Có ngôi nhà vẫn xanh nhớ thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cậu Ba dọn luôn về thành phố ở, ngôi nhà cũ chờ hoài không thấy người chủ về thăm. Có lẽ nó không trách hờn chi, bởi những ngày mưa dầm, tiếng cậu ho hoài không dứt nổi. Tiếng ho vang cao hơn cả tiếng mưa gió rầm rì, cùng cái lưng còng lủi thủi, toàn là dấu hiệu già nua.

 



Căn nhà cũng đâu còn trẻ trung gì. Vậy mà nhờ bàn tay người đàn ông chăm lo, chưa bao giờ nó nhớ ra điều đó. Chỉ khi hơi ấm của cậu đã tan hẳn, căn nhà mới nhớ ra mình đã cỗi cằn. Gió lùa qua những kẽ hở thành tiếng thở dài, mang theo đầy bụi. Những cái vặn mình rền rĩ khi dông, và con nước ròng tháng mười khiến nó trở mình ê ẩm. Cây cỏ cũng được nước ăn hiếp ngôi nhà vắng chủ. Cỏ mọc lấn vô sân, len cả kẽ những viên gạch tàu san sát. Mớ cây dại hung hăng bung rễ làm nứt nhiều chỗ sàn, mọc lên thách thức. Đâu có ai quản, đâu có ai nhổ, đâu có ai màng. Căn nhà nằm im thinh cùng khu vườn dần hoang, thi thoảng tiếng chim, tiếng mèo kêu, tưởng tiếng người làm nỗi buồn dâng lên bén ngọt.

Mọi thứ không thắng được thời gian, phải không? Ở nơi đây, trước khi cậu Ba ra vô một mình một bóng, từng có gia đình nhỏ sum vầy hai vợ chồng cùng đám con thơ. Mợ Ba yếu người đi trước, cậu ở lại gà trống nuôi con mấy chục năm ròng. Đám con lớn, chê bầu trời thị trấn hẻo lánh chật hẹp không thỏa bung cánh bay, đã theo bầy chim tứ phương tìm chí lớn. Nhờ ông bà thương phù hộ, tụi nó đứa nào cũng làm ăn khấm khá - cậu Ba luôn cười mãn nguyện khi nói vậy. Và cậu cũng lắc đầu buồn buồn, khi ai đó hỏi, sao không lên thành phố ở với con cháu dưỡng già. Kể cả chính đám con hỏi, cậu cũng lắc. Cậu thương ngôi nhà như thương người vợ xưa, nỡ đi sao đành.

Ở nơi này, kỷ niệm đong tràn từng milimét không gian. Thở ra là nhớ, hít vô là thương. Có cái bếp mợ Ba thổi lửa mồi lá dừa khô, chê khói quá, cậu lần lượt lên đời từ lò xo tới bếp gas kiểu mới. Nơi những bữa cơm ấm nóng được phù phép tạo ra, mà cậu thề là chỉ có mợ mới nấu vừa ý cậu. Đứa Út trề môi nói, hồi đó ba chê má nêm mặn hoài, cậu cười ngại ngùng trả lời - thì tại hồi xưa tao khó ăn khó ở, tao ngu không biết quý. Có những thứ mất đi mới biết ý nghĩa cao lớn tới chừng nào.

Như thời gian chẳng hạn. Thời gian mỗi ngày bằng nhau, nhưng thời gian của mỗi người dài ngắn khác nhau. Có người bận tối tăm mặt mũi vẫn kịp nghe cải lương khóc sụt sùi, có người rảnh rỗi cả ngày đâm ra bâng quơ buồn nghĩ ước gì làm con dế gáy chơi còn vui hơn làm người. Có người đầu hai thứ tóc vẫn khỏe re, có người chẳng thể ở lại cùng ta mãi mãi. Thời gian như lửa, mà mỗi người là một viên than âm ỉ cháy dần sao? Đâu chỉ người, cả vật. Ngôi nhà của cậu Ba bị thời gian bào mòn từng năm tháng, nhờ cậu thay mới sơn sửa, nó trẻ hoài trong sự nâng niu. Nhưng dù có thay hết tất cả mọi viên gạch lẫn mọi hột cát trộn xi măng, miễn còn có cậu lưu giữ kỷ niệm, ngôi nhà vẫn hệt nguyên như những ngày xa xăm.

Mà giờ có còn cậu Ba nữa đâu. Bệnh trở nặng, cậu nói với nó đi trị bệnh chừng nào hết thì về. Nó chờ hoài, mấy lần nhờ gió bay tới tận thành phố ghé coi cậu đỡ chưa, hoài không thấy tiến triển. Mấy đứa còn lo ông già mình ên nguy hiểm, bắt buộc cậu Ba ở lại thành phố cho con cháu chăm lo. Cậu không muốn cũng đành chịu. Cái lúc ông hàng xóm qua mở cửa gom đồ đạc gửi lên cho cậu Ba, căn nhà thể hiện sự thất vọng bằng hoang tàn. Phải, có ai chăm sóc nó nữa đâu. Có điều, nó không bỏ cuộc. Nó tha thiết chờ đợi bằng tất cả kèo cột, thỏa hiệp với mối mọt làm ơn hãy chậm lại đi. Nó mặc kệ đám cây hoang lấn mọi ngóc ngách, chỉ xin để những khế, những đu đủ, những mai, những cát lồi cậu trồng, đừng tàn lụi.

Ai mà ngờ căn nhà đợi được. Ngày tôi tới mở cổng quét dọn trước, nó chào tôi bằng tiếng rột rẹt loảng xoảng, của gỗ, của kim loại, nghe buồn cười hết sức. Thân thể già còm cười bằng giọng điệu trẻ con. Nó biết cậu về, hình như gió kể. Cậu Ba không ưng ở thành phố, một hai đòi về, thằng Út chịu thua đành dọn về theo. Út cũng buồn thành phố và tìm ra niềm vui quê cũ, nơi mà khi nghĩ về, sự buồn chán được thay bằng nhẹ nhõm.

Thật kỳ lạ, khi đã dọn dẹp sạch sẽ, ngôi nhà như một thứ cây xanh um. Thứ cây chắt nhựa chờ mùa xuân, giờ mới dám đâm chồi. Thủy chung như những con người một dạ yêu thương, chưa bao giờ thay đổi. Tôi chắc khi cậu Ba bước vô, cậu sẽ òa lên nức nở. Ngôi nhà, hẳn sẽ không khóc mà đứng vững như người ưỡn bờ vai rộng, cho người thương tựa vào…

Theo PHÁT DƯƠNG (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.