Tứ bề gió thổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lom khom rịt chặt tấm bạt cho gió khỏi thốc vào chiếc chòi nằm tênh hênh giữa đoạn đê bao, chân anh giẫm phải mớ chai lọ lỉnh kỉnh, suýt tí là ngã nhào xuống mép sông.


Gió, từng cơn ràn rạt. Chiếc radio nằm ở kênh 97MHz cứ ằng ặc như hóc phải tóc. Anh đưa tay đập mạnh, như chỉ chờ có thế, một giọng đọc êm ái quen thuộc ngân lên nhè nhẹ. Không còn nghe tiếng vỗ bờ ồm ộp của sóng nước dâng, cũng không nghe tiếng lách cách của chiếc ghe đuổi cá. Đêm co lại, những âm thanh từ chiếc radio như trườn ra, khua khoắng mọi thứ.

 Lại gió, âm rin rít qua những lỗ thủng của tấm bạt cũ kỹ. Cố cuộn người vẫn không tài nào ngủ được. Chiếc mền ủ khói thuốc và ám mùi bột tôm. Vớ lấy chiếc đèn pin, nhìn đồng hồ đã hơn mười giờ đêm, anh chui ra khỏi chòi.

Minh họa: VĂN TIN
Minh họa: VĂN TIN


Gió như thể chơi trò ú tim, hết luồn ngách này, lại trêu ngõ nọ. Mấy rặng cây nơi bờ sông cứ nhoài ra như tránh từng cơn nghịch ngợm của lũ gió đi hoang. Leo lắt có ánh đèn pin dích dắc theo từng bước chân đi. Bóng tối bao trùm cả không gian.

Anh đứng hồi lâu, nhìn chiếc bóng ấy nhấp nhô, nghe từng cơn gió gầm rít. Anh đoán chắc chiếc bóng ấy không ai khác ngoài Thoan, người đàn bà cùng xóm và có cái hồ tôm ngay cạnh hồ nhà anh.

Từ ngày chồng chị bị tai biến và sống đời thực vật, mình chị gồng gánh trăm nỗi. Hai con tuổi ăn tuổi học. Nhìn vóc dáng mảnh mai ấy, không ai nghĩ chị làm được nhiều việc đến thế. Đêm nay chị cũng lại tranh thủ đi soi tôm. Những chú tôm giương mắt nằm im khi có ánh đèn pin trườn tới. Chúng như được hóa trang kỹ lưỡng dưới lớp rong rêu hoặc những hốc đá nhỏ. Nhưng chị tinh mắt nhanh tay chụp vội ném vào chiếc giỏ tre cài bên hông.

Hôm nước lớn, mấy đoạn đê bao oằn mình đón lũ. Chị một mình hì hụi vá những đoạn nguy cơ toang hoác lúc triều cường. Nhìn đôi tay thoăn thoắt xúc đất, rồi khéo léo dùng xe rùa lật những bao đất đúng vị trí cần cài, anh không khỏi khâm phục. Không có sức thì mình dùng trí em ạ, chị bảo thế khi anh thốt miệng khen.

Những bữa trưa tạm bợ bằng gói mì tôm và ít rau đắng hái được dọc bờ mương. Anh mang qua mấy lạng tôm bảo chị bỏ vào cho ngọt nước. Hai chị em xì xụp húp, cái nóng từ quả ớt hiểm nồng lên khóe mắt, mồ hôi rịn ra nhưng nghe thật ngon. Rồi có gì hai người cũng đùm túm cho nhau, lúc chén chè, khi cái bánh, gọi là ăn cho vui miệng.

Hôm nào chị bận việc không ra thăm đập thì gọi nhờ anh cho tôm ăn hộ. Riết rồi anh coi đập nhà chị như của nhà mình, thăm nom nước non, kiểm tra độ mặn, thi thoảng lặn xuống đáy hồ xem tôm dày thưa thế nào.

Mấy hôm rồi chị không ra đập nữa, nghe bảo chồng chị lên cơn trở nặng, phải ở nhà chăm sóc chồng. Đập tôm phó thác cho người hàng xóm nhiệt thành là anh. Ba hôm, rồi cả tuần chị vắng bóng, con đập vắng hoe bước chân người qua, thi thoảng có mấy đứa trẻ ngồi vắt vẻo trên lưng trâu mỗi buổi chiều về, hoặc đôi người đi thả lú.

