
1. Tuy không lớn lên trong ngôi nhà tranh vách đất nhưng anh Nguyễn Văn Nhân (làng Nhao 1, xã Ia Kênh, TP. Pleiku) lại mang trong lòng nỗi thương nhớ… ngày xưa. Cách đây 3 năm, anh tìm hiểu trên mạng rồi tự tay dựng trên khoảnh đất của gia đình ngôi nhà rộng chừng 40 m2, 4 bên đắp đất, mái lợp lớp tranh dày, vườn tược cây cỏ bao quanh.
Bên hiên nhà, anh đặt bộ bàn dài cùng 2 chiếc ghế băng cũng do anh mua tre về đóng. Từ đây, mỗi ngày, chủ nhà có thể ngồi thư thái uống trà ngắm nắng sớm, sương chiều trên cánh đồng trải rộng tầm mắt hay ngắm đàn chim trời vỗ cánh ngang qua. Không quá lời khi nói anh Nhân thật nghệ sĩ và tự do.
Con người vốn thích tiện nghi, song lại bồi hồi khi gặp điều bình dị. Ngôi nhà của anh Nhân mang lại đúng cảm giác đó. Nhà tranh vách đất nhưng hè mát, đông ấm. Tre được xử lý mối mọt kỹ lưỡng để làm khung; đất trộn rơm, vôi theo tỷ lệ nhất định đắp lên thành tường, tạo mối liên kết vững chắc. Mái lợp tranh dày theo lối nhà truyền thống.
Sau hơn 1 tháng, ngôi nhà hoàn thiện với vẻ đẹp mộc mạc, giản dị. Trên gác lửng, giường, tủ, bàn kê máy tính, ghế ngồi cũng đều do một tay chàng trai sinh năm 1992 tạo ra từ tre trúc. Mọi thứ cho thấy xu hướng sống hòa hợp với thiên nhiên cũng như sự tháo vát và sáng tạo của chủ nhân.
Anh chia sẻ: Tre là nguyên liệu tái sinh sớm hơn so với gỗ, chỉ cần 4-5 năm là đủ để 1 cây tre non lớn lên, già đi và trở thành nguyên-vật liệu. Việc nhân giống tre cũng rất dễ. Đó là lý do anh chọn tre để làm vật dụng phục vụ không gian sống.

Anh Nhân không giấu được niềm vui khi có thể tự tay xây dựng nên công trình này. Mới đây, một người quen đã nhờ anh cùng nhóm thợ làm giúp 1 ngôi nhà tranh vách đất “ốp” vào phần sau căn nhà tại xã Trà Đa (TP. Pleiku) để làm chỗ nghỉ ngơi, gặp gỡ bạn bè.
Không gian đậm nét truyền thống nhà Việt vẫn mang tinh thần phóng khoáng với những ô cửa rộng, có chút cách điệu về hình khối. Lo ngại mùa mưa cao nguyên kéo dài dễ làm xói mòn các bức tường, phần mái tranh được đẩy rộng ra để “đối phó”.
Với tinh thần coi trọng sự kết nối thiên nhiên, anh Nhân cho hay, trong khi hoàn thành công trình này, anh cũng đang chuẩn bị ý tưởng, nguyên liệu làm thêm 1 ngôi nhà mới tương tự cho gia đình.
Bà Nguyễn Thị Ngọc (mẹ anh Nhân) chia sẻ: “Ngày xưa, tôi cũng từng ở ngôi nhà đất như vầy, nhìn như cái nấm mồ côi nhưng dân dã, mát mẻ. Nhà cao cửa rộng làm gì. Ngày đủ ăn, đêm ngủ ngon giấc là được”.

