Thương nhớ mùa mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Pleiku chỉ có 2 mùa mưa nắng. Sau những tháng nắng khô cạn cả con suối, giếng nước là đến mùa mưa. Bắt đầu từ những cơn mưa đầu mùa làm sạch lớp bụi đọng trên cành cây, vòm lá, đem đến một màu xanh tươi mát cho Phố núi thanh bình. Rồi mưa dần dày hơn, cho những mùa cây trái mới vào vụ, góp thêm vào sự trù phú của miền đất đỏ bazan này. Mùa mưa cứ đến rồi đi như một sự tuần hoàn của tự nhiên đã để lại trong lòng người nhiều cảm xúc. Mùa mưa với tôi vừa đáng yêu mà cũng thật đáng buồn.
Vào những ngày cao điểm nắng nóng tháng Giêng, tháng 2 Âm lịch, mọi thứ đều khát khao chờ nước. Một đám mây đen hình thành từ phía đằng Đông đem lại bao nhiêu là hồi hộp, khấp khởi. Những đám mây có thể lớn dần lên, đem đến cơn mưa đầu mùa mát mẻ, hoặc tan dần đi trong sự tiếc nuối. Mưa đầu mùa là vậy, thường chỉ trong diện hẹp. Nhưng như vậy là đã có dấu hiệu của mùa mưa. Có thể là hôm nay ở nơi này, ngày mai ở nơi khác, mọi người đều trông đợi đón chờ những giọt mưa đầu mùa, nhất là các chủ vườn tược, trang trại. Rồi mưa cũng đến. Buổi chiều sau một ngày nắng nóng, chợt nghe trong gió sự mát lành của hơi nước, mây đen mỗi lúc một dày hơn, gió thổi cuốn bụi mù. Lộp độp… lộp độp… Những hạt mưa đầu tiên rơi xuống mái tôn, rơi trên đường phố, dày dần và nặng hơn. Từ trong nhà nhìn ra, những giọt mưa trong suốt như pha lê đang tưới tắm lên mọi vật, một cảnh tượng thật nên thơ. Cơn mưa đến rồi đi, trả lại vẻ trong trẻo, tươi tắn cho từng con đường, mái nhà, vườn cây, cho cái nắng dịu bớt và lòng người cũng khoan khoái dễ chịu hơn.
Mỗi lần nhìn ngắm cơn mưa đầu mùa, tôi lại nhớ thời còn đi học. Những buổi chiều chuẩn bị giờ tan học là cơn giông lại kéo đến làm đen kịt bầu trời, rồi mưa trút xuống ào ào. Bỏ sách vở vào cặp cho khỏi ướt, còn người thì cứ băng trong mưa mà chạy, rượt đuổi nhau thích thú, như thể là tắm mưa. Sau vài cơn mưa, đất thấm nước là bắt đầu những mùa vụ mới trên những gò đồi, nương rẫy. Những cô cậu học trò nghỉ hè đi chăn bò lại tranh thủ tìm bắt dế lửa, dế than về chơi.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Rồi mưa dày hơn, thường là những cơn mưa về đêm. Còn cái thú nào hơn được nằm cuộn tròn trong chăn ấm, nghe từng giọt mưa rả rích rơi trên mái nhà. Những tiếng lộp độp đều đều dễ đưa ta vào một giấc ngủ say trong cái mát mẻ dễ chịu của thời tiết. Sáng ra, khi trời quang mây tạnh, mọi vật dường như tươi mới hơn để đón một ngày đầy hứa hẹn. Cũng có những buổi sáng trời mưa, trong một quán ven đường nào đó, bên tách cà phê nóng, ngắm mưa rơi nghe những kỷ niệm xa xôi trở về trong trí nhớ.
Những ngày mưa dai dẳng cũng thật đáng ghét biết bao khi bầu trời lúc nào cũng đen kịt và sẵn sàng trút nước. Những mái tranh cũ, mái tôn thủng lỗ chỗ không đủ sức che chắn ngôi nhà khỏi trận mưa như trút. Nhà dột, củi ướt, nấu bữa ăn mà nước mắt nước mũi giàn giụa. Những bộ quần áo ướt nước mưa giặt rồi phơi mãi không khô, khổ nhất là nhà có trẻ em và người bệnh. Mưa nhưng việc đồng áng không thể bỏ, gia súc vẫn phải chăm. Bàn chân người nông dân cả ngày dầm trong nước làm đồng, cắt cỏ cho bò, cắt rau cho heo. Làn da tái nhợt vì ngâm nước cả ngày lại tấy đỏ đau nhức về đêm vì chứng nước ăn chân. Những người lao động làm thuê không kiếm ra việc làm trong ngày mưa bão, nhìn đàn con nheo nhóc thiếu trước hụt sau mà đau lòng. Những người buôn bán hàng rong vẫn miệt mài đôi quang gánh dưới mưa để mong kiếm thêm lon gạo chén mắm cho đàn con ấm lòng. Mưa không ngớt cả tháng trời đã làm cuộc sống của họ muôn vàn vất vả. Những giọt mưa đẹp như pha lê trong mắt ai lại hóa thành những giọt nước mắt mặn chát những lo toan, vất vả.
Mùa mưa còn là những con đường trơn trượt, bùn đất dẻo quánh dính bước chân người. Những cơn mưa kéo dài làm con đường đến trường của các thầy-cô giáo và bao em nhỏ vô cùng khó khăn. Dù rất nhiều con đường đã được nâng cấp, làm mới nhưng ở vùng sâu, vùng xa, đi lại vào mùa mưa cũng gặp nhiều trắc trở. Đây đó cũng còn nhiều con đường hiểm trở từng lấy đi tính mạng của những thầy-cô giáo và học sinh.
Mùa mưa có những mong đợi và lo âu. Có những cơn mưa đầu mùa thật đẹp và được mong chờ. Có những ngày mưa dầm dai dẳng đem lại bao phiền toái cho nhiều người. Nhưng mùa nắng đi qua và mùa mưa đến là quy luật. Những mùa mưa đã qua vẫn còn trong mỗi người là ký ức, có thể buồn, có thể vui, nhưng luôn luôn là niềm thương nỗi nhớ.
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).