Tối nay, gió lại thổi từng cơn ràn rạt. Bất giác anh thèm cái cảm giác có chị cạnh bên quá, chỉ để nấu vài gói mì, hay kể cho nhau nghe chuyện buồn vui thường nhật. Dường như anh quen với cảm giác có một người để thủ thỉ tâm sự.

Nhưng sao lại là chị? Anh giật mình với những suy nghĩ điên rồ đó. Dù gì, chị cũng đã có chồng và có cả hai con. Chồng chị, có thế nào đi chăng nữa cũng là cha của hai đứa trẻ, chúng dễ thương biết nhường nào. Còn anh, anh có gì ngoài tuổi trẻ và lòng nhiệt thành.

Mẹ giục lấy vợ bao lần không thành thì đâm giận dữ, anh lẳng lặng khăn gói ra chòi canh tôm, tuyên bố không cần lấy vợ khiến mẹ bực bội. Thi thoảng anh ghé về nhà thăm mẹ thế nào và luôn tiện mang cho mẹ mấy con cá đánh được. Mẹ nhìn anh không nói gì, đã bảo kiếm vợ đi để còn sinh con đẻ cái, bao nhiêu tuổi rồi mà chần chừ. Ánh mắt mẹ nói vậy.

*
*          *


Chồng Thoan không qua khỏi sau đợt điều trị dài ở bệnh viện. Sau đám tang, Thoan hầu như không đi đâu, mọi thứ đều có hàng xóm cưu mang đỡ đần. “Con coi đập luôn giúp chị kẻo tội, tụi nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn. Không biết rượu nó có gì ngon mà bọn đàn ông uống quên đời thế. Bỏ vợ trẻ con thơ. Tội nghiệp cái Thoan, khổ”. Mẹ anh bỏ lửng câu nói, tay xếp những quả trứng vịt no tròn vào chiếc xô đựng bột, mắt nhìn xa xăm.

Đoạn đường từ nhà ra đập tôm có bao xa đâu, sao chân anh lê không nổi. Anh cầm điện thoại lên, rồi lại đặt xuống. Biết nói với chị thế nào đây, hỏi thăm tình hình nhà chị ư? Chẳng phải mẹ vừa bảo còn gì. Hay hỏi Thoan hôm nay thế nào?

Nhất định chị sẽ bảo tôi ổn. Anh cho điện thoại vào túi quần, cảm giác trống vắng hẫng hụt. Anh không biết thứ gì đang đến, nhưng cứ mỗi lần nhắc đến Thoan, người đàn bà góa hơn anh gần nửa con giáp, mẹ của hai đứa trẻ kháu khỉnh, lòng anh miên man nhiều xúc cảm. Cái thứ xúc cảm là lạ, nó đến lúc nào không hay và trú ngụ ở trái tim người đàn ông gần bốn mươi năm sương gió.

Vốn là một thanh niên sức dài vai rộng đang tuổi hào hứng cống hiến cho đời, thì đùng một phát, anh mất trắng, kể cả cô người yêu xinh như mộng. Đơn giản vì anh đã “hết giá trị lợi dụng” và người ta chẳng ngần ngại mà hất chân anh ra khỏi tập đoàn. Anh buồn sự đời và chẳng còn hứng thú với phụ nữ. Anh bỏ thành phố, bỏ sự nghiệp về quê làm ruộng.

Chiếc đập tôm cứu cánh những đêm dài mất ngủ, anh lang thang thả lòng mình theo mênh mang con nước. Gió ràn rạt như xoáy vào lòng những ưu tư khoắc khoải. Nụ cười Thoan như sáng bừng cả đêm trăng.

Không phải lần đầu tiên anh biết rung động trước cái đẹp. Nhưng ở Thoan toát lên vẻ dịu dàng cam chịu, đôi lúc như hững hờ với nỗi đau. Anh hay lặng lẽ nhìn chị, mái tóc búi lòa xòa để lộ chiếc cổ cao. Làn da trắng dẫu dầm sương dãi nắng. Sóng mũi thanh tú cùng đôi mắt mênh mang. Nếu được một đời sống đủ đầy thì nhan sắc ấy có thể khuynh đảo nhiều thành trì, anh tự nhủ.

