Mứt gừng mùa đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm nào cũng vậy, khi chớm đông, mấy vạt gừng trong vườn nhà cũng dần héo tàn, báo hiệu mùa thu hoạch gừng bắt đầu. Và thể nào, mẹ cũng sẽ làm món mứt gừng vừa cay mềm, vừa ngọt thơm rồi gửi lần lượt cho mấy chị em tôi trên phố.

Gừng là cây thuốc chữa được nhiều bệnh, cũng là một trong những gia vị quen thuộc giúp các món ăn thêm đậm đà. Củ gừng qua bàn tay khéo léo của mẹ đã tạo ra nhiều món ngon: trà gừng, canh gừng, chè nếp gừng, mứt gừng... Trong rất nhiều loại mứt thì mứt gừng mẹ làm là ngon nhất vào những ngày đông.

Món mứt gừng. Ảnh: Ngọc Ảnh
Món mứt gừng. Ảnh: Ngọc Ảnh


Nếu mứt quất mang đến sự an khang, thịnh vượng; mứt dừa, mứt hạt sen mang đến sự sum vầy, hạnh phúc, đủ đầy… thì mứt gừng với vị cay cay, nồng ấm của gừng hòa với vị ngọt thanh của lớp đường phủ bên ngoài lại mang đến một cuộc sống ấm êm, một sự khởi đầu năm mới thuận lợi, may mắn. Bố tôi bảo: “Ngày Tết, vừa uống ly trà nóng vừa nhâm nhi với lát mứt gừng thì còn gì bằng”.

Ở quê tôi, nhà nào cũng trồng gừng. Ít thì một bụi, nhiều thì vài ba vạt hoặc có khi là cả vườn. Nhà trồng để làm gia vị khi cần, nhà thì để đem bán vào dịp cuối năm. Nhà tôi cũng trồng gừng nhưng không nhiều. Sau gần một năm dày công chăm sóc, gừng thu hoạch được, mẹ sẽ dành một phần làm giống cho mùa sau, phần sẽ làm quà thơm thảo cho cô dì chú bác, rồi thì để làm gia vị cho các món ăn trong bữa cơm hàng ngày. Phần nhiều hơn cả, mẹ dành làm mứt gừng cho cả nhà.

Gừng được trồng vào khoảng tháng Giêng và phát triển trong khoảng 8 đến 10 tháng. Bắt đầu từ tháng 10 trở đi là có thể thu hoạch. Mẹ tôi thường chọn những củ gừng bánh tẻ còn tươi nguyên, không bị dập để làm mứt. Gừng đảm bảo không quá non cũng không quá già. Nếu gừng non, mứt sẽ không có độ săn, đậm đà; nếu gừng quá già, mứt sẽ có vị cay nồng, nhiều xơ. Món mứt gừng chất lượng phải có màu vàng ruộm, khi ăn không có xơ, không đắng, cũng không bị nát.

Mẹ rửa sạch từng củ gừng để loại bỏ lớp đất còn dính bên ngoài rồi dùng thìa cạo sạch lớp vỏ, thái gừng thành lát vừa ăn. Toàn bộ gừng sau khi thái lát được ngâm với một chút muối trong thời gian ngắn. Tiếp theo, mẹ luộc sơ qua gừng lát đã ngâm rồi vớt ra, rửa với nước sạch. Mẹ bảo, làm thế, gừng sẽ bớt vị cay nồng và sẽ cho màu vàng đẹp hơn.

Mẹ đem ướp gừng đã luộc với đường theo tỷ lệ phù hợp trong thời gian nhất định. Cách làm này sẽ giúp đường tan và ngấm đều vào từng miếng gừng, giúp mứt gừng có vị cay ngọt vừa phải sau khi rim. Mẹ bắc chảo đáy dày, miệng rộng lên bếp, đẩy lửa cho đến khi chảo nóng, rồi cho hỗn hợp gừng đã ướp vào chảo. Khi rim gừng, việc canh lửa được coi là khâu vô cùng quan trọng. Mẹ giữ lửa riu riu và đảo gừng đều tay. Mẹ bảo, đặc tính của gừng là nóng và nhanh khô. Bởi vậy, để không bị cháy, khi thấy đường bắt đầu hình thành bột màu trắng và bám vào từng miếng gừng, mẹ bắc chảo ra khỏi bếp, tiếp tục đảo đều tay để gừng cho màu sáng đẹp. Chờ khi gừng nguội hẳn, mẹ cho vào lọ thủy tinh để ăn dần.

Với chị em tôi, trong số những thức quà mùa đông, món mứt gừng mẹ làm luôn là số một. Buổi chiều mùa đông, tôi nhận được hũ mứt gừng mẹ gửi từ dưới quê lên kèm theo dòng chữ “Nhớ dùng vào buổi sáng để tránh ho và cảm lạnh nghe con!”. Nâng niu món quà của mẹ, lòng tôi rưng rưng niềm hạnh phúc ấm áp khó nói thành lời.

 

AN VIÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.