, Bulgaria và Ba Lan trồng cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Để triển khai chủ trương này, Bộ Nông nghiệp đã thành lập Liên hiệp các xí nghiệp Cà phê Việt-Xô, Việt-Tiệp đứng chân tại Đak Lak. Riêng Liên hiệp các xí nghiệp cà phê Việt-Bul 331 đứng chân tại Gia Lai-Kon Tum. Sau khi tổ chức lại bộ máy và mô hình hoạt động, bàn giao các đơn vị 702 A, 702 B, 703, 732 và một số cơ sở sản xuất khác về Tổng cục Cao su, Quân khu 5… đến cuối năm 1988, Xí nghiệp liên hiệp Cà phê 331 có 11 nông trường chuyên canh cà phê. Bắt đầu từ đây, cây cà phê mới thực sự có chỗ đứng chính thức trên đất Bắc Tây Nguyên, đưa miền đất bao năm nhuần trong nắng gió, đạn bom lật sang trang mới.
Những hy sinh thầm lặng
Đã 2 đời cây nối nhau trên triền đất đỏ nhưng kỷ niệm về những ngày mở đất gian khổ dường như vẫn còn tươi ròng trong ký ức ông Trần Duy Lành-nguyên Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 701, Đoàn 331: “Ngày ấy, để có đất trồng cà phê, chúng tôi phải rà phá bom mìn. Công việc chết người này được tiến hành rất mạo hiểm: dùng máy ủi DT75 chà qua những thửa đất được xác định phải rà phá. Xác định có thể hy sinh, đơn vị lấy tinh thần tự nguyện. Giữa thời bình, sự sống đáng quý biết bao, vậy mà không ít anh em xung phong, lại bình thản dự lễ truy điệu sống cho mình. Chỉ để có 5 ha đất khu vực cống Ba Lỗ và địa điểm UBND thị trấn Đak Hà bây giờ, 3 chiếc máy DT75 đã trúng mìn khiến 2 đồng chí bị thương.
Đấy là những hy sinh hiện hữu. Còn bao sự hy sinh thầm lặng, khuất lấp thì ai kể hết thành lời. Địa bàn đứng chân của các nông trường đều là rừng, xa cách dân cư. Ẩn chứa trong lòng đất là những bom mìn, chất độc khai quang. Bối cảnh kinh tế bấy giờ là những năm “cải cách giá-lương-tiền”, lạm phát phi mã, tiêu chuẩn lương thực mỗi công nhân chỉ 15 kg gạo/tháng nhưng 10 ngày mới được cấp một lần. Thực phẩm chỉ rặt một thứ cá chuồn khô ướp muối cứng như đá… Công việc nặng nhọc, ăn uống kham khổ, đất chưa bén hơi người thì sốt rét đã nổi lên hoành hành. Vào bệnh xá nông trường nào, ấn tượng đập vào mắt cũng là những thân hình co rúm, run lẩy bẩy nằm la liệt. Không ít người chuyển sang sốt ác tính mà không phương cứu chữa. Ông Đoàn Triệu Nhạn, bấy giờ là Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp cà phê hồi tưởng: “Nhớ một buổi chiều năm xưa, tôi cùng anh Trần Khải-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước đứng ở cổng Nông trường Ia Grai. Từ Nông trường đi ra, trước mặt chúng tôi là hàng chục chiếc cáng đưa anh chị em công nhân sốt rét đi bệnh viện. Cảnh thật buồn và gợi cho chúng tôi bao suy nghĩ…”.
Không chỉ sốt rét, ở một số nông trường, công nhân nữ còn mắc một chứng bệnh mà người ta gọi là “rối loạn công năng”. Đang bình thường, thốt nhiên phá lên cười điên dại rồi chạy lung tung như người mất trí. Có người đang đêm leo tuốt lên ngọn cây cười man dại. Giữa rừng núi mịt mùng, tiếng cười nghe buốt lạnh cả sống lưng…
Cho đến nay hình như vẫn chưa ai thống kê số cán bộ, công nhân Đoàn 331 đã nằm xuống vì sự nghiệp phát triển ngành cà phê buổi ấy. Song, chỉ một đoạn hồi ức của ông Đoàn Triệu Nhạn sau đây có lẽ cũng đủ phần nào ấn tượng: “Đã có lần lên thăm Nông trường Chư Nghé ở khá xa huyện, tôi rủ Đại tá Lương đi viếng nghĩa trang Nông trường. Ra đi đốt một bó hương rõ to để thắp lên mộ các chiến sĩ, công nhân đã mất trên mảnh đất này vì ốm đau, sốt rét và cả vì bọn phản động FULRO. Đi hết một lượt, bó hương không đủ thắp cho mỗi ngôi một nén. Trở về Nông trường mà lòng buồn rười rượi…”. 
 NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.