Một lần vô tình, chị ngã nhào vào lòng anh khi hai người tránh nhau ở đoạn qua con nước lở. Một thoáng hoàn hồn, chị tẽn tò rời vòng tay anh mà hai má đỏ bừng e thẹn. Tim anh cũng liên hồi nhịp đập. Dường như anh tương tư chị từ dạo đó, điều này chỉ lòng anh rõ hơn ai hết. Nhưng để làm gì, người ta đã có chồng con.

Trời dần về chiều, từng đụn mây âm âm theo nhau về núi. Căn chòi chìm vào im lìm khi cả tiếng bìm bịp cũng đã bẵng từ lâu. Có dáng người thấp thoáng nơi bờ đê, thoắt ẩn thoắt hiện bởi những lùm cây dại.

Thoan đến, mang theo cả một trời thương nhớ nhưng dường như chị không hề biết. Chị lẳng lặng soạn đĩa trái cây với gói bánh và lỉnh kỉnh giấy cúng các loại rồi cúi đầu khấn vái. Chị mang hết qua chòi anh những vật phẩm vừa khấn, bảo chú để mà ăn khuya cho đỡ buồn miệng. Thấy anh im lặng chẳng nói gì, chị lật đật ra về. Vừa quay lưng, anh đã lao đến ôm ghì lấy chị. Đôi tay như gọng kìm, tim anh va vào lưng chị từng nhịp liên hồi. Chị bất động mất mấy giây, lặng người quay lại, khẽ mỉm cười, vội gỡ vòng tay rắn rỏi ấy ra, giọng nhẹ như hơi thở. Chị về đây, khuya rồi, chú ngủ sớm.

Anh đứng phỗng như trời trồng. Gió thổi qua cay sè mắt. Đôi tay buông dài bất lực. Người phụ nữ ấy đã về đến mấy đoạn đê cao. Sao anh không đuổi theo để nói cho chị hiểu lòng mình... Đêm dường như dài hơn. Tiếng muỗi o o nơi góc màn báo hiệu những cơn khát máu. Anh chẳng buồn đập. Lần tay qua gối, chiếc điện thoại nằm gọn ghẽ. Có nên nhắn cho chị hiểu lòng mình? Không, không thể được, nhỡ ra...

Gần một tháng rồi không thấy chị, dường như đêm cũng dài hơn mọi lẽ, trời cũng đen hơn dẫu đôi lúc trăng lên. Và gió cũng không biết phải dừng chân ở hàng cây bụi cỏ nào. Anh chật vật với những dòng tin nhắn rồi xóa, ngôn từ khô cạn trơ khốc như mắc lại nơi đôi tay đã chai sần.

“Tôi có thể phụ Thoan nuôi nấng các con được không?”. Thời gian được đếm bằng giây cho một tin nhắn dài mười một chữ. Hơn một giờ sau anh nhận được lời phản hồi. “Cảm ơn em, đừng lo cho chị, chị ổn”!

Mọi ngôn ngữ đều bị thít chặt bởi từ “em” mà Thoan gửi tới. Ranh giới không được phá bỏ và những nỗ lực của anh cũng dần trở nên vô nghĩa. Anh nằm vật ra chiếc sạp tre, mắt chong chong vào mái chòi với khoảng đêm hun hút. Căn chòi của Thoan lâu rồi không có người ở, cứ xiêu vẹo xác xơ.

Mấy tấm rạ rữa mục không chắn nổi một cơn mưa nhỏ. Những bao bột tôm phải vùi dưới mấy lần bạt cho khỏi ướt. Anh kéo lại chăn, hình dung việc ngày mai mình sẽ bắt tay vào đan mấy tấm rạ, hoặc căng bạt che chắn lại căn chòi cho Thoan.

Dẫu gì cô ấy cũng là phụ nữ, những chuyện như vầy đàn ông làm mấy hồi. Phụ nữ là để yêu thương, ai đã nói câu đẹp đẽ ấy. Anh tự mỉm cười với chính mình. Ngoài kia, gió không ngừng thổi. Như thể đưa hết những cơn buồn về bên kia sông.

Theo HỒ LOAN (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.