Mùa yến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vạn vật mang lại cân bằng cho sự sống. Muôn loài chim tạo nên âm hưởng sinh động cho cuộc đời. Chim chiền chiện, chim én là biểu tượng muôn thuở của mùa xuân. Nhưng có một loài chim của cả bốn mùa: chim yến.
Im nghe cái thinh lặng vời vợi bao la trên nền trời xanh trong đến vô cùng. Chim yến xao xác bay, hàng ngàn chấm nhỏ li ti, chi chít như hàng ngàn mũi thoi đang thoăn thoắt đan nhau chao liệng để thêu dệt nên một bức gấm hoa tùy hứng mênh mông màu thủy mặc. Những âm thanh quấn quýt vào nhau, ríu rít, lách tách như muôn vàn hạt mưa trong veo đang gõ vào cửa kính, như tiếng nước suối nô giỡn buổi ban mai.
Ta đâu ngờ rằng, trong bản hợp xướng đang tấu lên rộn rã ấy, từng âm thanh, từng cung điệu đều là tín hiệu riêng của chim yến. Đó là tiếng chuyện trò tự sự với đồng loại, tiếng báo hiệu của thời tiết, độ cao, tiếng gọi kín đáo tha thiết chỉ dành riêng cho bạn tình. 
Cũng không ngờ rằng, loài sinh linh bé bỏng chỉ nặng khoảng 15 gram ấy lại có một đôi cánh cực kỳ dẻo dai và khỏe khoắn. Khi bay, chim yến không hề vỗ cánh, thi thoảng chỉ chao nhẹ. Và nếu cần, yến lao vút như mũi tên với tốc độ hơn 200 km/giờ. Cứ thế mải miết bay hàng chục tiếng đồng hồ trên không trung cao đến gần 3.000 m so với mực nước biển, chim yến không ngừng nghỉ, không hề đậu. Ngược lại, yến có đôi chân yếu, không nhảy nhót tung tăng được, chỉ đu bám vào vách núi, cành cây hoặc tổ. 
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ta càng ngỡ ngàng không thể tin được về lối “ẩm thực” của loài chim này: rất chắt khiết, hào hoa, tao nhã. Không gợn chút phàm tục như những loài chim muông khác. Nếu nói yến giữ mình như một kẻ tu hành đắc đạo thì cũng không ngoa. Yến không bao giờ uống nước đồng ruộng, sông ngòi hay ao hồ mà uống tinh túy trong làn sương mỏng manh giữa bầu trời trong vắt. Yến cũng không bao giờ ăn xác động vật đã chết mà chỉ há mỏ trên đường bay để gom các sinh vật nhỏ li ti lẫn trong không khí của mọi tầng cao...
Một điều nữa khiến chúng ta ngạc nhiên là chim yến giao phối ngay trên không trung, quấn quýt với nhau tạo nên một vũ điệu thật đẹp mắt. Cái tinh túy của trời mây và gió lộng đã kết hợp với nhau để làm nên khí chất giống nòi của chim yến. Bản chất của yến đã tinh sáng, cộng thêm cách tồn tại tinh hoa như thế, bảo sao yến không rút lòng mình mà chiết tiết ra một nguồn kỳ phẩm quý giá và hiếm hoi đến vậy. 
Tạo hóa đã ban riêng cho loài chim hoang dã này một đặc trưng. Bầu bạn thủy chung, son sắt suốt đời, đôi vợ chồng chim yến cần mẫn nén ruột gồng mình để cùng tiết ra một loại dịch vị từ trong cơ thể của mình, đó là nước dãi để xây tổ. Tổ yến thường có màu trắng đục, một số ít có màu đỏ (được gọi là yến huyết), màu hồng (hồng yến)... Dù là màu gì thì tổ yến cũng được tạo nên bằng tất cả tinh túy của loài chim có một không hai này.
Vì một lý do gì đó mà bị mất tổ, vợ chồng nhà yến sẽ cặm cụi miệt mài xây dựng lại vẫn bằng phương thức cũ. Yến cứ âm thầm cống hiến như vậy cho đến trọn đời. Có thông tin, nếu không may 1 trong 2 con bị chết, thì con còn lại sẽ ở vậy, không đi tìm bạn đời khác nữa. Tinh diệu đến vô cùng.
Tổ yến thường được làm cheo leo trên những vách đá cao vút hay trong những hang động đồi núi hiểm trở. Để khai thác được yến sào quả là vô cùng gian nan, nguy hiểm, đòi hỏi con người phải hết sức can đảm. Vậy nên, yến sào vô cùng quý báu, từ lâu đã được mệnh danh là 1 trong 8 món sơn hào hải vị, là nguồn thực phẩm thượng hạng. 
Chư Sê một sáng thu trong. Tôi đi quanh vùng ven thị trấn, thong dong qua những rẫy cà phê, hồ tiêu xanh bạt ngàn. San sát trên những khu nhà cao cao, chim yến lượn bay trên bầu trời và cất tiếng hót ríu rít. Nghe lòng rộn ràng, lâng lâng.
NGUYỄN THẾ BÍNH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.