Tháng của tình yêu lan tỏa trong tâm tưởng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi vẫn luôn thấy lòng mình xôn xao khi đi dọc những con kênh, bờ sông trong thành phố, nhìn những cụm hoa đăng lung linh. Người thắp lên hẳn đã thả theo những mong ước bình an, những nguyện cầu chân tình. Tháng Bảy âm lịch năm nay, dù vẫn giãn cách khắp nơi, hẳn không thể có hoa đăng, hoa hồng cài áo… thì những nét đẹp ấy vẫn ngọt ngào trong tâm tưởng.

Bố của một người bạn cũ học chung cấp hai, mẹ của đồng nghiệp cũ, đều vừa mất cách đây mấy hôm, do mắc Covid-19. Nơi tôi ở, những tin như thế, dù rất đau lòng, đáng tiếc thay lại đang trở thành bình thường. Một tài xế chở gạo và trứng đến chỗ tôi sáng nay để tặng cho những công nhân thất nghiệp, với bộ dạng “hơi kỳ kỳ” khi mặc áo thun màu xanh cốm bó sát lấy cơ thể.

Anh giải thích: “Đừng cười nhen, đi hoài vầy, bốc vác nhiều, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chỉ mặc áo thun mới chịu nổi. Sáng nay ra khỏi nhà, mặc nhầm áo vợ, mà biết mọi người đang đợi nên lỡ rồi mặc luôn”.

Và anh kể với giọng buồn rầu: “Em đi lại cẩn thận nhen; còn không, ở nhà ăn mắm ăn muối, dăm quả trứng cọng rau thôi cũng được nữa”. Nói vậy, nhưng bản thân anh vẫn rong ruổi trên những con đường chở đồ thiện nguyện đi sẻ chia, họ hàng anh chia nhau chở F0 đi viện, chở từng người qua đời đi đến lò thiêu....

Và nghe vậy, nhưng những người bạn chung đội của tôi vẫn không thể vì thế mà không đưa gạo, đưa rau vào những khu cách ly F1, F0 trong khu lưu trú công nhân, trong những hẻm trọ, khi mà ai nấy đều nhìn mình với ánh mắt đợi mong từng bó rau, túi gạo. Tháng Bảy chưa bao giờ buồn thế, mà cũng chưa bao giờ nhiều yêu thương đến thế.

Tôi vẫn nghĩ rằng tháng Bảy âm lịch có những con đường kỳ diệu lắm. Đúng như ngày xưa bà nội vẫn kể, là con đường tâm giao dẫn người sống, người chết gặp nhau. Khi bà còn sống, bà vẫn khẳng định chắc nịch rằng, vào những ngày trước rằm tháng Bảy, người sống rất dễ gặp những người đã mất mà mình yêu thương, gắn bó trong những giấc mơ. Giấc mơ tháng Bảy của bà có ông nội, người chồng liệt sĩ mất từ mùa thu mấy chục năm trước. Giấc mơ tháng Bảy của tôi có mẹ về nhiều hơn…

Anh bạn chung cơ quan hôm qua ngồi xếp những đóa hoa sen bằng giấy để cúng ông bà. Anh bảo, vào những ngày trước rằm tháng Bảy, anh thường mua hoa sen, lên chùa thắp nhang cúng ông bà. Năm nay không ai bán sen, chẳng ai lên chùa, nhưng tự thấy lòng mình thiêu thiếu nếu không có sen cúng. Thì thôi, là sen giấy, nhưng quan trọng là tấm lòng mình vẫn nghĩ tới, nhớ thương người đã đi xa. Tâm mình cũng yên mà nếu có thế giới bên kia, hẳn ông bà cũng vui lòng.

Sẽ có những điều bí ẩn mà tôi cũng như anh bạn không thể biết rõ trong tháng được xem là “tâm linh” này. Như nhiều lứa đôi vẫn tin rằng ăn chè đậu đỏ có thể cầu duyên, cầu may mắn trong ngày thất tịch, ăn chay sẽ có thể cầu an...

Nhưng có một điều rõ rằng, những ngày tháng Bảy âm lịch đến và đi, là cơ hội để chúng ta sẻ chia yêu thương nhiều hơn. Những yêu thương có thật, dù nhỏ thôi, như sẻ chia cho nhau trong cơn hoạn nạn từ những hộp cơm chay, túi rau, túi trứng; yêu thương từ những điều có có không không như từ những đóa sen bằng giấy xếp không được khéo lắm, nhưng người cháu vẫn thành tâm hướng về.

Và vì thế, tháng Bảy, đến cả những cơn mưa dường như cũng chầm chậm, nhẹ nhàng muốn níu chân người quên vội. Mưa gọi về nỗi nhớ công ơn sinh thành, về tình yêu đôi lứa của vợ chồng Ngâu, của những giọt nước mắt buồn và đẹp nhất thế gian, của sự ấm áp khi nghe nhắc tới Bông hồng cài áo…

Theo KHÔI NGUYÊN THẢO (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...