Khi nhạc “chắp cánh” cho thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Nhạc phổ thơ không phải là chuyện hiếm trong làng âm nhạc với nhiều tác phẩm để đời. Tại Gia Lai, một số bài thơ cũng đã được các nhạc sĩ “chắp cánh” bằng giai điệu bay bổng, xúc cảm.

Quỳ vàng, thông xanh, nắng gió… là những gì thân thương nhất đã đi vào thơ của các tác giả tại Gia Lai. Cũng tự nhiên như thế, chúng đi vào âm nhạc. Cuộc gặp gỡ giữa thơ và nhạc đã đem đến cho người miền cảm xúc bất tận, để thấy thêm yêu vùng đất cao nguyên này.

Chọn thơ phổ nhạc là lựa chọn thông minh của các nhạc sĩ, bởi thơ có những ngôn từ “đắt”, cô đọng và đầy sức gợi. Đó là lý do ông Nguyễn Văn Tâm (đường Đồng Tiến, TP. Pleiku), một nhạc sĩ nghiệp dư đã phổ nhạc hàng chục bài thơ. Ông Tâm tự học nhạc thời trẻ, từng là Chủ quán cà phê Trịnh (đường Wừu, TP. Pleiku) với những đêm biểu diễn hút khách, được giới yêu âm nhạc đánh giá cao, song sớm phải đóng cửa vì không đủ kinh phí duy trì. Về hưu, ông đắm mình với âm nhạc bằng những ca khúc phổ thơ.

Ông Nguyễn Văn Tâm và nhà thơ Ngô Thanh Vân. Ảnh: P.D

Ông Nguyễn Văn Tâm và nhà thơ Ngô Thanh Vân. Ảnh: P.D

“Nhạc nghe da diết, nồng nàn quá, đầy lãng mạn. Yêu quá Pleiku!” là cảm nhận của một thính giả trên YouTube khi nghe ca khúc “Về Pleiku đi em” do ông Tâm phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Ngô Thanh Vân-Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

Ca từ, giai điệu thật trữ tình, êm ái: “Về Pleiku đi em/mùa tháng ba lung linh khắp nẻo/lòng có buồn cũng sẽ vơi thôi/cỏ cây hoa lá rung rinh dưới ánh mặt trời/về Pleiku đi em/đắm mình trong nồng nàn thanh thản/hương cà phê ngây ngất gọi mời…”.

Nhạc sĩ tay ngang năm nay vừa tròn 70 tuổi cho hay: Ông chỉ mất khoảng 2 giờ để phổ nhạc bài thơ này, sau đó chỉnh sửa thêm trong khoảng 1 ngày. Tiếp theo, ông gửi đi nhờ một đơn vị chuyên nghiệp hòa âm, phối khí rồi nhờ ca sĩ Minh Hùng (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) thể hiện. Tổng chi phí cho 1 ca khúc sau khi hoàn thiện khoảng 3 triệu đồng. Tất cả đều do ông tự bỏ tiền túi thực hiện, bằng tình yêu âm nhạc thuần túy và vô tư.

Khá nhiều bài thơ giàu nhạc tính của nhà thơ Đào An Duyên-hội viên Chi hội Văn học (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) cũng được ông Tâm chọn phổ nhạc. Sự hòa quyện giữa 2 loại hình nghệ thuật đã khảm vào tâm trí người thưởng thức những cảm xúc khó tả với những lời ca đậm màu tự sự: “Hãy cứ rực vàng như thế/mặc đời hối hả ngược xuôi/dại hoang đốt lòng ta vậy/ngày mai dẫu tắt mặt trời” (Thư gửi hoa quỳ). Hay: “Ta từng ước sống một đời đại thụ/tỏa vào em bóng mát đến tận cùng/ngờ đâu lại hóa thành thân tượng gỗ/ôm mối sầu mục ruỗng tận mai sau” (Lời tượng gỗ).

Nhà thơ Ngô Thanh Vân-Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh: “Với âm nhạc, những câu thơ bỗng như mềm mại hơn, có âm hưởng, có giai điệu và ngân vang khó tả. Nhạc sĩ thêm một lần nữa thổi hồn cho thơ để cùng cộng hưởng, cùng nhau chạm vào trái tim người thưởng thức. Đó chính là quá trình đồng sáng tạo mà cả 2 đều cảm nhận được niềm hạnh phúc”.

Ca sĩ, nhạc sĩ Phi Ưng-hội viên Chi hội Âm nhạc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cũng là người có duyên “chắp cánh” cho thơ. Anh thường nhận được lời “gửi gắm” phổ thơ.

Có thể kể đến một số bài như: Chiều Kbang (Đào An Duyên), Gia Lai miền nhớ (Trần Thanh Cẩm), Cõng làng trên lưng (Huy Bắc)… “Tùy bài, tùy cảm hứng. Có bài chỉ cần 1 tiếng đồng hồ là hoàn thành, có bài cả tháng mới xong”-anh Phi Ưng chia sẻ.

Với lợi thế tự phối khí, có sẵn phòng thu, lại có cả ca sĩ của Đội Công tác tuyên truyền văn hóa cơ sở (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) hỗ trợ thể hiện ca khúc nên nhạc sĩ Phi Ưng có thể tự hoàn thiện mọi khâu để đưa tác phẩm “ra lò” sau khi sáng tác.

Trong số này, tác phẩm anh ưng ý nhất là “Cõng làng trên lưng”. Ca khúc nêu bật hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ và tình quân dân đoàn kết trong việc đồng lòng giúp bà con dời nhà về nơi ở mới.

Bài hát mang âm hưởng vui tươi, dễ thuộc, dễ hát: “Bộ đội về làng/đồng sức đồng lòng/cõng làng trên lưng/bộ đội về làng/khiêng nhà chỗ mới/trẻ em hớn hở/chạy theo bộ đội/bộ đội về làng/mặt trời chưa thức/con gà chưa dậy/cuốc xẻng sẵn sàng…”. Ca khúc này đã được chọn tham gia một số hội diễn và đạt giải cao.

Người yêu âm nhạc Gia Lai cũng từng có dịp thưởng thức nhiều tác phẩm nhạc phổ thơ khá hay của các tác giả trên địa bàn tỉnh như: Khoảng trời lá thông (thơ Phạm Đức Long, nhạc Lê Xuân Hoan); Phố núi Pleiku (thơ Hương Đình, nhạc Trương Đức Hà); Gia Lai mùa khô (thơ Hoàng Thanh Hương, nhạc Dương Toàn Thiên); Em Pleiku (thơ Lê Vi Thủy, nhạc Vĩnh Phúc)… Từ sự đồng điệu ấy, thơ “rộng cửa” đến với công chúng, nhạc cũng mang đến cho đời sống những rung động đẹp đẽ.

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

(GLO)- "Tự khúc" của tác giả Hà Hoài Phương là những chiêm nghiệm rất thực về cuộc đời. Sau cơn mưa trời lại sáng, không có điều gì tồn tại mãi, dù đó có là những niềm vui, hạnh phúc hay khổ đau...
Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...