Đời sông chảy mãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dòng sông mùa mưa bão, nước cuộn lên, ngầu đục. Đám lục bình cũng rã ra, cuốn theo dòng nước chảy xiết. Mùa này, đám trẻ con cũng chỉ dám nhìn theo dòng nước mải miết trôi về phía cửa biển.
Cô em gái miền Tây giọng ngọt trong như buổi mai nắng sớm, ngồi say sưa kể về những kỷ niệm như vừa trôi qua trên dòng sông trước mặt. Con sông nhỏ, giống với rất nhiều con sông dọc dài khắp mọi miền đất nước gắn với nền nông nghiệp trồng cây lúa nước này. Tuổi thơ bơi lội, tắm giặt, bắt dế, thả diều, lùa đàn trâu bơi qua sông trong buổi chiều nắng xế... Bao câu chuyện hằn in lên tháng ngày, bên dòng sông nhỏ của em. Em sinh ra bên dòng sông ấy, và cho đến khi đã làm mẹ, em vẫn gắn bó với xóm nhỏ bên sông. Gương mặt em ngời lên khi nhắc lại những kỷ niệm tuổi thơ, nhưng ánh mắt dường như thoảng qua nỗi niềm tiếc nuối, vì mọi thứ đã không còn như xưa nữa, cả dòng sông bên nhà cũng vậy. Nỗi niềm tiếc nuối như rót cả sang tôi, đục ngầu một đêm trăng bàng bạc.
Bao nhiêu đứa trẻ đã được sinh ra bên những dòng sông? Rồi ngấm vị cá tôm, trai hến, nước phù sa mà nên vóc dáng? Hẳn là nhiều lắm. Cái chất sông nước chẳng lẫn vào đâu được nếu một lần tinh ý ngồi bên nghe họ nói chuyện. Dông dài rồi thể nào cũng kể “chuyện xưa”, những chuyện vừa trải qua đó, mà như đã cũ xưa hàng thế kỷ. Sông trôi đi, người lớn theo năm tháng. Chuyện cũ ở lại thành kỷ niệm. Những đứa trẻ sinh ra từ miền sông nước, hào sảng và rộng rãi như tấm lòng của những con sông, ăm ắp phù sa sau mùa bão lũ.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Ai đó đã từng ví, đời sông chẳng khác gì cuộc đời của một con người. Cũng bắt đầu từ cội nguồn tạo thành dòng chảy, rồi băng qua núi cao vực sâu, xuôi về đồng bằng, cuối cùng là hòa mình vào biển cả. Trong hành trình đầy nhọc nhằn của một đời sông, có đoạn phải uốn mình quanh co qua bao ghềnh thác, đoạn lại phẳng lặng, thong dong trôi thanh thản trên ruộng đồng. Chỗ ghềnh thác, sông tạo nên cảnh đẹp; nơi bằng phẳng, sông cho cá cho tôm, sông bồi đắp phù sa thành bãi bờ ruộng đồng tươi tốt nuôi sống ngàn đời. Lịch sử đã ghi danh những nền văn minh rực rỡ nhất của loài người ở lưu vực những con sông rộng lớn. Đó chẳng phải là minh chứng đẹp đẽ nhất cho những đời sông hay sao! Một đời sông luôn là những tháng ngày mải miết chảy trôi, đem nguồn nước mát lành cho cây cối, mùa màng. Một dòng sông ngừng chảy sẽ là một dòng sông chết, chẳng còn chút giá trị tự thân và rồi sẽ tự xóa tên mình. Những con sông, phải chăng vì thế, mà cần mẫn ngày đêm, lúc lặng lẽ, khi dữ dội, lúc hiền hòa, khi hung bạo, tạo nên những dòng chảy luân chuyển không ngừng.
Mùa mưa bão mỗi năm lại về. Bao đời bám sông, bấy nhiêu đời vui buồn cùng sông nước. Tiếng khua lốc cốc gõ nhịp mạn thuyền của người đánh lưới như còn vẳng vào những buổi “tôm chạng vạng, cá rạng đông”. Những con sông như tấm lòng người mẹ thảo thơm, oằn mình đi qua mùa bão lũ, để rồi đắp bồi thêm phù sa cho bờ bãi. Từ bờ bãi, lúa khoai lại mướt xanh bao nẻo đời chất đầy hy vọng. Từ bờ bãi, những mùa hoa hò hẹn lại mê mải bừng lên như nắng mai hừng khẽ. Từ bờ bãi, những cánh diều chở theo tiếng sáo vi vu giữa tầng xanh gió nhẹ mảnh vương vào chiều.
Tôi ngồi bên này sông Pô Cô, mải mê nhìn theo chiếc thuyền độc mộc men chầm chậm ven bờ phía bên kia sông, khi hoàng hôn chạng vạng. Phía bên kia sông là nước bạn. Tôi thấy người đánh cá trên chiếc thuyền độc mộc, giống như tất cả những người mưu sinh trên sông nước mà tôi đã gặp. Cũng những thao tác thả lưới, thu lưới nhanh gọn, cũng một cách gõ nhịp mái chèo lốc cốc vào mạn thuyền. Bên này sông là đất nước tôi, bên kia sông là nước bạn. Nhưng chắc hẳn dòng sông chẳng hề biết mình đang mang cái nhiệm vụ “ranh giới” đó. Nó cứ mải miết chảy qua thác ghềnh, chảy qua đồng ruộng, chảy qua tháng năm, rồi chắt chiu phù sa đắp bồi cho bờ bãi, rồi sinh thêm cá tôm, thảo thơm như lòng mẹ.
Chuyện về những dòng sông làm sao tôi kể hết. Dòng sông nơi tôi đã sinh ra. Dòng sông tháng năm mát lành vỗ về tôi vượt qua những khúc quanh gập ghềnh đầy bất trắc. Dòng sông oằn mình chảy ngược tự nhiên với khát khao cuối cùng được hòa mình vào với biển. Dòng sông tuổi thơ của cô em miền Tây rót vào tôi một đêm trăng đầy nuối tiếc… Làm sao tôi nhớ hết những dòng sông có tên và không tên mà mình đã gặp trên rất nhiều chặng hành trình. Có chăng, còn lại trong tôi là những dòng chảy cần mẫn ngày đêm, lúc hiền hòa, khi dữ dội. Đó là sự luân chuyển không ngừng, làm nên những đời sông chảy mãi.
ĐÀO AN DUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.