Một phó vụ trưởng Bộ GD-ĐT có liên quan vụ rò rỉ đề thi THPT năm 2021

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Sái Công Hồng, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), hiện là Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng ngân hàng câu hỏi và Chủ tịch Hội đồng ra đề thi các năm 2018, 2019, 2020, được xác định là người chỉ đạo thay đổi cơ chế hoạt động của phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi đề thi.

Như Thanh Niên đưa tin, ngày 29.6 tới, TAND TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", liên quan đến việc rò rỉ đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Hai bị cáo hầu tòa cùng về tội danh nêu trên, gồm bà Phạm Thị My (60 tuổi) và ông Bùi Văn Sâm (74 tuổi), đều là cựu giáo viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Vụ án rò rỉ đề thi môn sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến được TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử vào 29.6 tới. Ảnh: TUYẾN PHAN

Vụ án rò rỉ đề thi môn sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến được TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử vào 29.6 tới. Ảnh: TUYẾN PHAN

Chỉnh sửa phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi

Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định, trong quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi môn sinh học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, ông Sâm và bà My đã lợi dụng quyền hạn được giao để mang tài liệu về nhà biên soạn thành câu hỏi.

Sau đó, các bị cáo sắp xếp vào các vị trí để được rút ra làm nguồn đề thi chính thức, đồng thời định hướng chọn các tổ hợp câu hỏi do mình biên soạn để xây dựng thành đề thi chính thức.

Hai cựu giáo viên còn sử dụng các câu hỏi trên làm tài liệu giảng dạy, ôn thi cho một số học sinh lớp 12 là các mối quan hệ họ hàng, quen biết có nguyện vọng xét tuyển đại học khối B.

Vẫn theo cáo buộc, điểm mấu chốt giúp ông Sâm và bà My có thể thực hiện hành vi phạm tội, đó là phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi của Bộ GD-ĐT.

Ban đầu, phần mềm này hoạt động theo cơ chế chọn ngẫu nhiên, được áp dụng trong hội đồng ra đề thi năm 2018. Tuy nhiên, đến khi xây dựng ngân hàng câu hỏi thi năm 2019 thì có sự thay đổi.

Sau kỳ thi năm 2018, ông Hồng yêu cầu cần đảm bảo tính cân bằng độ khó giữa các câu hỏi trong tổ hợp câu hỏi thi mang đi thử nghiệm và giữa các tổ hợp câu hỏi được chọn cần phải có sự liên kết.

Tiếp đó, ông Hồng chỉ đạo ông Đỗ Thế Chuẩn, cán bộ Trung tâm Khảo thí quốc gia, người được giao phụ trách quản lý phần mềm, chỉnh sửa bằng cách viết mã nguồn (code) mới để thêm tính năng xếp hạng thứ tự câu hỏi thi trong từng ô câu hỏi và thay đổi tính năng sinh đề của phần mềm.

Vì lẽ trên, phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi của Bộ GD-ĐT không còn được rút ngẫu nhiên nữa mà chuyển sang rút được các tổ hợp câu hỏi mà trong đó các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hạng sẽ vào cùng một tổ hợp đề.

Tỷ lệ trùng khớp các câu trong đề thi ôn tập của ông Phan Khắc Nghệ, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, và đề thi môn sinh học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: BẢO HẠO

Tỷ lệ trùng khớp các câu trong đề thi ôn tập của ông Phan Khắc Nghệ, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, và đề thi môn sinh học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: BẢO HẠO

Vi phạm quy chế nhưng không vụ lợi

Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cho thấy, phần mềm trong máy chủ tại Trung tâm Khảo thí quốc gia có chức năng thiết lập "thứ tự xếp hạng" câu hỏi và khi xuất bộ đề thi các câu hỏi được chọn ngẫu nhiên từ cơ sở dữ liệu. Thế nhưng, trong phần mềm xuất hiện 2 đoạn mã nguồn có chức năng thực hiện việc chọn câu hỏi không ngẫu nhiên.

Ngoài 2 bị cáo bị truy cứu hình sự, cơ quan điều tra cũng đề cập đến trách nhiệm của các ông Sái Công Hồng và Đỗ Thế Chuẩn. Hai người này đã chỉnh sửa, thay đổi cơ chế xuất đề của phần mềm dẫn đến phần mềm không đảm bảo nguyên tắc rút đề ngẫu nhiên, vi phạm quy định của quy chế thi THPT.

Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ sở xác định những người này có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không biết 2 bị cáo Sâm và My thực hiện hành vi phạm tội nên không có căn cứ xử lý hình sự.

Cơ quan điều tra đã có văn bản kiến nghị Bộ GD-ĐT kiểm tra, xem xét xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm; kiểm tra, rà soát quy trình, quy chế để khắc phục sơ hở, thiếu sót, không để xảy ra trường hợp tương tự.

Vụ án này bắt nguồn từ phản ánh của dư luận và báo chí về việc đề thi môn sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 "giống 80%" so với đề ôn tập trên mạng internet của ông Phan Khắc Nghệ, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh.

Vào cuộc xác minh, Bộ GD-ĐT kết luận các câu hỏi do 2 bị cáo Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My soạn thảo đưa vào ngân hàng câu hỏi so với các câu hỏi trong video của ông Nghệ giảng dạy có nội dung giống nhau từ 70 - 100%. Một số câu hỏi trùng cả về nội dung, đơn vị kiến thức lời dẫn và đáp án.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra nhận định chưa có căn cứ để xác định ông Nghệ có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác hoặc cố ý làm lộ bí mật công tác, do đó không đề cập xử lý hình sự. Cơ quan điều tra đã có văn bản kiến nghị gửi Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh kiểm điểm, chấn chỉnh đối với ông Nghệ.

Đối với các học sinh, phụ huynh và những người giới thiệu để ông Sâm và bà My giảng dạy, ôn thi, những người này không biết 2 bị cáo đã sử dụng tài liệu liên quan đến quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để giảng dạy, ôn thi, vì vậy cũng không có căn cứ xem xét, xử lý.

Về phía 2 bị cáo, họ được xác định không nhận tiền của phụ huynh, học sinh mà chỉ giảng dạy, ôn thi giúp do nể nang tình cảm.

Có thể bạn quan tâm

Hơn 3.000 học sinh Gia Lai tham gia chương trình “Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2025”

Hơn 3.000 học sinh Gia Lai tham gia chương trình “Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2025”

(GLO)- Ngày 12-1, tại Trường THPT Chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku), Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), Báo Tuổi Trẻ phối hợp Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình “Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2025”. Chương trình thu hút hơn 3.000 học sinh tới từ các trường THPT trên toàn tỉnh.

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Bỏ xét tuyển sớm, bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm, nhóm ngành Sức khỏe - Y dược (có cấp chứng chỉ hành nghề) là hai điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 mà Ban soạn thảo vừa điều chỉnh.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.