Dưới tán cây mùa xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một sớm mùa xuân trong veo, những vạt nắng thanh mảnh, non tơ vắt ngang giậu cúc tần trước hiên vắng, khẽ chao đảo, rung rinh theo nhịp gió sau vòm lá thưa. Dường như lòng mình từ sâu thẳm cũng đang ngân rung những cung bậc tha thiết.
Gió ngợp cánh đồng xuân, len vào giấc mơ buổi sớm mai diệu vợi, gợi về mong manh bao kỷ niệm vờ như đã ngủ yên. Đàn chim nhỏ từ đâu bay về cất tiếng hót nguyên sơ, gieo vào gió mây những nốt nhạc lao xao giữa sương mờ vương gót. Nắng bâng quơ đậu nhẹ trên đôi vai xuân thì, khẽ níu lòng mình trong bao xao động kín đáo, sâu xa… 
Mùa xuân, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng nghiêng nghiêng rọi qua vòm lá biếc, rắc ánh vàng lên chùm hoa chúm chím đong đưa, vương trên đôi cánh bồ câu đương chậm rãi mổ thóc ngoài bậc cửa. Màu xanh miên man của lá tràn vào tâm trí, như thôi thúc mình hoài vọng về một quãng đồng xanh mỡ màng, một vạt rừng bát ngát, hay ấp ủ những giấc mơ trong mảnh vườn của mẹ. Gió đầu xuân hây hẩy, lành lạnh đôi chút, đánh thức bao hồi tưởng êm ái bằng một làn hương thật đằm. Dưới vòm xanh yên lành, dường như những ô cửa trong tâm hồn cũng được mở ra, rộng lòng đón những tinh khôi vừa chớm. Giữa quãng vắng chênh chao, mình ngồi đợi những xa xôi quay về…
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Ngồi thật lâu dưới một tán cây, mình thường nghĩ về những nỗi buồn thật đẹp. Có những nỗi buồn dịu nhẹ tựa tiếng chuông vô ngần trong một sớm mai xuân. Chúng ắt hẳn được gợi lên từ những ký ức đằm thắm như sóng loang mặt hồ, dẫu có trải qua bao xao động thì cuối cùng cũng trở về sự tĩnh tại vẹn nguyên.
Như những khi từ sau nhà trông ra vạt rừng ảo mờ trong bảng lảng mù sương, mình sẽ cố níu cơn sóng thời gian trôi qua tâm trí chậm lại đôi chút. Để nỗi buồn sóng sánh nơi đáy mắt và nỗi nhớ bất chợt ào về diết da. Lúc ấy, mình nhớ dáng mẹ về cùng đôi quang gánh trìu trĩu lá dương, bước chân tất tả rẽ màn sương dày, chiếc nón lệch vương vài cọng lá. Những gánh lá khô sẽ được chất đầy một góc bếp để dành nhóm ngọn lửa mùa xuân ấm nồng. Mẹ đã thức khi hơi sương còn la đà ngang mặt, và trở về lúc mặt trời vừa chớm tỏ. Sương sớm chòng chành dường như làm gánh lá nặng hơn. Đó là một hình ảnh man mác buồn nhưng đẹp mơ màng, đã lưu lại mãi trong tâm trí mình dẫu phôi pha năm tháng…
Ngồi thật lâu dưới một tán cây, giữa bóng mát bao dung và thanh lành, mình bắt đầu một chuyến đi thật sâu vào miền tâm tưởng. Là lúc mình thật là mình, những sâu xa sẽ cất tiếng từ bên trong khi bàn tay khẽ áp lên lồng ngực trái. Ngồi thật lâu, mình lặng nghe những cơn gió mùa xuân như đang hát điệp khúc đồng nội, tiếng đập cánh của một loài chim quen vụt bay lên từ nhành trúc, bầy ong mật vo ve lượn quanh những khóm hoa dại trắng vàng li ti. Nhắm mắt lại, để hơi thở hòa vào thinh vắng, mình hoàn toàn tự do trong một khoảng lặng dường như không có đường biên. “Sức mạnh của im lặng chính là để đôi mắt-cửa sổ tâm hồn, lên tiếng. Khi im lặng, ta nghe thấy rõ hơn những chiều sâu” (Agnes Ledig).
Mình thả rong ý nghĩ, tập làm một gợn mây trắng cứ khoan thai trôi cùng những đức tin. Cây lá với dòng diệp lục êm ả sẽ làm dịu đi ánh nhìn đa đoan và ru ngủ những đắng chát đã từng. Sự tĩnh lặng như sương non đầu ngày dần khỏa lấp tâm hồn. Luôn có đủ những ngăn trống vừa vặn cho ký ức. Mình bắt đầu vun xới những hạt giống hy vọng bên trong tâm hồn, và một trái tim đủ yêu thương sẽ là mặt trời sưởi ấm cho khu vườn của hy vọng, khởi đầu từ mùa xuân.
TRẦN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.