Nguyễn Lê Gin: Duyên nghiệp với hoa mai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày giáp Tết luôn là thời điểm hết sức bận rộn đối với anh Nguyễn Lê Gin (SN 1991, thôn An Xuân 3, xã Xuân An, thị xã An Khê). Bởi lẽ, với một người trồng mai như anh, đây là giai đoạn hết sức quan trọng trong việc chăm sóc để cây ra hoa đúng dịp Tết.

Ngồi trò chuyện, Gin kể, anh sinh ra và lớn lên tại xã Xuân An. Cũng như bao bạn bè, khi tốt nghiệp THPT, Gin muốn tìm cho mình một nghề nghiệp ổn định. Khi ấy đang có đợt tuyển thợ cơ khí đi xuất khẩu lao động nước ngoài, Gin liền nộp đơn theo học chuyên ngành cơ khí của Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau 3 năm học, do có sự trục trặc trong tuyển sinh nên Gin đành dang dở giấc mơ đi xuất khẩu lao động.

 

Anh Nguyễn Lê Gin. Ảnh: H.Đ.T
Anh Nguyễn Lê Gin. Ảnh: H.Đ.T

Trở về nhà, Gin nộp đơn xin vào làm ở bộ phận lò hơi của Nhà máy Đường An Khê. Làm ở đây được 1 năm, cảm thấy vất vả mà lương thấp, Gin quyết định nghỉ để tiếp tục ôn thi đại học. Mẹ Gin lúc ấy làm ngành dược và mong muốn con theo nghề. Sau một thời gian khăn gói xuống Quy Nhơn ôn luyện, sắp đến ngày thi thì bất ngờ Gin bị tai nạn phải cưa cả bàn chân. Vậy là giấc mơ đại học  cũng tan biến.

Suy sụp là cảm giác của anh trong những ngày tồi tệ ấy. Thấy vậy, mẹ Gin mở một quầy dược để anh bán. Phụ giúp mẹ bán thuốc Tây được 2 năm, Gin suy nghĩ mình cần phải kiếm một nghề gì đó khác, chứ suốt ngày ở nhà như thế này thì buồn lắm. Lúc ấy, ba của Gin hay đi Bình Định mua mai về chăm và bán trong dịp Tết. Gin suy nghĩ tại sao mình không theo nghề của ba. Nghĩ là làm, Gin xin phép ba mẹ cho mình chuyển qua kinh doanh mai cảnh. Thấy con trai quyết tâm, ba mẹ Gin liền đồng ý. Sau đó, Gin khăn gói xuống Bình Định gặp gỡ các nghệ nhân trồng mai để học hỏi kinh nghiệm rồi mua vài trăm chậu về chăm. Những năm đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, thời tiết lại diễn biến thất thường nên mai khi nở sớm, lúc nở muộn không bán được, đành để ở vườn nhà chăm sóc tiếp cho năm sau.

Càng làm, Gin càng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, những vụ sau, vườn mai của anh luôn nở đúng dịp Tết, bán được giá. Anh chia sẻ, mỗi chậu mai tùy vào thế và tuổi cây mà giá bán khác nhau, rẻ thì 400-500 ngàn đồng/chậu, đẹp và lâu năm có giá lên đến 5 triệu đồng/chậu. Hiện nay, vườn mai nhà anh có khoảng 1.000 chậu. Mỗi cây mai từ khi mua về chăm sóc đến lúc bán lãi khoảng  50%. Gin cho biết, qua Rằm tháng Giêng, anh bắt đầu về các vườn mai ở Bình Định thu mua mai Tết đưa về vườn nhà chăm sóc. Muốn cây có thế đẹp phải dùng kẽm tạo dáng cong từ các cành. Từ tháng 7 Âm lịch, không nên tỉa cành nếu không mai sẽ mất sức, không ra hoa. Nếu mai trồng trong chậu, mỗi năm nên thay đất một lần. Tùy vào vụ mùa cũng như thời tiết mà mai sẽ được bón phân, lặt lá cho phù hợp.

Theo Gin, người chơi cây kiểng hiện rất chuộng kiểu bonsai vừa đẹp, nhỏ gọn dễ vận chuyển, hơn nữa giá trị lại cao hơn nhiều so với mai thông thường. “Để tạo ra những chậu mai cảnh được ghép cành, uốn thế, ghép nhiều màu, hoặc cây mai bonsai đẹp đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật, hiểu biết về cây cũng như điều kiện thổ nhưỡng”-Gin cho biết. Ý thức được điều đó, anh cố công học hỏi kỹ thuật chăm sóc, ghép cành từ những nghệ nhân có tiếng ở vùng mai Bình Định.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của NGUYỄN LÊ GIN:
- Khi quyết định khởi nghiệp thì phải theo đuổi đến cùng.
- Không nản lòng khi gặp khó khăn, thất bại.
- Luôn giữ ngọn lửa đam mê với công việc của mình.

Từ khi theo nghề trồng mai cảnh, không năm nào Gin được đón Giao thừa tại nhà bởi phải chở mai đi bán khắp nơi, xa thì ra tận Thái Bình, gần thì Đà Nẵng. Năm nào về đến nhà sớm cũng sáng mùng 1, không thì phải mùng 2. “Mặc dù vất vả nhưng tôi cảm thấy rất vui vì mình bán được cho khách hàng những cây mai đẹp, nở đúng vào dịp Tết, góp thêm một chút không khí rất xuân cho mọi nhà”-Gin chia sẻ. Bên cạnh việc chăm và bán mai cảnh, anh còn nhận chăm sóc mai cho các gia đình ở trong xã. Sau Tết, các gia đình mang mai đến, anh thay đất, cắt cành và chăm cho mai ra hoa đúng dịp Tết năm sau. Công việc chăm mai chỉ vất vả vào dịp trước và sau Tết. Vì vậy, thời gian  rảnh rỗi, Gin đi học thêm đàn Organ để phục vụ các đám cưới trên địa bàn nhằm tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, Gin còn rất nhiệt tình tham gia các hoạt động Đoàn ở địa phương. Hiện anh là Bí thư chi đoàn thôn. Trong vai trò này, Gin không chỉ tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh cho thanh niên mà còn quan tâm giúp đỡ các đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, làm giàu cho bản thân và gia đình.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.