Đời thảo mộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có cảm giác gió chỉ xao lên vừa đủ nhẹ để đem đến khí trời dịu mát rất đặc trưng của miền núi cao nguyên. Giữa xuân, trời đất trong veo, nhìn đâu cũng thấy lòng thật nhẹ nhõm.
Sớm mai ngồi lặng bên vỉa hè cà phê sớm, ngước tầm mắt theo hai hàng cây chạy dài bên phố, chợt nhận ra, phố mùa này đẹp quá. Đẹp nhất chính là những hàng cây đang ríu rít với chồi non lộc biếc. Chỗ này, những vòm lá vẫn thản nhiên biếc mình, thì cạnh đó, một cái cây lại đang lấm tấm trổ lộc non. Xa kia, một cái cây vàng rực lên như mùa thu bên trời Âu, cạnh đó lại điểm vào một tán lá đỏ ối, mỗi bận gió tạt ngang thì từng nắm lá bứt mình, chao xuống.
Chiều ven đồi, những đám cây thân thảo gần như đã khô héo kiệt cùng, thế mà vài ba loài hoa dại vẫn an nhiên trổ nốt những bông cuối cùng của đời thảo mộc. Trong ráng chiều đỏ ối, lác đác vài đóa dã quỳ thắp lên chút đẹp đẽ cuối mùa. Dã quỳ cuối mùa đẹp một vẻ khiêm nhường, chiu chắt, tận hiến. Quanh đấy là xuyến chi, ngũ sắc và vài thứ hoa dại khác cũng lặng lẽ đơm bông.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Tôi trở về khi chiều đã muộn. Trên con đường về nhà, từng đám lá vàng trải kín dọc lối đi. Chị bạn tôi, nhà ngay mặt phố trung tâm, trước nhà chị là những vòm cây rợp mát. Chị bảo, mùa này không nỡ quét sân quét ngõ vì nhìn đám lá vàng rụng xuống đẹp quá. Chị cứ để yên đám lá phủ kín trên vỉa hè cổng ngõ, đến khi chúng khô cong, chuyển màu nâu nhạt thì gom lại đốt. Giữa lòng phố, nghe mùi lá khô ngun ngún cháy, có nỗi niềm gì đó lay động về những đời cây qua bao mùa thay lá. Chợt thấy mắt mình cay cay, không biết có phải là do khói…
Vòng luân chuyển của thời gian đọng lại rõ rệt nhất có lẽ là trên cây lá. Tôi đã từng được người lớn bày cho cách xem tuổi cây, mỗi một năm trôi qua, cây sẽ lưu dấu tuổi đời theo cách riêng của nó. Một đời cây bắt đầu từ khi còn là một hạt mầm được gieo xuống đất. Khi những chiếc lá đầu tiên vươn ra dưới mặt trời thì cũng là lúc nó tự tạo ra những giá trị để đóng góp cho cuộc sống. Mỗi lá cây là một lá phổi xanh bé xíu, trăm ngàn vạn triệu những cái cây trên trái đất này tạo thành lá phổi khổng lồ để con người được hít thở bầu không khí trong lành. Một số loài cây lại trổ hoa, một số loài thì cho quả. Những đóa hoa đẹp đẽ và những chùm quả ngọt lành cũng là những giá trị dành tặng cuộc đời. Ở bất kỳ khoảnh khắc nào cũng thấy cỏ cây thật đẹp. Cây đẹp, bởi có lẽ chúng tự tạo ra những giá trị, khiêm nhường thôi, mà bền bỉ, chắt chiu.
Tôi ngồi giữa không gian xào xạc tiếng lá reo và ngắm nhìn cỏ cây trong gió như đang ca hát. Trong mường tượng của tôi, cây lá luôn có một đời sống thật vui vẻ. Chúng vui vẻ bởi biết quấn quýt vào nhau để xanh, quấn quýt vào nhau để vàng và ngay cả khi rụng xuống, chúng vẫn không đơn lẻ. Mỗi ngày, khi mặt trời thức dậy, cây lá chính là những sinh thể đầu tiên vươn mình ra đón lấy ánh nắng mai tinh khôi để dưỡng mình. Chúng sống trọn một cuộc đời, rồi tàn lụi đi cũng dưới ánh mặt trời, vui vẻ, hết mình. Có những loài thảo mộc nhỏ nhoi ủ gốc rễ trong lòng đất, chờ mùa mới lại vươn mình thức dậy.
Ai chẳng ước ao được sống một đời như thảo mộc, biếc xanh tận cùng từng tế bào màu cỏ, ríu rít lá cành bên nhau, úa tàn bên nhau, rồi buông mình rụng xuống, kể cả ngun ngún cháy bên nhau hoặc là nằm trên đất lặng lẽ mục đi, rồi tan mình vào với đất.
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).