Người đưa tượng gỗ dân gian Gia Lai... xuất ngoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi tượng gỗ dân gian ngày càng vắng bóng ở các buôn làng thì anh Rơ Châm Jêh (làng Amo, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, Gia Lai) không chỉ nỗ lực gìn giữ mà còn góp phần giới thiệu nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình đến đông đảo bạn bè quốc tế.
Đôi tay tài hoa 
Khi còn nhỏ, Rơ Châm Jêh thường đi theo người lớn xem tạc tượng nhà mồ mỗi khi trong làng có lễ bỏ mả. Từng cách đẽo gọt khéo léo được thực hiện qua những đôi tay tài hoa cứ thế in sâu vào trí nhớ của Jêh. Lên 17 tuổi, Jêh bắt đầu thả trí tưởng tượng của mình lên những khúc gỗ. “Nhìn người lớn làm mình nhớ lại và làm theo. Không có ai chỉ dạy cả. Tất cả phụ thuộc vào trí tưởng tượng và đôi tay dùng rìu, rựa sao cho thật nhuần nhuyễn”-anh Jêh chia sẻ. Ban đầu, anh tập tạc tượng các con vật quen thuộc như chim chóc, chó mèo, các con thú trong rừng. Sau khi thành thạo, anh tiếp tục tạc tượng mô phỏng các sinh hoạt của con người trên những khúc gỗ lớn hơn. Anh Jêh nói: “Tạc tượng thú khó nhất là đôi mắt, tạc tượng người khó nhất là biểu cảm khuôn mặt. Khúc gỗ càng nhỏ thì tạc càng khó bởi đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo nhiều hơn”. 
  Anh Rơ Châm Jêh.    Ảnh: P.L
Anh Rơ Châm Jêh. Ảnh: P.L
Thế rồi, bằng đôi tay tài hoa và trí tưởng tượng phong phú, anh Jêh được người làng tin tưởng, nhờ đi tạc tượng nhà mồ mỗi khi có lễ bỏ mả. Chị Kôn (làng Amo) chia sẻ: “Anh Rơ Châm Jêh tạc tượng giỏi lắm. Nhà ai trong làng bỏ mả cũng kêu anh đến tạc tượng cho đấy”. Thời gian trôi qua, gỗ trên rừng cạn kiệt, các lễ pơthi cũng thưa vắng dần nên anh Jêh không còn nhiều cơ hội để tạc tượng nữa. Chỉ một vài dịp, trong các ngày hội văn hóa các dân tộc hay hội thi văn hóa do xã hoặc huyện tổ chức, anh mới có dịp trổ tài. Không còn gỗ cà chít, anh Jêh đành dùng gỗ mít, gỗ gòn, cao su hay những gốc cà phê xù xì. Vẫn bằng những chiếc rìu, rựa thô sơ, anh biến chúng thành những tác phẩm điêu khắc đầy nghệ thuật.
Giới thiệu tượng gỗ với bạn bè quốc tế
Với tài năng của mình, anh Jêh là nghệ sĩ dân gian cộng tác với dự án “Giọt sương Jrai” của nhóm Art Labor do những nghệ sĩ người Việt sáng lập. Tham gia dự án này, anh Jêh có cơ hội biểu diễn kỹ thuật tạc tượng trước đông đảo người yêu nghệ thuật điêu khắc quốc tế, đồng thời có triển lãm tượng gỗ ngay trên chính ngôi làng mà mình lớn lên. Không chỉ vậy, anh Jêh còn có dịp cùng hơn 30 bức tượng gỗ của mình theo dự án “Giọt sương Jrai” tham gia triển lãm “2017 Asian Art Biennial” diễn ra từ ngày 30-9-2017 đến 25-2-2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Đài Loan. Tại đây, giữa các tác phẩm nghệ thuật đương đại từ nhiều quốc gia, những bức tượng gỗ mộc mạc nhưng đầy chất nghệ thuật của tác giả Rơ Châm Jêh thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách tham quan. “Nhờ tượng gỗ mà mình được tham gia triển lãm ở nước ngoài. Mình cũng rất tự hào khi giới thiệu được nghệ thuật dân gian của người Jrai mình đến với khách quốc tế”-anh Jêh tâm sự. Cuối năm 2018, anh Jêh sẽ tiếp tục đồng hành cùng dự án “Giọt sương Jrai” đi Singapore để giới thiệu tượng gỗ Jrai. Lần này, anh không đem theo tượng mà chỉ giới thiệu bằng những cuốn phim mà dự án đã thực hiện trong suốt thời gian qua. 
Điều khiến anh Jêh trăn trở chính là không còn nhiều người trẻ trong làng muốn tạc tượng gỗ nữa. “Mình sẵn sàng dạy nhưng trong làng chẳng có ai muốn học nữa. Dù vậy, bản thân mình vẫn sẽ tạc tượng, vẫn cố gắng để giữ gìn văn hóa Jrai cho con cháu sau này”-anh Jêh bộc bạch. 
Trao đổi với P.V, chị Kpuih HRing-cán bộ văn hóa xã Bờ Ngoong-nhận xét: “Anh Jêh là một trong những nghệ nhân tạc tượng hiếm hoi của xã. Anh tham gia rất nhiệt tình các hội thi về văn hóa dân tộc do các cấp tổ chức và thường đem giải về cho đội nhà. Trong lúc tượng gỗ dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một thì tình yêu của anh Jêh dành cho nghệ thuật này vẫn cháy bỏng. Thật đáng quý và đáng khâm phục”.
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.