2. Dường như ở trong một ngôi nhà đơn sơ, con người được trở về với những gì nguyên thủy nhất. Không gian ấy mang lại cảm giác an tĩnh, dễ chịu bởi sự ấm áp, thân thuộc. Trường năng lượng từ hơi ấm ngôi nhà nuôi dưỡng tâm hồn lặng lẽ mà tiềm tàng, con người kết nối sâu sắc với tự nhiên.
Trong buổi chia sẻ với chủ đề “Làm nhà gỗ-đất đơn giản” diễn ra tại phố núi Pleiku cách đây chưa lâu, người viết đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy nhiều người ở nhiều độ tuổi, đến từ TP. Hồ Chí Minh, Kon Tum… cùng tìm về đây với chung một mối quan tâm: không gian sống thuận tự nhiên, hòa quyện giữa nhà-vườn-rừng.
Diễn ra trong ngôi nhà đất giữa vườn cây núc nác ở xã Diên Phú-một công trình do kiến trúc sư trẻ Nguyễn Đức Tín thiết kế và thi công theo nguyên lý thuận tự nhiên, sự kiện tạo không gian cởi mở cho mọi người trao đổi kinh nghiệm, truyền cảm hứng về một lối sống giản dị, bền vững và hài hòa với môi sinh. Ngôi nhà của anh Tín sử dụng vật liệu gồm: gỗ muồng, đất đỏ bazan, rơm, tre, cỏ, cây núc nác… kết hợp với một số vật liệu hỗ trợ hiện đại để đảm bảo độ bền.
Tâm điểm của ngôi nhà là bếp lửa-vừa là không gian sinh hoạt, là nguồn sưởi ấm tự nhiên, vừa tận dụng được khói để giữ ngôi nhà ấm áp, tràn trề năng lượng tích cực. Với anh Tín, ngôi nhà không chỉ là nơi ở mà là thực thể sống. Từng bức tường đất được đắp bằng tay, từng chi tiết gỗ được cân nhắc để “thở” cùng môi trường xung quanh.
Dự án này-như anh Tín chia sẻ-là tổ hợp thử nghiệm của nhiều loại vật liệu truyền thống, được vận dụng linh hoạt để vừa đảm bảo chức năng, vừa mang tính sinh thái.

Từ những kinh nghiệm tích lũy suốt nhiều năm theo đuổi lối kiến trúc gắn với đất-rơm-gỗ, anh Tín thường tổ chức những vòng tròn chia sẻ kiến thức, quy trình, kinh nghiệm làm nhà nói chung và vật liệu gỗ-đất nói riêng nhằm đồng hành, hỗ trợ những người cùng sở thích.
Anh hướng dẫn quy trình, thiết kế không gian sống, phân khu theo kiến trúc truyền thống từng vùng miền đến các bước chuẩn bị vật liệu, kỹ thuật thi công, bảo trì nhà đất. Trong đó, triết lý “nhà nhỏ-cây to” được nhấn mạnh: không phô trương công trình mà để thiên nhiên làm chủ đạo, nhà chỉ là phần nhỏ lồng ghép khiêm nhường giữa vườn, rừng.
Cách tiếp cận này truyền cảm hứng từ tư tưởng “kinh tế vừa đủ” của Thái Lan và sự gọn ghẽ, tinh tế trong kiến trúc truyền thống Nhật Bản-nơi vật liệu và không gian được tôn trọng tuyệt đối, không thừa, không thiếu.

Nhiều người yêu nhà đất nhưng còn e ngại về độ bền, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như ở Gia Lai-nơi có mùa mưa kéo dài suốt 6 tháng. Anh Tín nhìn nhận, việc sống trong nhà đất cũng giống như sống cùng một “cơ thể sống”, cần chăm sóc, lắng nghe và bảo trì thường xuyên. Đổi lại, người ở sẽ cảm nhận đầy đủ sự kết nối sâu sắc với đất, khí, nước, lửa-những yếu tố nền tảng làm nên sự sống.
Nhiều người chọn sống trong nhà đất không chỉ vì sở thích kiến trúc, mà vì khát vọng sống sâu hơn, chậm hơn và thân thiện hơn với môi trường. Đó cũng là triết lý hài hòa giữa âm và dương, giữa tiện nghi và tối giản, giữa con người và tự nhiên-nơi nhà không đơn thuần là nơi trú ngụ mà là nơi chốn trở về bình yên để cân bằng mọi cảm xúc.

Những vườn kiểng lá xanh mướt trên sân thượng giữa lòng thành phố

Ngôi nhà độc đáo có góc nhìn toàn cảnh 360 độ
