Nhớ khói lam chiều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Nhớ sao màu khói lam chiều/Cuối thu mái lá mỹ miều bóng quê/Cỏ non phủ lối ta về/Thương chiều nắng nhạt bờ đê gió lùa/Đồi nương nở tím hoa mua/Bếp hồng mẹ đợi mấy mùa thu sang”. Mỗi lần đọc những câu thơ này của tác giả Đình Tiên, lòng tôi lại trào dâng nỗi nhớ quê nhà, nhớ tuổi thơ với bao kỷ niệm êm đềm.
Quê tôi là vùng bán sơn địa. Nhà tôi ở giữa khu vườn đầy hoa trái do nội để lại, xung quanh là cánh đồng lúa 2 vụ, phía Đông là gò cao, sau khu vườn chênh chếch phía Tây là dòng sông nhỏ. Mùa khô, sông cạn có thể lội sang xóm trên để tìm bạn đánh đáo, bắn bi. Mùa đông, nước về ngập đồng, tôi phải ở trọ nhà người quen xóm dưới để đi học.
Còn nhớ, mỗi lần tan học, tôi phải băng qua dải đồi cao, rồi men theo bờ ruộng mới về đến nhà. Nhà tôi không rộng lắm, chỉ có 2 gian và chái bếp, có mái hiên sau để chứa củi khô dùng đun bếp quanh năm. Từ trên đồi cao nhìn về khu vườn nhà mình, tôi thấy hàng cau cao vút, xa xa là hàng dừa và những bụi chuối xanh um. Bao quanh khu vườn là những lùm tre ken dày và hàng cây mù u đứng như sóng đũa. Vườn nhà khá rộng, cha mẹ tôi trồng rau củ quanh năm, mùa nào thức ấy. Gia đình tôi tuy không dư giả nhưng quanh năm đủ ăn. Tôi thấm đẫm nét quê, tuổi thơ lớn lên cùng rạ rơm, khói bếp. 
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Cứ mỗi độ thu về, vườn nhà lá rụng ngập lối. Ngày nào mẹ tôi cũng năng tay quét, ủ đốt thành tro. Những làn khói lam chiều dịu nhẹ quyện lên mái nhà tranh thành những hình hài vui mắt, rồi phả lên trời lẫn vào những bụi tre. Tôi biết bếp nhà đang đỏ lửa, mẹ tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều đạm bạc. Bước chân vừa chạm ngõ, tôi đã hít thở cái mùi nồng nàn của khói bếp quyện lẫn mùi thơm của niêu cá đồng kho nghệ. Mấy chú nghé trong chuồng nghe bước chân tôi liền kêu lên “nghé ọ… nghé ọ…”. Thương lắm! Biết chúng cũng đang đói như mình, tôi vội bỏ cặp sách, thay đồ rồi đi thẳng ra cây rơm, rút một ôm rơm khô và đổ nước đầy chậu sành cho mấy chú nghé cùn chân vì bị nhốt cả ngày không có người chăn thả. Chăm trâu riết rồi cũng thành thói quen. Ngày nào bận chưa ra chăm mấy chú nghé được, tôi cứ cảm thấy thiêu thiếu một việc gì đó.
Đến khi lớn khôn, rời vòng tay của mẹ, tôi xa quê hương để xây dựng tổ ấm mới và mang theo những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ. Giờ đây, mỗi lần trở lại thăm quê là mỗi lần nỗi nhớ thêm đầy. Miền quê thuần nông của tôi ngày nào nay đã trở thành thị tứ sầm uất, náo nhiệt. Nhưng với tôi, nét quê vẫn còn đấy. Đứng bên dải đồi năm xưa, tôi vẫn như đang gặp lại hình ảnh các bà, các mẹ kĩu kịt đôi quang gánh tảo tần một nắng hai sương. Và xa xa, mái nhà tôi vẫn lúp xúp dưới hàng cau. Chiều chiều, những ngọn khói vẫn bay lên từ chái bếp của mẹ, quyện vào những bụi tre già. Và tôi lại thấy nhớ mẹ da diết. 
BÙI QUANG VINH
 

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...