Xử lý rác thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp: Cần giải pháp căn cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải trong sản xuất nông nghiệp, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đặt tại các khu sản xuất. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn, nhất là rác thải nguy hại.

Chủ động thu gom rác thải

Hàng năm, người dân xã An Phú canh tác khoảng 360 ha rau, hơn 200 ha lúa nước và khoảng 40 ha cây trồng khác. Để thu gom rác thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp, xã đã đầu tư lắp đặt 23 bể chứa đặt tại các cánh đồng, khu sản xuất.

Ông Nguyễn Hoàng Trang (thôn 4) cho hay: “Gia đình tôi có khoảng 5 sào chuyên canh tác rau xanh các loại. Trước đây, khi chưa có bể chứa rác thải nguy hại, tôi thường gom vỏ, bao bì thuốc BVTV lại rồi đốt. Từ ngày UBND xã lắp đặt bể chứa rác thải, tôi gom vỏ, bao bì thuốc BVTV rồi mang ra đổ vào bể”. Còn anh Lê Thành Trung (cùng thôn) thì cho biết: Gia đình anh trồng 6 sào rau xanh các loại. Để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, gia đình cũng thường sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV.

“Sau khi sử dụng xong, các bao bì phân bón tôi thường sử dụng lại để đựng rác, còn các vỏ, bao bì thuốc BVTV tôi thu gom bỏ vào bể chứa. Tuy nhiên, do các bể chứa này nhỏ nên rất nhanh đầy”-anh Trung nói.

Ông Nguyễn Hoàng Trang (thôn 4, xã An Phú) đổ bao bì thuốc BVTV vào bể chứa. Ảnh: Lê Nam

Ông Nguyễn Hoàng Trang (thôn 4, xã An Phú) đổ bao bì thuốc BVTV vào bể chứa. Ảnh: Lê Nam

Tương tự, để đảm bảo vệ sinh môi trường, từ năm 2018, xã Trà Đa triển khai lắp đặt 6 bể chứa rác thải nguy hại. Các bể chứa có dung tích khoảng 1 m3, được đặt tại các khu sản xuất của người dân. Ông Bùi Văn Phúc-Chủ tịch UBND xã Trà Đa-thông tin: Toàn xã có hơn 223 ha cà phê, 11 ha hồ tiêu, 27,5 ha cây ăn quả, 55 ha rau xanh các loại và một số cây trồng khác. Trong sản xuất nông nghiệp, nông dân thường sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh hại; bình quân mỗi năm có khoảng 1 tạ bao bì gói thuốc BVTV.

“Thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, ý thức của bà con được nâng lên, cơ bản tiến hành thu gom rác thải nguy hại bỏ vào bể chứa, hạn chế tình trạng vứt bừa bãi rác thải nguy hại ra môi trường sau khi sử dụng”-ông Phúc thông tin thêm.

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP. Pleiku, đến nay, các xã, phường trên địa bàn đã lắp đặt được khoảng 160 bể chứa. Các hộ dân cũng đã chủ động thu gom rác thải nguy hại trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Cần giải pháp căn cơ

Theo Chủ tịch UBND xã Trà Đa, từ khi lắp đặt các bể chứa đến nay, rác thải nguy hại vẫn chưa được đưa đi xử lý. Nguyên nhân là do chi phí quá cao. Vừa qua, UBND xã đã làm việc với đơn vị đủ chức năng thu gom rác thải nguy hại ở tỉnh Bình Định để đưa đi tiêu hủy nhưng giá một lần thu gom gần 20 triệu đồng, trong khi ngân sách địa phương rất hạn chế.

“Ủy ban nhân dân xã đề nghị các cơ quan liên quan có giải pháp xử lý tiêu hủy rác thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp theo đúng quy trình. Đồng thời, bố trí một phần kinh phí cho địa phương để triển khai thu gom, xử lý lượng rác thải nguy hại này”-Chủ tịch UBND xã Trà Đa kiến nghị.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Phương-Phó Chủ tịch UBND xã An Phú-cho hay: Khó khăn nhất hiện nay là đưa rác thải nguy hại từ các bể chứa đi xử lý tiêu hủy theo đúng quy trình. Do đó, khi các bể chứa đầy thì người dân lại tự đốt. Ngoài ra, với diện tích cây trồng ngắn ngày tại địa phương rất lớn nên số lượng 23 bể chứa là chưa đáp ứng đủ nhu cầu và chưa đảm bảo theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16-5-2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ TN-MT.

“Để đảm bảo vệ sinh môi trường và đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, UBND xã đề xuất UBND thành phố có hướng dẫn các địa phương về quy trình thu gom và xử lý rác thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp”-bà Phương cho hay.

Trao đổi với P.V, Phó Trưởng phòng TN-MT TP. Pleiku Nguyễn Thanh Nga cho hay: Thời gian qua, các địa phương đã quan tâm xử lý chất thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp bằng cách lắp đặt các bể chứa rác thải tại các khu vực sản xuất. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải nguy hại còn nhiều hạn chế, chưa được thực hiện triệt để, phần lớn xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp chứ chưa thuê được đơn vị có chức năng để tiêu hủy. Cái khó hiện nay đó là trên địa bàn tỉnh không có đơn vị đủ điều kiện thu gom đưa đi xử lý tiêu hủy rác thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp.

“Để đảm bảo vệ sinh môi trường, các địa phương cần quan tâm hơn nữa và bố trí kinh phí cho việc thuê đơn vị thu gom xử lý chất thải nguy hại theo đúng quy trình. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân về công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải nguy hại”-Phó Trưởng phòng TN-MT TP. Pleiku thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.