“Vì một Việt Nam xanh”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu tháng 5 đến nay, tại Gia Lai nói riêng, cả nước nói chung, phong trào cây xanh đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân. Khắp nơi, từ tỉnh cho đến cơ sở, từ các sở, ngành đến các hội, đoàn thể, đâu đâu cũng phát động trồng cây xanh hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, Tháng Hành động vì môi trường.

Đáng chú ý, phong trào trồng cây ngày càng đi vào thực chất khi các đơn vị đã chú trọng hơn trong khâu lựa chọn loại cây trồng phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu ở từng địa bàn. Ở những nơi có thời tiết nắng nóng kéo dài như khu vực Đông Nam tỉnh, các địa phương, đơn vị đã chọn loại cây có sức chịu hạn cao như: hoa giấy, chuông vàng, xạ đen. Còn ở khu vực phía Tây như huyện Chư Prông thì lim sẹc, bằng lăng, xà cừ, bạch đàn... được ưu tiên hơn cả. Riêng ở nơi có khí hậu tương đối mát mẻ như TP. Pleiku, thông ba lá là lựa chọn thích hợp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế (thứ 3 từ phải sang) cùng cán bộ, công chức xã Ia Hrung trồng 200 cây sao xanh tại Nhà văn hóa làng Ngai Ngó và làng Blo Dung (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai). Ảnh: Phương Lộc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế (thứ 3 từ phải sang) cùng cán bộ, công chức xã Ia Hrung trồng 200 cây sao xanh tại Nhà văn hóa làng Ngai Ngó và làng Blo Dung (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai). Ảnh: Phương Lộc

Không gian chọn để trồng cây cũng khá đa dạng. Ngoài những khu vực đồi núi trọc, bổ sung vào diện tích đất rừng trống thì trồng cây xanh ven đường, trong làng du lịch cộng đồng hay trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết, các khu di tích lịch sử cũng là cách làm hay, cùng hướng đến mục tiêu tăng cường sắc xanh cho mỗi góc phố, con đường. Tính đồng bộ trong chọn lựa cây xanh cũng được chú trọng. Có thể kể đến như hơn 1.000 cây muồng vàng được Công đoàn Trường Tiểu học Chu Văn An (TP. Pleiku) trồng tại làng Phung (xã Biển Hồ); gần 300 cây bằng lăng tím do cán bộ, công chức, viên chức huyện Mang Yang trồng tại khu tái định cư xã Đak Djrăng; 1.000 cây xanh gồm các giống muồng hoàng yến, cau… do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chư Păh trồng tại nhà rông làng Kép 1 và trên các trục đường của làng Kép 1, Kép 2, làng Phung (xã Ia Mơ Nông)… Những công trình này hứa hẹn sẽ đem lại một diện mạo tươi mới cho các địa phương, không chỉ góp phần tạo nên sắc xanh mà còn là một điểm dừng chân hấp dẫn cho du khách gần xa yêu thích thiên nhiên, hoa cỏ.

Dù vậy, không thể phủ nhận rằng, ở một số nơi, phong trào trồng cây xanh vẫn còn diễn ra một cách khá hời hợt, làm cho có. Lựa chọn cây giống quá nhỏ, không đảm bảo chất lượng khiến cây sinh trưởng èo uột. Cây xanh không được chú tâm chăm sóc sau khi trồng, dẫn đến khô, gãy và chết. Không chỉ vậy, việc lựa chọn cây trồng không phù hợp với quy hoạch đô thị, phải chặt bỏ hàng loạt cũng là tình trạng xảy ra ở một số nơi. Những điều này vô tình gây lãng phí nguồn lực, thời gian, khiến cho việc trồng cây không đem lại hiệu quả như mong đợi. Bên cạnh đó, một thực tế cần nhìn nhận, tình trạng phá rừng vẫn còn tiếp diễn dù chúng ta vẫn đang nỗ lực trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Đoàn viên Đoàn Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh trồng cây xanh tại Đền tưởng niệm Liệt sĩ Tú Thủy (xã Tú An, thị xã An Khê). Ảnh: Phương Vi

Đoàn viên Đoàn Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh trồng cây xanh tại Đền tưởng niệm Liệt sĩ Tú Thủy (xã Tú An, thị xã An Khê). Ảnh: Phương Vi

Với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phát động Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Chương trình nhằm hướng đến phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phục hồi hệ sinh thái, tăng cường màu xanh cho mỗi góc phố, con đường, từng công sở, sân trường hay chính mỗi gia đình tại khu đô thị, nông thôn của Việt Nam. Theo kế hoạch, năm 2023, cả nước dự kiến trồng 216 triệu cây xanh, trong đó có 90 triệu cây trồng rừng tập trung và 126 triệu cây phân tán. Còn theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đến năm 2030, lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất dự kiến sẽ giảm 70% lượng phát thải và tăng 20% lượng hấp thụ carbon so với kịch bản phát triển thông thường, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất-95 triệu tấn CO2tđ. Đến năm 2050, lượng phát thải sẽ giảm 90%, lượng hấp thụ carbon tăng 30%, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất-185 triệu tấn CO2tđ.

Hành trình để đạt được những mục tiêu trên còn khá dài. Vì thế, ngay từ bây giờ, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa, những khẩu hiệu cần đi đôi với hành động, việc làm cụ thể để mỗi người dân nâng cao ý thức, cùng chung tay trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng. Với tốc độ lan tỏa của phong trào trồng cây xanh của Gia Lai nói riêng, cả nước nói chung như hiện nay, tin rằng, 1 tỷ cây xanh không còn là việc quá xa vời.

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.