Những bạn trẻ Jrai đam mê nghề MC

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)-  Bằng sự tự tin, duyên dáng, khéo léo cùng bản lĩnh trên sân khấu, 3 bạn trẻ người Jrai: Siu Nghiệp (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện), Kpă H’Buôn (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) và Ksor Khon (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) đã để lại dấu ấn trong nghề MC.

1. Trước khi đến với nghề MC, anh Siu Nghiệp có hơn 10 năm gắn bó với công tác Đoàn. Các hoạt động, phong trào Đoàn chính là nền tảng giúp anh có nhiều trải nghiệm quý báu về cách thức tổ chức, dẫn dắt các chương trình văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao, hội trại, hội thi, hội diễn… Tất cả đã trở thành kỹ năng giúp anh Nghiệp dần quen với việc đứng sân khấu, dẫn chương trình các sự kiện đông người. Năm 2018, anh được người quen mời đứng trên sân khấu trong vai trò người dẫn chương trình lễ cưới truyền thống Jrai. Bằng lối dẫn dí dỏm, thông minh, anh Nghiệp đã hoàn thành công việc một cách mỹ mãn với mức thù lao 200 ngàn đồng.

“Khi làm MC, mình vừa được nói, được hát, vừa được ăn mặc đẹp đứng trên sân khấu, lại là việc phù hợp với sở trường, đam mê của bản thân. Mức thù lao thì bằng ngày công chặt mía, nhổ mì giữa trời nắng gió. Vậy nên, mình quyết tâm theo nghề”-anh Nghiệp tâm sự.

Hơn 4 năm qua, anh Nghiệp đã tham gia dẫn hơn 300 chương trình, sự kiện, từ đám cưới, tân gia cho đến kết nghĩa, thôi nôi, sinh nhật… Đa số các sự kiện anh Nghiệp nhận dẫn đều của các gia đình người Jrai. Ngoài bản lĩnh và sự tự tin, trong các sự kiện, anh đều dẫn chương trình bằng song ngữ Jrai-Kinh. Đây cũng chính là thế mạnh giúp anh Nghiệp khẳng định bản thân và nhận được thêm lời mời tham gia dẫn chương trình tại nhiều sự kiện của cộng đồng người Jrai ở huyện Phú Thiện nói riêng và các địa phương vùng Đông Nam tỉnh nói chung.

MC Siu Nghiệp (bìa trái) tại một tiệc cưới. Ảnh nhân vật cung cấp

MC Siu Nghiệp (bìa trái) tại một tiệc cưới. Ảnh nhân vật cung cấp

2. Xuất phát từ niềm đam mê ca hát, sáng tác ca khúc, chị Kpă H’Buôn quyết định theo học Khoa Thanh nhạc của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai). Năm 2014, sau khi tốt nghiệp, chị theo chân các ban nhạc đi biểu diễn tại các sự kiện như: tiệc cưới, tân gia...

Sau một thời gian, chị nhận thấy bản thân cần trau dồi thêm một số kỹ năng, nhất là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng dẫn chương trình để gắn bó lâu dài với nghề. Vì vậy, năm 2019, chị H’Buôn đăng ký theo học lớp dẫn chương trình tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đak Lak. Sau hơn 2 tháng hoàn thành khóa học, chị H’Buôn vừa nhận dẫn chương trình sự kiện, tiệc cưới hỏi, tân gia, sinh nhật… vừa tiếp tục học hỏi thêm kỹ năng dẫn chương trình trên kênh YouTube và học từ những người đi trước.

Chị H’Buôn bày tỏ: “Bây giờ, mỗi khi được đứng trên sân khấu với hàng trăm người theo dõi, cổ vũ, mình thấy rất vui, tràn đầy hứng khởi. Sự tán thưởng qua những tràng pháo tay của mọi người đã tiếp năng lượng tích cực giúp mình thêm tự tin. Mình cho rằng, để đạt được thành công, ngoài lòng đam mê, yêu nghề, có năng khiếu ca hát, ngoại hình thì mỗi MC cần có tinh thần học hỏi, cầu thị và sự kiên trì”.

