Làm giàu từ mô hình nuôi dê nhốt chuồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ vài chục con dê giống ban đầu, chỉ trong vòng 4 năm, anh Đoàn Văn Thiệu (ngụ P.Phước Thới, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) đã nhân giống thành công và lập ra trang trại nuôi dê quy mô lớn ở miền Tây.

Phất lên từ con dê

Trước đây, anh Thiệu từng làm ruộng, trồng rẫy, nuôi trâu, bò, vịt, gà... nhưng do chưa có kinh nghiệm nên đạt hiệu quả kinh tế không cao. Sau nhiều lần chuyển đổi mô hình làm ăn, vốn liếng anh dành dụm được lần lượt “đội nón ra đi”. Tuy nhiên, ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương vẫn thôi thúc anh tiếp tục đi khắp nơi học hỏi các mô hình chăn nuôi thành công. Sau nhiều đêm trăn trở tìm hướng đi mới, anh quyết định chọn dê là vật nuôi tiếp theo vì nuôi dê ít tốn vốn đầu tư, quay vòng nhanh, có thể tận dụng được thời gian lao động nông nhàn, đặc biệt là giá bán khá cao so với các loại vật nuôi khác.

 

Mô hình nuôi dê nhốt chuồng của anh Thiệu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi dê nhốt chuồng của anh Thiệu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2013, anh Thiệu bắt tay vào làm chuồng và mua 16 con dê giống về nuôi. Năm sau, anh tiếp tục mua thêm 30 con dê giống, phát triển thành trang trại nuôi dê để cung cấp nguồn dê thịt và dê giống ra thị trường. Chỉ trong vòng 4 năm tích cực nhân giống và chăm sóc, đàn dê của anh đã tăng lên 750 con, với 400 con thịt và 350 con giống. Hiện anh đang sở hữu trại dê rộng trên 1.500 m2, nuôi 4 giống dê, gồm: dê lai, dê Boer, dê Bách Thảo và dê Saanen. Tiếng tăm của trại ngày một vang xa, lượng khách hàng không ngừng tăng lên nên đầu ra luôn ổn định.

Anh Thiệu cho biết dê giống từ 2 - 3 tháng tuổi, cân nặng 16 - 25 kg/con là có thể xuất chuồng. Mỗi tháng anh xuất bán khoảng 100 con dê giống các loại, giá dao động từ 130.000 - 140.000 đồng/kg, còn dê thịt có giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Cộng với tiền bán sữa và phân dê, mỗi năm nguồn thu nhập từ trại dê của anh lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, anh còn thuê 5 lao động để lo việc sổ sách kế toán, giao hàng cũng như làm công việc cắt cỏ, cho dê ăn, vệ sinh chuồng trại…

Áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi dê

Theo anh Thiệu, để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả cao, ngoài am hiểu đặc điểm của loài dê thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi dê rất quan trọng, từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Nuôi dê không quá vất vả do sức đề kháng của dê rất cao, ít bệnh; chỉ cần chuồng trại bảo đảm vệ sinh, định kỳ tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho dê.

Hằng ngày anh Thiệu cho dê ăn 3 lần vào buổi sáng, trưa, chiều; thức ăn chủ yếu là cỏ và bã đậu nành. Cỏ được anh trồng trên mảnh đất trống sau nhà, còn bã đậu nành thì mua với giá 1.000 đồng/kg tại các cơ sở làm tàu hũ. Ngoài ra, anh còn cho dê ăn thêm một số phụ phẩm như: bã bia, xơ mít, chuối cây...

Những người cùng làm nghề nuôi dê thường gọi anh Thiệu là “thầy mùi” vì anh rất “mát tay” trong nghề chăn nuôi loài vật này. Anh Thiệu cho biết cách phối giống dê cũng khá đơn giản, chú ý không được dùng dê giống cận huyết, luôn ghi chép kỹ lưỡng quá trình phối giống cũng như sinh sản của dê.

Ngoài mô hình nuôi dê nhốt chuồng, anh Thiệu còn kết hợp chăn nuôi heo rừng, nuôi cừu lấy thịt. Hiện anh có trong tay hơn 20 con heo rừng, hàng chục con cừu và đang chuẩn bị tăng đàn. “Tôi sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cho những ai muốn tìm hiểu về mô hình nuôi dê nhốt chuồng; đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên vào nghiên cứu làm đề tài và học hỏi kinh nghiệm”, anh Thiệu nói.

Duy Tân/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.