Chớm hạ…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi thích những buổi sáng giao mùa trong năm, không khí thường dễ chịu. Như lúc này khi thức dậy, mở cửa sổ đã thấy nắng mênh mông cây cỏ. Gió vẫn còn chút miên man se lạnh cuối xuân nhưng trong lành, mát mẻ hơn nhiều.

Ngay cả mấy chú chim bị nhốt trong lồng kín bên nhà hàng xóm dường như cũng cảm nhận được sự giao mùa ấy. Chúng lảnh lót, ríu ran hơn mọi khi, như chỉ chờ chủ vén tấm vải nhung để nắng tràn vào lồng, ấm áp.

 

Quán quà sáng của bà cụ nhà đối diện hết hàng sớm hơn. Vẫn như mọi khi, bà cụ loay hoay dò sóng đài FM lẹt xẹt. Vài người đàn bà mang chăn chiếu ra phơi, nước còn rỏ tong tỏng trên nền đất. Bà cụ vừa thấy tôi đã níu lại chuyện trò: “Khi còn sống, những ngày chớm hạ này ông nhà tôi thường dọn tủ quần áo. Cất đi quần áo ấm, ông mang những bộ cánh mùa hè mỏng mát ra thế chỗ. Mùa này hoa nhài nở rộ. Ông ấy thường hái vài chùm hoa nhài bỏ vào tủ cho quần áo thơm hương. Chẳng hiểu vì sao kể từ khi ông ấy mất, bụi nhài không còn ra hoa nữa. Hay là chúng biết nhà không còn ai thích uống trà?”. Bà cụ nhìn xa xôi, đôi mắt ấy không có vẻ gì là phiền muộn. Những ký ức đẹp đẽ về ông đủ để an ủi, vỗ về bà những tháng năm còn lại…

Giữa trưa, nắng bắt đầu già hơn, góc sân của mỗi nhà trong xóm lại thêm vài chiếc mẹt. Mấy nải chuối đã chín kỹ, rổ rễ cây đinh lăng vẫn còn tươi, mẹt cơm nguội còn thừa, mớ tép đồng hàng xóm mới mua rẻ trong phiên chợ sớm. Mấy đứa nhỏ bắt đầu nghĩ đến những que kem mát lạnh, háo hức chờ hàng tào phớ đi qua. Mẹ tôi nói thèm bát canh chua, nếu còn mảnh vườn quê thì mùa này rau cỏ tốt tươi phải biết. Đám rau dền, rau đay chẳng cần mất công trồng hay chăm bón vẫn cứ mọc khắp vườn. Chẳng cần chợ búa gì, đi làm đồng bắt được mớ cua, về tới nhà với tay hái giậu mồng tơi mơn mởn trên hàng rào cũng được bát canh bổ mát. Mẹ theo cháu con xuống phố cũng đã nhiều năm, nhưng còn giữ nếp quê trong sự chân phương, mộc mạc. Thỉnh thoảng bà con dưới quê lại gửi biếu ít đồ sạch cây nhà lá vườn. Mẹ đợi hôm nắng lên, mang đồ quê nấu nồi chè đậu đen mát lạnh múc chia cho cả xóm.

Những buổi tối đầu hạ xóm giềng như gần lại nhau hơn. Xong bữa tối, mọi người thường bắc ghế ra trước nhà ngồi nói với nhau dăm ba câu chuyện. Nhìn lên tán sấu già, chúng tôi nói với nhau về mùa quả tới. Nhìn bầu trời đầy sao, chúng tôi nói về ngày mai nắng đẹp. Những ngày tới, thời tiết chắc không còn dễ chịu thế này. Cái nóng hầm hập sẽ dội từ trên xuống, bốc từ dưới lên khiến đời sống vất vả hơn nhiều. Nên tôi luôn muốn tận hưởng không khí lúc thời tiết giao mùa. Khi đầu óc nhẹ nhõm, thảnh thơi, con người ta cũng vì thế mà nghĩ đến những điều tốt đẹp.

Theo VŨ THỊ HUYỀN TRANG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...