Nhà sáng chế "chân đất" ở Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ mới tốt nghiệp THPT và chưa qua lớp đào tạo kỹ thuật nào nhưng anh Bùi Văn Hướng (SN 1983, trú tổ 10, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã chế tạo thành công băng tải đưa những bao mì từ dưới đất lên xe tải một cách tiện lợi, giúp nông dân bớt vất vả mỗi khi vào vụ thu hoạch.
Sinh ra trong gia đình thuần nông, từ nhỏ anh Hướng đã nếm trải bao nỗi vất vả, nhọc nhằn trên nương rẫy. Chứng kiến cảnh cha mẹ và bà con nông dân oằn mình vác từng bao mì nặng trịch đưa lên xe tải, anh Hướng nung nấu ý định chế tạo băng tải đưa mì lên xe để giải phóng sức lao động. Từ tháng 4-2020, anh bắt tay vào làm. Sau hơn 3 tháng mày mò, nghiên cứu với rất nhiều lần thử nghiệm và chỉnh sửa, cuối cùng băng tải đã được chế tạo thành công và đưa vào sử dụng.
Theo “kỹ sư chân đất” này, gia đình anh bao đời nay gắn bó với cây mì, mọi công đoạn từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch bán cho thương lái chủ yếu dựa vào sức người là chính. Khi thu hoạch, 15-20 nam giới khỏe mạnh phải mất gần 3 tiếng đồng hồ mới bốc đầy xe tải mì chừng 10 tấn.
“Nhưng sử dụng băng tải này rất tiện vì phụ nữ, người già cũng có thể đưa mì lên xe được, chỉ cần 3-5 người và mất khoảng 30 phút là chất đầy xe. Nếu bà con có nhu cầu mua băng tải thì tôi sẵn sàng đáp ứng, chỉ cần 1 tuần là hoàn thành 1 sản phẩm, chi phí khoảng 5-7 triệu đồng”-anh Hướng thông tin.
Anh Bùi Văn Hướng với chiếc băng tải do anh sáng chế, giúp nông dân đỡ vất vả mỗi khi vào vụ thu hoạch mì. Ảnh: MINH TRIỀU
Anh Bùi Văn Hướng với chiếc băng tải tự sáng chế giúp nông dân đỡ vất vả mỗi khi vào vụ thu hoạch mì. Ảnh: MINH TRIỀU
Theo quan sát, băng chuyền được thiết kế theo hình dáng nửa ống trục, chiều dài 3 m và được vận hành bằng máy nổ kết nối với hệ thống dây xích chuyển động tuần hoàn liên tục. Trên phần xích thiết kế một số giá đỡ để đặt những rổ mì lên và được giữ ổn định bởi thành ống trục hai bên. Chỉ cần đặt rổ mì lên giá đỡ, băng chuyền sẽ đưa thẳng lên thùng xe và đổ mì xuống, người đứng trên xe chỉ việc nhặt rổ ném lại xuống đất.
“Sản phẩm này chủ yếu phục vụ cho gia đình và bà con trong vùng nên tôi không đặt nặng vấn đề bản quyền. Thấy sản phẩm mình làm ra được bà con đón nhận là tôi vui lắm rồi”-anh Hướng phấn khởi nói.
Đồng hành với anh Hướng từ lúc hình thành ý tưởng cho đến khi chế tạo thành công băng tải này, ông Đàm Xuân Hiến-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ 10 (thị trấn Phú Túc) không khỏi thán phục trước sự kiên trì, tìm tòi của anh Hướng.
“Sáng chế của anh Hướng không những mang lại hiệu quả thực tiễn cao, góp phần tăng năng suất lao động của bà con mà còn chuyển đổi phương pháp sản xuất thủ công truyền thống sang áp dụng thiết bị máy móc hiện đại. Sử dụng băng tải này bà con không còn phải vất vả vác từng bao mì chất lên xe tải giữa thời tiết nắng nóng, lại giảm bớt công lao động và chi phí thuê nhân công”-ông Hiến nhìn nhận.
Đánh giá cao sáng kiến trên, bà Đỗ Thị Minh Tuyến-Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Túc-khẳng định: “Chúng tôi đang có kế hoạch hỗ trợ quảng bá, tạo điều kiện để người dân trên địa bàn tiếp cận với sáng chế này nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất”.
MINH TRIỀU 

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.