Ngôi đình giữ nguyên vẹn 2 đạo sắc thần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Trong quá trình thực hiện đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán-Nôm trên địa bàn tỉnh Gia Lai”, chúng tôi có dịp tìm hiểu các đình, miếu ở thị xã An Khê. Mỗi ngôi đình đều có một vẻ cổ kính khác nhau, song có một ngôi đình được các nhà nghiên cứu đánh giá cao, đó là đình Tân Tạo ở xã Thành An.

Ngày trước, đình Tân Tạo nằm cạnh chân núi Hòn Kong (có tài liệu viết là Hòn Công, Hòn Kông). Theo thông tin ghi lại trên sắc phong thần, đình Tân Tạo lúc bấy giờ thuộc huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Người dân lập đình thờ thần Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, thần Bạch Mã và Bổn cảnh Thành hoàng.

Theo tài liệu của ông Nguyễn Quốc Thành-một trong những người nghiên cứu về An Khê, đình Tân Tạo được xây dựng khoảng năm 1897, do ông Võ Văn Tần (nguyên Án sát kinh thành Huế dưới triều Vua Thành Thái), sau khi từ quan, ông lên An Khê lập nghiệp và vận động dân làng chung tay xây dựng đình. Ông Nguyễn Đình Luân-Trưởng ban Nghi lễ, Chánh tế đình Tân Tạo-cho biết: “Trải qua chiến tranh loạn lạc, đình bị giặc đốt phá, phải di dời nhiều lần. Đến năm 1980, đình mới ổn định tại vị trí hiện nay”.

Sắc phong thần Bạch Mã và Bổn cảnh Thành hoàng ở đình Tân Tạo. Ảnh: Nguyễn Anh Minh

Sắc phong thần Bạch Mã và Bổn cảnh Thành hoàng ở đình Tân Tạo. Ảnh: Nguyễn Anh Minh

Đình Tân Tạo vốn tọa lạc hướng Nam, nhìn ra cánh đồng. Năm 2015, Nhà nước đầu tư làm đường bê tông chạy qua sau đình, Ban Nghi lễ phải mở cổng sau đình để tiện đi lại, dần dần cổng sau lại trở thành lối đi chính vào đình. Cổng chính phía Nam vẫn còn lối kiến trúc trước là nhà ngõ sau là bình phong, trụ biểu rất đẹp. Chính vì vậy, Ban Nghi lễ mong muốn Nhà nước cấp đất để làm con đường hẻm dẫn từ đường chính vòng ra phía cổng để đi đúng hướng ban đầu của đình.

Hiện nay, đình Tân Tạo còn giữ nguyên vẹn 2 đạo sắc thần (năm 1911 thời Vua Duy Tân) và 3 bài văn tế nguyên gốc chữ Nho (văn Quy thần nhập điện, văn tế Quý Xuân và văn tế Thanh minh). Người dân ở đây truyền lại câu chuyện, có lần đình bị cháy, ông Võ Văn Tấn (con trai ông Võ Văn Tần) đã mang sắc thần về nhà cất, nhà lại cháy rụi nhưng hòm sắc vẫn còn nguyên. Dân làng tin thần linh phù hộ nên càng trân trọng các đạo sắc thần, coi đó là vật thiêng, là lá bùa hộ mệnh cho dân làng. Các cụ trong Ban Nghi lễ cũng nhắc nhớ, đề cao, tri ân dòng họ Võ ở An Khê đã có công rất lớn trong việc xây dựng, tu bổ cũng như duy trì sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại đình Tân Tạo mà không màng lợi lộc.

Hai đạo sắc phong của đình Tân Tạo đều có kích thước 126 cm x 50 cm, màu vàng sậm, viết bằng chữ Nho. Sắc được đóng ấn “Sắc mệnh chi bảo” màu đỏ. Ấn của vua được đóng trên dòng chữ thể hiện niên hiệu (Duy Tân ngũ niên nhuận lục nguyệt sơ bát nhật). Mặt trước của sắc là đồ án hoa văn vẽ rồng bạc 5 móng điểm mây bạc và 5 đồ án bạc lớn, 2 đồ án bạc nhỏ vẽ chữ “thọ” cách điệu, xung quanh là viền hoa văn bạc. Ở giữa mặt sau sắc là đồ án hoa văn bạc vẽ 2 chữ “thọ” hình chữ nhật đứng, nối so le với nhau, hai bên là đồ án hoa văn bạc vẽ dây có tua rua cuốn quanh hộp chữ nhật và lá chuối vươn ra bốn phía.

Theo ông Nguyễn Đình Luân-Phụng tế đình, Ban Nghi lễ có 12 người, hiện vẫn làm việc quy củ theo nếp xưa để lại. Ban Nghi lễ của đình đang liên hệ làm hồ sơ trích lục đất cho đình để làm cơ sở sau này xin Nhà nước công nhận di tích cấp tỉnh. Hy vọng trong thời gian đến, cùng với sự quan tâm hỗ trợ về mặt pháp lý của các ban ngành ở địa phương, mong muốn của Ban Nghi lễ đình Tân Tạo sẽ sớm thành hiện thực.

Có thể bạn quan tâm

Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

(GLO)- Tôi sinh hoạt cùng anh chị em văn nghệ sĩ ở Gia Lai-Kon Tum từ những năm cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Khi ấy, phong trào nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian (Folklore) đang rộ lên. Tôi tự cảm thấy đây là lĩnh vực cũng cần tìm hiểu và có trách nhiệm với nơi mình đang sống.
Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

(GLO)- Lễ cúng rụng rốn (Et tuh klok) là nghi lễ đầu tiên trong vòng đời của mỗi người Bahnar. Không chỉ là cúng tạ ơn, mong muốn các thần linh che chở, bảo vệ đứa trẻ khỏe mạnh, mà lễ cúng còn là sự xác nhận đứa bé chính thức trở thành thành viên trong gia đình, dòng tộc và cộng đồng.
Ché quý của người Jrai

Ché quý của người Jrai

(GLO)- Người Jrai ở Krông Pa (tỉnh Gia Lai) còn lưu giữ nhiều loại ché (ghè) rất giá trị. Bước vào một ngôi nhà dài, quan sát vị trí, số lượng các loại ché, chúng ta có thể đánh giá mức độ giàu có của chủ nhân.
Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

(GLO)- Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Ak (80 tuổi, làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đan lát và chế tác nhạc cụ dân tộc với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

(GLO)- Với người Jrai, hát dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Vì vậy, những người biết hát dân ca luôn quan tâm tới việc bảo tồn, lưu giữ và khơi gợi niềm đam mê cho thế hệ trẻ để góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.