Sau gần 4 năm trong nghề, chị H’Buôn nhận được nhiều điều thú vị. Với chị, mỗi sự kiện là một trải nghiệm, bản thân được tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm hay từ thực tiễn, có thêm nhiều bạn mới, khám phá thêm vùng đất ở nhiều địa phương khác nhau. Không chỉ vui vì được sống hạnh phúc với chính đam mê, sở trường, chị còn thấy may mắn bởi thu nhập khá ổn định từ nghề MC, trung bình 7-8 triệu đồng/tháng, còn vào mùa cưới thì dao động từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng.

MC Kpă H'Buôn tham gia chương trình giao lưu văn nghệ tại huyện Chư Pưh. Ảnh nhân vật cung cấp

MC Kpă H'Buôn tham gia chương trình giao lưu văn nghệ tại huyện Chư Pưh. Ảnh nhân vật cung cấp

3. Anh Ksor Khon hiện là MC khá đắt show ở vùng đất Ia Ma Rơn. Từ một cậu bé theo chân phục vụ, hỗ trợ các ban nhạc biểu diễn tại các tiệc cưới trong làng, anh Khon dần có tình cảm và yêu thích đặc biệt đối với nghề MC. Sau mỗi lần tham gia phục vụ tiệc cưới, anh đều chú ý lắng nghe từng lời nói, quan sát từng cử chỉ, hành động của MC rồi ghi chép tỉ mỉ, chi tiết những điểm cần lưu tâm vào cuốn sổ nhỏ. Với sự thông minh, nhanh nhẹn, anh Khon đã từng bước tích lũy kinh nghiệm, tự thực hành và trực tiếp nhận dẫn dắt các sự kiện, tiệc mừng khác nhau từ năm 2014. Đến nay, anh Khon có gần 10 năm theo nghề MC và dẫn dắt hơn 800 chương trình, sự kiện khác nhau.

Theo anh Khon, nghề dẫn chương trình đòi hỏi sự thông minh, khéo léo trong dẫn dắt câu chuyện, đồng thời biết xử lý tình huống linh hoạt để thu hút sự chú ý, tập trung của mọi người. Là MC dẫn song ngữ (Jrai-Kinh), anh Khon cũng như nhiều MC Jrai khác luôn không ngừng học hỏi, bổ sung vốn từ vựng, câu chuyện dân gian, kể khan từ những người già am hiểu văn hóa truyền thống, chuyện tình yêu đôi lứa; đồng thời, thường xuyên theo dõi, học hỏi thêm kỹ năng dẫn chương trình trên kênh YouTube, từ những anh, chị, em trong nghề để phục vụ công việc ngày một tốt hơn. “Càng theo nghề, mình càng thấy bản thân còn nhiều thiếu sót và không ngừng bổ sung hoàn thiện hàng ngày”-anh Khon chia sẻ.

Anh Ksor Khon (bìa trái) hiện là MC khá đắt show ở vùng đất Ia Ma Rơn. Ảnh nhân vật cung cấp

Anh Ksor Khon (bìa trái) hiện là MC khá đắt show ở vùng đất Ia Ma Rơn. Ảnh nhân vật cung cấp

Có thể thấy, dù mỗi người bén duyên với nghề MC theo một cách riêng nhưng điểm chung lớn nhất ở họ chính là niềm đam mê với nghề. Không chỉ duyên dáng, tự tin, bản lĩnh trên sân khấu, họ còn luôn ham học hỏi, cầu thị, không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân, đồng thời biết chắt lọc giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để đem đến lời hay, ý đẹp, lan tỏa niềm vui cùng nguồn năng lượng tích cực đến với mọi người.

Có thể bạn quan tâm